Đã thấy quê nhà…

Tôi biết tết này sẽ có nhiều người về quê trong một tâm trạng khác. Đó không chỉ là niềm vui sum vầy mà còn là sự xúc động, vỡ òa trong hạnh phúc khi thấy mình may mắn hơn biết bao người khác đã không thể trở về.

Tôi đọc đâu đó trên mạng người ta nói rằng tết này đừng hỏi nhau kiếm được bao nhiêu tiền, mua được nhà, xe chưa? Tết này chỉ cần nhìn thấy nhau bình an là đủ. Trải qua một năm đại dịch với biết bao biến cố thăng trầm. Có những người đã từng phải vượt qua khoảnh khắc giữa lằn ranh sinh tử, từng nghĩ sẽ chẳng còn cơ hội được trở về nơi chôn rau cắt rốn, cúi đầu trước dáng mẹ còng lưng.

Tôi biết có người đêm nào cũng mơ thấy góc bếp nhỏ, mảnh vườn xưa. Mơ được nắm bàn tay già nua của mẹ cha mình. Mơ đang ngồi giữa sân nhà gói bánh chưng, giàn gấc đỏ au treo lủng lẳng trên đầu. Giấc mơ ấy đã giúp họ đi qua nỗi bất an trong những căn phòng trọ ngày giãn cách. Đã có lúc họ không tin mình còn có thể trở về. Giờ quê nhà đã ở ngay trước mắt, bình yên và thân thuộc. Từng cột khói bếp bay lên, từng cánh chim trời đậu xuống.

Quê hương có thể đã không còn cây đa, bến nước, có thể dần mất dấu những ngọn cau, đụn rơm hay những con đường đất ngập hoa thơm cỏ ngọt. Tiến trình đô thị hóa nông thôn khiến làng quê không còn giống những hình ảnh trong ký ức. Nhưng quê hương luôn ở đó, nơi có cánh cổng nhà chờ đợi ta sau mỗi chuyến đi. Nơi những cái tết bao năm vẫn không hề nhạt phai màu sắc. Vẫn là cái tất tưởi thu vén của những phụ nữ trong gia đình. Mua cái này, bán cái kia, lo cho chồng con một cái tết đủ đầy hương vị. Đầu làng cuối xóm râm ran chuyện ăn lợn đụng nhà nào? Gói bao cân gạo bánh? Đào, quất năm nay đắt rẻ ra sao?

Đâu đó trong mỗi nóc nhà có tiếng người nhẩm tính xem bán đàn lợn được bao nhiêu tiền? Tết này có nên sắm cái tivi mới hay để tiền ra giêng tậu con nghé về nuôi? Đâu đó trong đêm có tiếng trở mình lo cháu con đi xe ngày tết chen chúc chắc là mệt lắm. Người mẹ nào chắc cũng thế thôi, sẽ nhóm bếp nấu dần những món mà các con thích nhất. Thằng lớn khoái món thịt nấu đông bỏ nhiều nấm hương với hạt tiêu. Cái út thì tết nào cũng tha thiết với vài món mứt. Còn những đứa trẻ vẫn như tôi của ngày xưa thôi, háo hức với chợ tết và manh áo mới.

Tết năm nay hẳn sẽ có nhiều nơi vẫn còn giãn cách vì dịch bệnh. Sẽ có những cánh cổng đóng lại, vài cuộc vui tạm hoãn. Nhưng hoa mùa xuân vẫn nở, gió tết vẫn xôn xao, những cây đào trong mỗi khu vườn vẫn nở. Một cái tết không ồn ào, nhộn nhịp mà sự sum vầy nằm bên trong ngưỡng cửa mỗi nhà. Suốt cả năm dài tất bật mưu sinh xa nhà, thì tết chính là lúc ngồi lại thủ thỉ với người thân chuyện buồn vui thường nhật.

Đi qua một năm đầy khó khăn càng trân trọng hơn khoảnh khắc ở bên nhau trong những ngày xuân ấm. Cá dưới ao, rau ngoài vườn, gạo trong nhà luôn sẵn. Ngoài sân, cúc vạn thọ nở vàng, mai Yên Tử bắt đầu bung từng cánh mỏng.

Tôi cảm tạ cuộc đời vì tết này còn bình an ngồi ngắm hoa trong khu vườn của mẹ…

https://baolaocai.vn/bai-viet/352435-da-thay-que-nha

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện 'Nắng trên non'

Ngày 31/10, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện truyền thông “Nắng trên non” tại Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động truyền thông khích lệ tinh thần vượt khó, theo đuổi ước mơ của các em học sinh; lan tỏa thông điệp “Phụ nữ dân...

Phụ nữ giúp phụ nữ

Ở vùng cao Si Ma Cai, phong trào phụ nữ giúp nhau vươn lên trong cuộc sống ngày càng lan tỏa. Họ không chỉ vượt qua định kiến giới mà ngày càng tự tin nắm lấy cơ hội thoát nghèo, cùng thắt chặt sợi dây đoàn kết để tương trợ, giúp đỡ nhau vươn lên trong sản xuất.

Giao lưu giữa thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc

Chiều 30/10, tại Thư viện tỉnh diễn ra Chương trình giao lưu văn nghệ - thể thao chào mừng Hội nghị tổng kết Liên hiệp Thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiệm kỳ 2022 - 2024.

Triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai

Ngày 26/10, Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh tổ chức khai mạc triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai (1/11/1950 - 1/11/2024).

Nhà thơ Dương Soái và câu chuyện nơi ngã ba sông

Chúng tôi đã gặp nhà thơ Dương Soái, tác giả bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” trong một ngày mùa thu nơi ngã ba sông - thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát… Sau 45 năm kể từ khi bài thơ ra đời, nhà thơ Dương Soái mới có dịp trở lại thăm vùng biên giới năm xưa và chia sẻ về cảm hứng để ông viết nên...

Bát Xát bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bát Xát là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lào Cai có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với đa dạng sắc màu văn hóa dân tộc. Đây cũng là địa phương lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể, việc giữ gìn và khai thác, phát huy các giá trị sẽ tích cực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã...