Nét đẹp người Pa Dí – Lào Cai

Tuy chỉ là một nhóm nhỏ của dân tộc Tày, với số dân xấp xỉ 2.100 người, sinh sống chủ yếu ở huyện biên giới Mường Khương (Lào Cai), nhưng người Pa Dí vẫn giữ gìn được rất nhiều nét văn hóa hết sức độc đáo, trong cả “đường ăn nét ở” lẫn trang phục và các làn điệu dân ca. Chính điều đó đã góp phần làm cho vùng đất biên cương của tỉnh Lào Cai này càng thêm quyến rũ.

Từ xa xưa, người Pa Dí đã quan niệm nhà ở có vị trí cực kỳ quan trọng, quyết định đến sự phát triển của mỗi gia đình. Do vậy, khi quyết định xây dựng nhà cửa, họ chọn lựa đất rất kỹ càng. Nhất định phải đảm bảo các yếu tố như đúng hướng theo mệnh của chủ nhà, gần nguồn nước, thuận lợi trong sản xuất và chăn nuôi...

Nhà ở hiện nay của người Pa Dí phổ biến là loại nhà đất 3 gian, 2 mái, không có chái, tường trình đất hoặc thưng phên nứa, gỗ xung quanh. Nóc nhà thường được lợp bằng cỏ tranh hoặc ngói âm dương – một “thương hiệu” nổi tiếng tộc người này.

Ngói âm dương của người Pa Dí được làm theo phương thức thủ công là chính, nhưng đã đạt đến trình độ kỹ thuật cao từ cách chọn đất, nhào nặn và trộn các loại đất, kỹ thuật nung đốt. Bởi vậy mà các sản phẩm ngói của người Pa Dí làm ra có độ bền cao, màu đỏ thẫm, đặc biệt là có độ phẳng và khít. Kỹ thuật có được phần lớn dựa trên những kinh nghiệm mà những người thợ đúc kết được và truyền lại cho các thế hệ sau.

Trang phục của người Pa Dí được làm thủ công và rất tỉ mỉ.

Nhắc đến văn hóa của người Pa Dí không thể không nhắc đến trang phục, nhất là trang phục của phụ nữ. Để hoàn chỉnh một bộ trang phục của người Pa Dí phải làm 2 đến 3 tháng, thậm chí có thể mất cả năm, bởi tất cả đều làm bằng tay, từ dệt đến nhuộm, thêu thùa, may vá... chứ không dùng đến máy móc.

Trong bộ trang phục của người Pa Dí, ấn tượng nhất là chiếc mũ, hay còn gọi là “khùn tằng”. Tương truyền, từ thời xa xưa, cuộc sống của người Pa Dí hết sức khó khăn, vất vả, nhiều thế hệ cùng chung sống trong một mái nhà lớn. Phần vì để tiết kiệm chi phí xây dựng nhà cửa, chi phí sinh hoạt, phần vì ông bà, cha mẹ không muốn sống rời xa con cháu. Đến khi con cháu quá đông, ăn ở chật chội nên họ buộc phải cho con cái ra ở riêng. Để nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn, về bố mẹ, dòng tộc, người Pa Dí lấy hình tượng mái nhà sáng tạo ra chiếc mũ. Từ bấy giờ, mỗi khi đội lên đầu chiếc mũ truyền thống của dân tộc mình, mỗi người con Pa Dí đều nhớ đến ngôi nhà mà mình đã sinh ra và lớn lên.

Mũ của người phụ nữ Pa Dí thường được làm thủ công. Những bàn tay khéo léo lắp ghép, phết hồ sáp ong thành nhiều lượt để tạo độ cứng cho vải, sau đó gấp thành hình mái nhà. Ấy là phần trên cùng của mũ. Phần thứ hai được làm rất kỳ công với những hạt bạc trắng được đính theo hình sin. Những hạt bạc này là hình ảnh ước lệ, tượng trưng cho hạt ngô, hạt gạo và sự no đủ.

Kết hợp với mũ là một dải khăn ôm gọn cả phần trán và vòng ra phía sau đầu. Mặt sau của mũ cũng có một khuôn bạc hình chữ nhật, được chạm khắc hình cây cối và chim muông. Trước khi đội mũ, người con gái Pa Dí búi tóc cao lên tận đỉnh đầu, sau đó úp phần trên của mũ lên. Phần dưới của mũ được quấn tròn ngay sát trán để giữ cho tóc và phần trên của mũ được chặt, giúp cho người đội có thể cử động thoải mái mà không bị xô lệch.

Người Pa Dí có phong tục là khi con dâu về nhà chồng, mẹ chồng thường may cho một chiếc mũ, với mong muốn người con dâu sẽ đem lại phúc lộc cho nhà chồng.

Ngoài mũ và khăn, trang phục phụ nữ Pa Dí được làm từ những chất liệu tự nhiên, tự dệt, màu chủ đạo là xanh chàm, điểm màu xanh lá và màu đen. Áo phụ nữ Pa Dí may ngắn, kiểu xẻ thân, ôm sát vòng eo, nổi bật là mảng hoa văn bằng những chiếc cúc bạc nhỏ đính liền nhau, tạo thành đường chéo ôm thân người từ cổ áo xuống ngang hông. Cổ áo và cổ tay áo đều được đính hạt bạc, tượng trưng cho hạt ngô, hạt thóc, thể hiện mong muốn về sự no ấm trong gia đình.

Váy phụ nữ Pa Dí dài đến mắt cá chân. Choàng ra ngoài váy là chiếc khăn cùng màu, nẹp và gấu có đường viền trắng, tạo sự hài hòa. Hoa văn trên trang phục và trang sức phong phú và đa dạng. Đó là những hình ảnh họa tiết mô phỏng những ngọn núi nhấp nhô, nương ngô vàng rực, bông hoa rừng đỏ tươi, những đàn cá bơi lượn, thác nước tung bọt trắng xóa hay cánh rừng bạt ngàn thể hiện sự trù phú...

Cây đàn tròn là nhạc cụ không khi người Pa Dí biểu diễn dân ca.

Ngoài nhà ở và trang phục, một nét văn hóa nổi bật khác của người Pa Dí đó là âm nhạc và các làn điệu dân ca. Cũng giống như dân ca của nhiều dân tộc khác, dân ca Pa Dí hầu hết là những làn điệu ngợi ca tình yêu quê hương đất nước, tình cảm gia đình, tình yêu nam nữ. Như tháng Giêng hát về trồng ngô, tháng Hai hát về trồng trồng đậu. Đặc biệt những dịp Tết đến hay lúc nông nhàn, họ hát lên những điệu giao duyên mà người con trai muốn hỏi cưới người con gái và ngược lại...

Nhắc đến dân ca Pa Dí không thể không nhắc đến cây đàn tròn, vì nếu không có cây đàn tròn sẽ không thể biểu diễn dân ca được. Phần đầu của cây đàn mang hình đầu rồng, biểu tượng của sự sống, thịnh vượng và có ý nghĩa tượng trưng cho những gì cao quý, tốt đẹp nhất.

Bằng tình yêu văn hóa dân tộc và trách nhiệm của mỗi thế hệ, người Pa Dí (Mường Khương) luôn ý thức  việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy được giá trị truyền thống trong đời sống mới, để những tinh hoa văn hóa ấy sẽ được tiếp nối cho các thế hệ mai sau.

Bài, ảnh: Triệu Đường - Minh Phạm

Tin Liên Quan

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện 'Nắng trên non'

Ngày 31/10, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện truyền thông “Nắng trên non” tại Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động truyền thông khích lệ tinh thần vượt khó, theo đuổi ước mơ của các em học sinh; lan tỏa thông điệp “Phụ nữ dân...

Phụ nữ giúp phụ nữ

Ở vùng cao Si Ma Cai, phong trào phụ nữ giúp nhau vươn lên trong cuộc sống ngày càng lan tỏa. Họ không chỉ vượt qua định kiến giới mà ngày càng tự tin nắm lấy cơ hội thoát nghèo, cùng thắt chặt sợi dây đoàn kết để tương trợ, giúp đỡ nhau vươn lên trong sản xuất.

Giao lưu giữa thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc

Chiều 30/10, tại Thư viện tỉnh diễn ra Chương trình giao lưu văn nghệ - thể thao chào mừng Hội nghị tổng kết Liên hiệp Thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiệm kỳ 2022 - 2024.

Triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai

Ngày 26/10, Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh tổ chức khai mạc triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai (1/11/1950 - 1/11/2024).

Nhà thơ Dương Soái và câu chuyện nơi ngã ba sông

Chúng tôi đã gặp nhà thơ Dương Soái, tác giả bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” trong một ngày mùa thu nơi ngã ba sông - thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát… Sau 45 năm kể từ khi bài thơ ra đời, nhà thơ Dương Soái mới có dịp trở lại thăm vùng biên giới năm xưa và chia sẻ về cảm hứng để ông viết nên...

Bát Xát bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bát Xát là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lào Cai có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với đa dạng sắc màu văn hóa dân tộc. Đây cũng là địa phương lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể, việc giữ gìn và khai thác, phát huy các giá trị sẽ tích cực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã...