Tạo “luồng xanh” cho du lịch “cất cánh”
Thời điểm mở cửa hoàn toàn du lịch trong nước và quốc tế đã cận kề, nhưng đến nay, nhiều người làm du lịch vẫn băn khoăn khi còn không ít nội dung liên quan thủ tục, quy trình đón khách chưa được thống nhất, đặc biệt là về chính sách visa và những quy định xuất nhập cảnh, cách ly y tế. Vì thế để việc mở cửa du lịch thật sự hiệu quả, an toàn, linh hoạt, Việt Nam cần gỡ bỏ một cách hợp lý những rào cản làm du khách e ngại.Phát biểu tại diễn đàn “Luồng xanh cho du lịch cất cánh” với chuyên đề “Mở cửa du lịch linh hoạt-an toàn-hiệu quả” vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Tổng cục Du lịch tổ chức ngày 11/3, Tổng Cục trưởng Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng phương án mở cửa lại hoạt động du lịch bảo đảm an toàn, hiệu quả trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3 tới.
Việc mở lại hoạt động du lịch bảo đảm bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 28/TB-VPCP ngày 28/1/2022 là “mở lại sớm nhất có thể, nhưng không ồ ạt, có tổ chức chặt chẽ và bảo đảm lộ trình, an toàn, khoa học, phù hợp, hiệu quả; không cầu toàn, không nóng vội và phải thực hiện đồng bộ, nhất quán”. Để tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, điều quan trọng là Việt Nam cần khôi phục các chính sách đơn giản hóa thủ tục nhập xuất cảnh cho khách du lịch: chính sách đơn phương, song phương miễn thị thực và cấp thị thực điện tử cho công dân từ các thị trường nguồn tiềm năng của du lịch Việt Nam như thời điểm trước dịch Covid-19.
Vừa qua, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an đều đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất gỡ bỏ các hạn chế về chính sách nhập cảnh. Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho hay: Khi đại dịch bắt đầu bùng phát, Việt Nam đã tạm dừng cấp visa cho khách du lịch, quy định đó là rất đúng và cần thiết. Nhưng giờ đây, khi đã có các cơ sở để kiểm soát dịch, Chính phủ đã đồng ý cho mở cửa du lịch thì cũng cần xóa bỏ rào cản về visa, nới lại chính sách thị thực để thu hút khách vào Việt Nam.
Trên thực tế, rất nhiều nước trên thế giới đang áp dụng chính sách thị thực linh hoạt, thông thoáng. Ngay cả các nước trong khu vực như Indonesia đã miễn visa cho 157 nước; Thái Lan, Singapore, Malaysia… cũng đã miễn visa cho nhiều quốc gia. “Chúng tôi không đòi hỏi phải hỗ trợ thêm mà chỉ mong muốn được khôi phục lại những gì đã có trước năm 2020. Trong khi chúng ta đang cần khôi phục mà lại đưa ra chính sách khó hơn cả trước thì rất khó để phục hồi”- ông Bình khẳng định.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng lo ngại nếu khách quốc tế đến nước ta vẫn phải cách ly y tế ngặt nghèo và phải thực hiện xét nghiệm Covid-19 liên tục thì thay vì lựa chọn Việt Nam, họ sẽ ưu tiên những điểm đến khác có quy định đón khách cởi mở hơn. Theo Trưởng Ban Kế hoạch và Phát triển của Vietnam Airlines Nguyễn Quang Trung, khó khăn hiện nay là những quy định nới lỏng điều kiện nhập cảnh và cách ly cho khách du lịch quốc tế chưa được ban hành và chưa đủ hấp dẫn để khuyến khích, thu hút khách.
Chẳng hạn, khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài khi quay về nước phải có xét nghiệm âm tính, vậy nếu dương tính họ sẽ vẫn phải ở nước ngoài thì lưu trú tại đâu, chi phí điều trị như nào. Đây là điều khiến nhiều du khách rất e ngại về việc có nên đi du lịch nước ngoài hay không. Ở chiều ngược lại, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trước khi quay về nước cũng băn khoăn về việc lưu trú, điều trị nếu dương tính. Vì thế, ông Trung đề xuất liên quan vấn đề này, cần có những quy định thật cụ thể theo hướng thông thoáng hơn. Cùng với đó, Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình “hộ chiếu vắc-xin”, tham gia các hệ thống chung của quốc tế để đơn giản hóa thủ tục cho du khách, tạo điều kiện thuận lợi để người dân đi du lịch nước ngoài.
Đứng ở góc độ dịch tễ học, PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhấn mạnh, điều quan trọng là phải mở cửa theo hướng thích ứng an toàn, nới lỏng nhưng không buông lỏng. Theo ông, cần phải thống nhất lại về nhận thức khoa học và thực tiễn của dịch Covid-19 để áp dụng phòng, chống dịch trong ngành du lịch. Với Covid-19, tỷ lệ mắc bệnh không triệu chứng cao khoảng 60%-80%, khác với SARS, tất cả đều có biểu hiện nên có thể nhanh chóng cách ly giải quyết. Do đó, quan điểm là không cản được dịch bệnh, chúng ta chỉ có thể làm lây lan chậm lại, giữ biểu hiện nhẹ để không quá tải hệ thống y tế và sớm đạt miễn dịch cộng đồng một cách từ từ.
Phân tích từ thực tế trong tổng số ca nhiễm Covid-19 ở nước ta, chỉ có tỷ lệ 0,3% từ nhập cảnh, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng cho rằng Việt Nam nên mạnh dạn mở cửa, bệnh tới đâu cách ly tới đó, không còn cách ly xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Ông cũng khẳng định quy định 5K là cần thiết, nhưng cần linh hoạt, các K bổ trợ cho nhau, chẳng hạn 5K ở ngoài trời hay tại bảo tàng, nhà hàng sẽ thực hiện khác nhau. Với du lịch, ngành liên quan tới nhiều nơi, nhiều tình huống, nhiều môi trường, chính sách phòng bệnh đặc thù cũng cần áp dụng linh hoạt cho từng hoạt động. “Cần mở cửa đồng bộ nhưng phòng bệnh cũng phải đồng bộ và có sự chỉ đạo hướng dẫn đồng bộ. Nếu mỗi địa phương làm một kiểu, du khách không biết thực hiện như thế nào”-PGS,TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp du lịch đều đang mong mỏi có những hướng dẫn rõ ràng về các quy định liên quan cấp thị thực và cách ly y tế khi tiến hành mở cửa thời gian tới. Tổng Giám đốc Vietravel Trần Đoàn Thế Duy cho hay, tất cả những thông tin liên quan vẫn chỉ là đề xuất từ các bộ, ngành, trong khi thời điểm mở cửa đã cận kề. So sánh với một số nước chung quanh, ông Duy cho biết việc mở cửa lại du lịch được hướng dẫn rất dễ hiểu, dễ thực hiện.
Vì thế, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cũng mong muốn có được sự minh bạch, rõ ràng về thông tin để chủ động, thuận lợi trong việc lên kế hoạch, triển khai hoạt động đưa, đón khách. Mặt khác, theo ông Duy, tầm quan trọng của du lịch nội địa đã thật sự được nhận diện và khẳng định trong đại dịch. Do đó, các cơ quan quản lý du lịch và cộng đồng doanh nghiệp cũng cần có chiến lược phát triển du lịch nội địa bền vững hơn để chống chọi tốt hơn với các cuộc khủng hoảng trong tương lai.