Bánh xốp của người Giáy

Người Giáy có kho tàng ẩm thực phong phú, trong đó nhiều loại bánh được mọi người biết đến như tò te, bánh rợm, bánh chưng đen, bánh bỏng, bánh khảo… Ít được biết đến hơn, người Giáy còn có món bánh xốp rất độc đáo, dễ ăn.
Chị Vương Thị Vui chế biến món bánh xốp truyền thống của người Giáy.

Bánh chưng đen, bánh tò te, bánh khảo… thường được chế biến vào những thời điểm quan trọng hoặc dịp lễ để dâng cúng tổ tiên, thần linh, còn bánh xốp là món ăn dân dã, được chế biến vào những ngày rảnh rang, làm món ăn vặt ngày thường. Bánh xốp được làm từ gạo tẻ, loại gạo không dẻo, không dính. Gạo được ngâm qua đêm rồi đem xay với nước thành bột. Trước lúc xay gạo, người làm phải dùng một ít cơm nấu chín để nguội xay cùng tạo các bọt khí, tạo độ nở cho bánh. Bột sau khi xay xong để nghỉ, lớp bột lắng xuống dưới, người làm gạn lớp nước phía trên bỏ đi, đem bột trộn với đường theo tỷ lệ đường - gạo là 1 - 2, khuấy đều cho đường tan hết rồi đem hấp. Trước khi hấp, dưới chõ hấp bánh phải lót một lớp vải sạch, đun trên lửa to, hơi nước thật nóng mới đổ bột vào hấp cho đến chín. Chõ bánh to sau khi chín được cắt thành từng miếng bánh nhỏ hơn, vừa ăn.

Theo chị Vương Thị Vui ở thôn Na Hạ, xã Lùng Vai (Mường Khương) thì bánh xốp không quá khó làm, nhưng đòi hỏi phải có kinh nghiệm. Trong cộng đồng dân tộc Giáy giờ đây không còn nhiều người biết làm món bánh truyền thống này. Để bánh phồng, xốp, khô thì phải chọn loại gạo thật cứng, không dính, khi hấp bánh phải duy trì lửa cháy thật to, cháy đều, bánh mới nở được.

Do có nhiều kinh nghiệm làm bánh nên cứ đến buổi chợ phiên, chị Vui lại làm bánh xốp cùng một vài loại bánh truyền thống khác đem bán cho người dân trong vùng. Những loại bánh này giúp chị có thêm thu nhập ngoài công việc làm nông hằng ngày.

Trong các buổi chợ phiên của người Giáy khu vực Mường Khương, Bát Xát, bánh xốp được đựng trong từng chiếc túi nhỏ bán với giá chỉ khoảng 10 nghìn đồng/túi. Bánh xốp có màu trắng, bột nở như bánh bao, vị ngọt, thơm gần giống vị bánh bò của các tỉnh miền trong. Không quá cầu kỳ, bánh xốp là món quà bình dị, ngon miệng. Loại bánh này cũng gắn liền với tuổi thơ thiếu thốn, vất vả của nhiều người bởi được chế biến từ những nguyên liệu rẻ như loại gạo cứng nhất, khó ăn nhất, xay cùng cơm nguội. Thế nhưng, dưới đôi tay khéo léo, một món bánh ngon miệng được ra đời, làm phong phú thêm ẩm thực độc đáo của đồng bào dân tộc Giáy ở Lào Cai.

http://baolaocai.vn/bai-viet/212386-banh-xop-cua-nguoi-giay

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Mùa cốm mới bên dòng Nậm Bắt

Bằng bàn tay khéo léo, chăm chỉ, những phụ nữ Tày đã làm ra những “hạt ngọc xanh” đong đầy hương vị đất trời, đưa hạt cốm Hợp Thành trở thành sản phẩm OCOP 3 sao của thành phố Lào Cai.

3 sản phẩm trà Lào Cai đạt giải thưởng trà thế giới tại Pháp

Theo thông báo từ Hiệp hội Bình chọn sản phẩm nông nghiệp thế giới tại Pháp - AVPA về kết quả Cuộc thi Trà quốc tế năm 2024, Lào Cai có 3 sản phẩm trà chế biến từ nguyên liệu lá cây trà Shan tuyết cổ thụ Hoàng Liên Sơn đã đạt giải thưởng trà thế giới với 2 giải Đồng và 1 giải Ấn tượng.

[Ảnh] Phụ nữ Tày Hợp Thành giữ nghề làm cốm

Tháng 10 vào độ cuối Thu, đến thôn Cáng 1, cáng 2, xã Hợp Thành, thành phố Lào Cai, chúng tôi sẽ được hòa mình vào bầu không khí náo nức, rộn ràng của mùa cốm mới. Những phụ nữ Tày với đôi bàn tay khéo léo và sự chăm chỉ, chịu khó ra đồng cắt lúa nếp về làm thành những hạt cốm dẻo thơm, mềm ngọt,...

SỦI DÌN - món ngon khi mùa thu về

[Ảnh] Nông dân Bát Xát thu hoạch sâm đất đầu vụ

Tháng 10, là thời điểm nông dân vùng cao huyện Bát Xát bắt đầu vào vụ thu hoạch củ sâm đất để bán cho thương lái. Năm nay, sản lượng sâm đất toàn huyện Bát Xát ước đạt 1.500 tấn củ.

[Ảnh] Tôi là: Bánh chưng đen

Dưới chân núi Khau Mạ cổ tích, trong không gian văn hóa nhà sàn và nhờ đôi tay khéo léo của những người phụ nữ dân tộc Tày, tôi được sinh ra.