Phát triển bền vững, thích ứng tương lai
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF 2021), sáng 9/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, qua đại dịch COVID-19, nhiều mô hình phát triển bền vững cho thấy khả năng thích ứng đối với dịch bệnh, những yếu tố an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Trong đại dịch vừa qua, những DN theo đuổi triết lý phát triển bền vững đã đứng vững, giúp được cộng đồng, người lao động. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Phó Thủ tướng khẳng định, phát triển bền vững đã trở thành xu thế chung, không thể đảo ngược. Chính phủ Việt Nam đã lồng ghép các chỉ tiêu phát triển bền vững vào tất cả chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển bền vững được tổng kết hàng năm để đánh giá những tiêu chí, công việc đã làm được, cũng như các thách thức đặt ra.
Theo Phó Thủ tướng, hoàn thành hết 17 mục tiêu phát triển bền vững là thách thức rất lớn với tất cả các quốc gia, kể cả những nước phát triển nhất. Việt Nam là nước đang phát triển, còn nhiều khó khăn, nhưng đã mạnh dạn đưa ra những cam kết rất mạnh mẽ về phát triển bền vững.
Đến thời điểm này, Việt Nam hoàn thành 2 mục tiêu về giáo dục, tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm. Còn các chỉ tiêu khác đang trong quá trình thực hiện, trong đó chỉ tiêu về hạ tầng, tài nguyên đất liền, tài nguyên biển còn khoảng cách rất lớn.
Từ sự khởi xướng về mô hình kinh tế tuần hoàn, nhiều dự án rất cụ thể, các doanh nghiệp (DN) phát triển bền vững đã hình thành nhiều hoạt động quy mô lớn trong xã hội, thậm chí trở thành phong trào. Tuy nhiên, không chỉ Chính phủ, DN, mà cộng đồng và từng người dân có vai trò quan trọng không kém trong thực hiện và hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững, cùng với đó là quyết tâm đẩy mạnh hợp tác công-tư với là nòng cốt là cộng đồng DN, trong đó có các DN phát triển bền vững.
Phó Thủ tướng cho rằng, đại dịch COVID-19 đã thay đổi rất nhiều điều trên thế giới. Về kinh tế, năm 2020, kinh tế thế giới tăng trưởng âm, bước sang năm 2021, trước khi biến chủng Delta xuất hiện, đã có những đánh giá khá lạc quan về triển vọng kinh tế tăng trưởng trở lại ở nhiều nước. Mặc dù đợt dịch thứ tư do biến chủng Delta gây nhiều tổn thất về người, về kinh tế, nhưng Việt Nam vẫn cố gắng duy trì tăng trưởng kinh tế dương.
Trong 2 năm diễn ra đại dịch COVID-19, từng quốc gia, từng cộng đồng, từng DN đã rút ra rất nhiều bài học, về những sự thay đổi cần thiết để thích ứng trước các đại dịch.
Phó Thủ tướng chia sẻ: Qua đại dịch, mỗi quốc gia, cộng đồng, DN, từng cá nhân phải nhận thức rõ hơn trách nhiệm đối với bản thân, giữ gìn cho người thân, cộng đồng, nhất là trách nhiệm toàn cầu, khi không một quốc gia nào tự chống được dịch bệnh lây nhiễm, cũng như các vấn đề an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu trong tương lai.
Từng người, từng cộng đồng, từng quốc gia, toàn thế giới phải biết hy sinh lợi ích trước mắt vì lợi ích lâu dài hơn cho bản thân mình và cho tất cả.
Trong đại dịch, ở Việt Nam cũng như các nước cho thấy, từng người, từng DN có tiết kiệm, có tích luỹ, trên phạm vi thế giới là tiết kiệm các nguồn lực, nguồn tài nguyên hữu hạn, thì chúng ta sẽ thích ứng được với tương lai.
Những lúc khó khăn nhất trong đại dịch cần có tinh thần lạc quan, nhìn vào khía cạnh tích cực của vấn đề bên cạnh nghiêm khắc nhìn nhận những nguyên nhân. Ví dụ như trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều nước trên thế giới đã làm giảm ô nhiễm không khí. Đại dịch cũng thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, tự nhiên hơn.
Ngược lại, tình hình biến chuyển tốt chúng ta cũng không thể quên rằng trong tương lai có thể xuất hiện nhiều đại dịch khác, thậm chí xảy ra cùng lúc với nhiều yếu tố an ninh phi truyền thống, thiên tai do biến đổi khí hậu.
“Chúng ta phải cùng nhau thực hiện những việc dù là nhỏ nhất, thay đổi thói quen ngay từ ban đầu vì sự phát triển bền vững”, Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh “Trong đại dịch vừa qua, rất nhiều DN đóng góp quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh ở Việt Nam. Những DN theo đuổi triết lý phát triển bền vững đã đứng vững, giúp được cộng đồng, người lao động. Tất cả cộng đồng DN Việt Nam, trong đó 97% có quy mô vừa và nhỏ, cần cùng nhau xây dựng cồng DN vì sự phát triển bền vững. Đừng coi đây chỉ là ‘sân chơi’ của các DN lớn, mà là của tất cả các DN và tất cả mọi người”.
Nhiều khuyến nghị thiết thực đã được đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2021. Ảnh: VGP/Đình Nam |
VCSF 2021 diễn ra trong bối cảnh các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là đại dịch COVID-19 đang lan rộng và tác động nặng nề tới tiến trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Sức khỏe, sự an toàn của người dân bị đe dọa. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN bị đình trệ, đứt gãy. Biến đổi khí hậu, thiên tai làm suy giảm sinh kế của người dân...
Vượt lên trên những thách thức, những DN có sự cam kết mạnh mẽ, bền bỉ, kiên trì theo đuổi chiến lược phát triển bền vững trong nhiều năm qua đã thể hiện sự chông chịu, khả năng thích ứng và tự tạo ra được “kháng thể” trước đại dịch, duy trì ổn định hoạt động và tăng trưởng trong kinh doanh, đóng góp tích cực trong việc thực hiện mục tiêu kép; thể hiện khả năng chống chịu, thích ứng và cạnh tranh tốt trước những thách thức toàn cầu.
Trong khuôn khổ diễn đàn, các đại biểu cũng lắng nghe các chia sẻ hữu ích về các nội dung, khuyến nghị đối với việc tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN hướng tới thể chế phát triển bền vững; thay đổi tư duy kinh doanh, nhìn nhận phát triển bền vững là tất yếu và duy nhất giúp DN trụ vững trên thương trường toàn cầu; khẩn trương nghiên cứu, áp dụng và lan tỏa Bộ Chỉ số phát triển bền vững (CSI) trong quản trị DN, thiết lập hệ thống liên kết mạng lưới các DN bền vững, tạo lợi thế cạnh tranh, nghiên cứu, xây dựng bộ chỉ số CSI cho từng ngành, từng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh…
https://baochinhphu.vn/Kinh-te/Phat-trien-ben-vung-thich-ung-tuong-lai/455541.vgp