Cần tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới
Hiện, một số xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, các tiêu chí mới đạt ở mức tối thiểu, chưa thực sự bền vững; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện việc duy trì, giữ vững và nâng chất mức độ đạt chuẩn các tiêu chí chưa được quan tâm đúng mức.Trong giai đoạn 2011-2020, tỉnh Lào Cai với sự đoàn kết, phấn đấu nỗ lực, sáng tạo, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và toàn dân đã đạt được những kết quả về Chương trình xây dựng nông thôn mới hết sức ấn tượng, đến nay toàn tỉnh có 61/127 xã đã được UBND tỉnh công nhận hoàn thành “Xã đạt chuẩn nông thôn mới”, có 2 xã hoàn thành “Xã nông thôn mới nâng cao”; thành phố Lào Cai hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; huyện Bảo Thắng đang hoàn thiện hồ sơ hoàn thành “Huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020”.
Tuy nhiên, việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đối với các xã đã được công nhận còn hạn chế, như một số xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, các tiêu chí mới đạt ở mức tối thiểu, chưa thực sự bền vững (Hộ nghèo, Thu nhập, Tổ chức sản xuất, An ninh trật tự…); công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện việc duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng mức độ đạt chuẩn các tiêu chí chưa được quan tâm đúng mức. Do vậy, để tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới tại các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011-2020, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, nội dung, phương thức hoạt động; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội trong xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên, người lao động của ngành, đơn vị; vận động Nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới gắn với các phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Lào Cai xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững”, các phong trào thi đua chuyên đề do tỉnh phát động gắn với phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ ổn định và phát triển dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp tại vùng nông thôn.
Cần có những mô hình sản xuất mới để nâng cao thu nhập cho người dân. |
Chủ động theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới, thực hiện trên địa bàn từng xã. Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố và các xã huy động nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn, vận động Nhân dân tiếp tục thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào sản xuất, chế biến nông sản, nhất là các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc hữu của tỉnh Lào Cai để thực hiện có hiệu quả đề án, kế hoạch đề ra.
Rà soát, kiện toàn hệ thống Ban Chỉ đạo các cấp, cơ quan giúp việc Ban Chỉ đạo cấp huyện, cán bộ phụ trách nông thôn mới cấp xã; bố trí cán bộ có trình độ, nhiệt huyết với công việc phụ trách nông thôn mới đảm bảo thực hiện nhiệm vụ hiệu lực, hiệu quả. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc các xã đã hoàn thành nông thôn mới tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu hoàn thành nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu bền vững.
Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. |
Xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện mô hình “Thôn Kiểu mẫu” đối với các thôn trên địa bàn xã. Vận động Nhân dân đóng góp tiền, công sức để duy tu, bảo dưỡng và nâng cao tỷ lệ, chất lượng các tiêu chí như đường làng, ngõ xóm, liên gia; kiên cố hóa kênh mương; hệ thống rãnh thoát nước, điện chiếu sáng đường trục thôn, ngõ xóm… Xác định và phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết với doanh nghiệp để sơ chế, chế biến các sản phẩm nông sản tạo giá trị kinh tế cao; áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm trong xây dựng nông thôn mới.
Tập trung hướng dẫn Nhân dân phát triển sản xuất, lựa chọn cây trồng, vật nuôi theo lợi thế của từng xã gắn với thị trường tiêu thụ; phát triển ngành nghề, dịch vụ gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Công tác vệ sinh môi trường nông thôn phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và có các biện pháp nâng cao chất lượng môi trường như vệ sinh nhà ở, đường làng, ngõ xóm; trồng cây xanh; rác thải, nước thải, chất thải được phân loại, thu gom và xử lý theo quy định…
https://baolaocai.vn/bai-viet/346753-can-tiep-tuc-duy-tri-va-nang-cao-chat-luong-cac-tieu-chi-nong-thon-moi