Tục kiêng kỵ của người Tày
Mong muốn đón một năm mới với nhiều điều may mắn, tốt lành, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, bình an, vui tươi, hạnh phúc… mỗi khi chuẩn bị bước sang năm mới, ở những bản người Tày có tục nhắc mọi người những điều kiêng kỵ trong những ngày đầu năm mới.Thường thì các bậc cao niên trong bản hoặc thầy Mo, thầy Then, người có uy tín trong cộng đồng sẽ nhắc nhở các gia đình về những điều kiêng kỵ từ đêm giao thừa, mùng 1, mùng 2 tết Nguyên đán. Còn từ sáng mùng 3 trở đi được bỏ điều kiêng kỵ. Nếu ai vi phạm hoặc cố tình vi phạm điều kiêng kỵ sẽ không chỉ dông cả năm, mà còn làm liên lụy đến cộng đồng thôn bản, làng xã, cộng đồng người Tày. Các trường hợp đặc biệt, chủ nhà đều báo trước cho những người có trách nhiệm trong bản trước ngày 28 tháng Chạp để thông tin cho cộng đồng biết.
Người Tày gói bánh chưng chuẩn bị đón tết. |
Trong quan niệm của người Tày, không được mang các khoản nợ của cá nhân, gia đình sang năm mới, bởi mang nợ sang năm mới là nợ nần cả đời, nghèo khổ cả đời, năm mới làm ăn sẽ chẳng ra gì.
Từ lúc giao thừa đến hết mùng 2 Tết không được sát sinh, sát vật, vì các sinh vật cũng phải được ăn Tết như con người. Nếu ai sát hại chúng, hồn vía của chúng sẽ kiện lên trời, trời sẽ trừng trị.
Nhà nào có tang từ tháng 10 đến tháng Chạp, ngày Tết không được đến thăm nhà khác chủ vì sẽ mang tang thương, tai họa đến gia đình người ta.
Từ ngày 28 tháng Chạp đến mùng 3 Tết, không được đánh mắng, chửi nhau, gây xung đột làng xóm. Những ngày đó phải tạo không khí vui tươi, lành mạnh để lấy may, lấy lộc, hạnh phúc cho cả năm mới.
Từ lúc giao thừa đến khoảng 11 giờ mùng 1 Tết, không được tự do đến nhà khác chủ, trừ trường hợp họ chủ động đến mời. Nếu tự động đến nhà người khác tức là mang lộc nhà mình ra khỏi nhà, hoặc bị coi là mang rủi ro đến cho người khác, dễ bị người ta oán trách cả năm. Nếu người ta chủ động mời tức là mình có sự may mắn, phải đến, sự may mắn ấy sẽ được nhân lên cho cả hai bên.
Ngày Tết không được mừng tuổi bằng tiền lẻ, vì nhận tiền lẻ có nghĩa là người nhận nghèo khó, nhận sự bố thí chẳng ra gì, làm sao ngoi lên được, bị coi thường, khinh rẻ.
Khi nấu xong bánh chưng, chủ nhà lấy một sọt bánh chưng riêng, thắp vài que hương cắm vào, mang đặt chân bàn thờ, còn bánh để ăn tết lấy ở sọt khác…
Trong cuộc sống hiện nay, những kiêng kỵ trên vẫn được đồng bào Tày duy trì. Mặc dù có một vài điều được điều chỉnh phù hợp với nếp sống mới, nhưng vẫn bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào Tày.
https://baolaocai.vn/bai-viet/352483-tuc-kieng-ky-cua-nguoi-tay