Tạo bước phát triển mạnh về thể dục thể thao ở Lào Cai

Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 01/12/2011 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục thể thao đến năm 2020, những năm qua, công tác thể dục thể thao (TDTT) trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có những bước phát triển khá toàn diện.

Giải đua xe đạp trẻ toàn quốc 2020 tại Lào Cai (Ảnh: Hồng Minh)

Chuyển biến tích cực

Sau khi có Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, căn cứ vào điều kiện thực tiễn của địa phương; Tỉnh ủy Lào Cai đề ra chủ trương trong các Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai khóa XIV, XV và các chương trình, đề án, dự án về công tác TDTT. Cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đã kịp thời chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, động viên, khuyến khích các tầng lớp nhân dân tập luyện thể dục thể thao, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hôi, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo ông Nguyễn Thế Dũng, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh: sau hơn 10 năm triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW; đến nay, công tác giáo dục thể chất và TDTT trong trường học trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực: 100% trường học trong tỉnh thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục thể chất nội khóa và 90% số trường học tổ chức hoạt động TDTD ngoại khóa; 100% trường phổ thông, trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh có câu lạc bộ hoặc đội, nhóm tập luyện TDTT trong các trường học và ngày càng nâng cao về chất lượng, phong phú về nội dung, tăng về số lượng, đa dạng về đối tượng tham gia sinh hoạt. Hàng năm tổ chức nhiều giải thể thao cho học sinh, định kỳ tổ chức Hội khỏe phù đổng các cấp.

Hiện nay, hình thức tổ chức và nội dung tập luyện TDTT cho học sinh ở các đơn vị trên địa bàn tỉnh ngày càng phong phú, đa dạng như: võ thuật, bóng đá, cầu lông, bóng bàn, cờ vua, kéo co, đẩy gậy... Đặc biệt, nhiều trường học đưa một số môn thể thao dân tộc vào giảng dạy, tập luyện, thi đấu; đưa môn Bơi vào chương trình học ngoại khóa, góp phần phổ cập bơi và phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em trong cộng đồng.

Phong trào TDTT quần chúng phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh, thu hút nhiều tầng lớp và độ tuổi tham gia. Ông Nguyễn Thái Hòa, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: Phong trào TDTT quần chúng những năm qua được gắn kết chặt chẽ với thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Phát triển phong trào TDTT quần chúng là nhân tố chính để nâng cao thể lực, tầm vóc người dân, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kinh tế- văn hóa xã hội của tỉnh.

Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2011-2020, tỷ lệ người dân thường xuyên luyện tập TDTT được nâng lên, trung bình mỗi năm tăng 1,2%-4%. Đến hết năm 2020, số người tham gia luyện tập thể thao thường xuyên chiếm 35% dân số (đạt 100% mục tiêu của tỉnh đề ra và ngang bằng trung bình cả nước). Để đáp ứng nhu cầu luyện tập TDTT cho nhân dân, UBND thành phố Lào Cai và các huyện, thị xã đã quan tâm đầu tư xây dựng sân chơi, bãi tập, mua sắm dụng cụ tập luyện, đồng thời tuyên truyền vận động, khuyến khích, hướng dẫn người dân thành lập câu lạc bộ thể thao.

Theo đó, mỗi năm trong tỉnh củng cố, kiện toàn và tiếp tục hỗ trợ thành lập mới 10 câu lạc bộ thể thao truyền thống và phát triển 40 – 50 câu lạc bộ, đội, nhóm TDTT với tổng số hiện nay có 1.000 câu lạc bộ, đội nhóm TDTT, tăng gần 200% so năm 2011. Trong đó có hàng chục câu lạc bộ TDTT dân tộc truyền thống như kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, tù lu…, đáp ứng nhu cầu luyện tập thể dục thể thao thường xuyên của nhân dân. Hằng năm, Lào Cai đã tổ chức từ 18-22 giải thi đấu thể thao cấp tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức trên 50 giải thể thao cấp ngành và các giải thể thao tại cơ sở, tham gia một số hoạt động thể thao mở rộng do các tỉnh trong khu vực tổ chức.

Bên cạnh đó, các hoạt động đối ngoại trong TDTT của tỉnh luôn được chú trọng. Hàng năm tỉnh Lào Cai phối hợp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tổ chức các giải thi đấu giao hữu bóng đá, quần vợt, đua xe đạp và công tác huấn luyện đào tạo vận động viên; phối hợp với Đại sứ quán một số nước tổ chức thi giải đua xe đạp quốc tế một đường đua 2 quốc gia, giải Marathon vượt núi Việt Nam tại Sa Pa đã thu hút hàng nghìn vận động viên đến từ nhiều nước và vùng lãnh thổ đến tham gia. Hàng năm Lào Cai cũng đã đăng cai tổ chức từ 2-3 giải thi đấu thể thao cấp khu vực và toàn quốc (Giải vô địch Wushi trẻ toàn quốc, Giải bóng chuyền hạng A toàn quốc, Giải đua xe đạp trẻ toàn quốc…)

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, điểm nổi bật trong phong trào TDTT ở Lào Cai đó là việc chú trọng nâng cao hiệu quả đào tạo tài năng thể thao. Hàng năm Sở đã tổ chức từ 2-3 đợt tuyển chọn, sàng lọc vận động viên năng khiếu theo hình thức tuyển cấp tỉnh và năng khiếu cấp tỉnh, đồng thời chú trọng bồi dưỡng đào tạo xây dựng đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp TDTT. Hằng năm, tỉnh Lào Cai tham gia thi đấu và giành 70 -80 huy chương trong các giải thi đấu cấp khu vực và quốc gia. Trong đó, năm 2013, Lào Cai đạt Huy chương vàng Seagame môn Boxing nữ; năm 2014 đạt Huy chương đồng Asiad môn Boxing nữ; năm 2019 đạt Huy chương đồng Châu Á môn Cử tạ nữ và năm 2020 đạt Huy chương vàng Cúp thế giới môn Cử tạ nữ; qua đó, góp phần vào thành tích của thể thao Việt Nam nói chung và của tỉnh Lào Cai nói riêng.

Tạo đà phát triển

Những kết quả trên cho thấy sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, các cấp ủy đảng và chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều giải pháp thiết thực chỉ đạo công tác phát triển TDTT ở địa phương, đặc biệt là các giải pháp nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sự nghiệp TDTT. Việc tham gia tập luyện TDTT thường xuyên dần trở thành ý thức tự giác và là nhu cầu của đại đa số người dân trong tỉnh.

Cán bộ và người dân TP Lào Cai tích cực tham gia phong trào TDTT quần chúng (Ảnh: Thu Hương)

Bước sang giai đoạn 2021-2030, để tiếp tục đẩy mạnh công tác TDTT theo tinh thần Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị, Lào Cai xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ dân số tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt 37,5%, đến năm 2030 tỷ lệ dân số tham gia tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt trên 40% dân số. Duy trì huấn luyện ít nhất 15 môn thể thao nằm trong chương trình thi đấu Olympic, môn thể thao truyền thống, môn thể thao thế mạnh của tỉnh. Phấn đấu tỉnh Lào Cai đứng đầu trong 8 tỉnh miền núi phía Bắc và trong tốp đầu các tỉnh miền núi toàn quốc về thể thao thành tích cao, là trung tâm vệ tinh đầu tạo vận động viên cấp quốc gia một số môn thể thao…

Để thực hiện được mục tiêu trên, tỉnh Lào Cai tiếp tục tăng cường sự lãnh chỉ đạo của các cấp ủy, sự điều hành của chính quyền đối với nhiệm vụ phát triển TDTT. Đưa các mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện công tác TDTT vào chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng các cấp.

Đầu tư xây dựng đội ngũ giáo viên, giảng viên, huấn luyện viên tham gia công tác TDTT; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học theo hướng đổi mới, sáng tạo, tiếp thu những mô hình tiên tiến của thế giới; đổi mới chương trình và phương pháp giáo dục thể chất gắn với công tác giáo dục toàn diện cho học sinh; tiếp tục xây dựng các câu lạc bộ TDTT trong trường học theo hướng phát triển năng khiếu học sinh; đồng thời, xây dựng và triển khai có hiệu quả “Ðề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam tại Lào Cai giai đoạn 2021-2030”.

Đẩy mạnh hoạt động TDTT quần chúng thông qua phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở” và Chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng khu đô thị văn minh; phát triển các môn thể thao dân tộc và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong các hoạt động TDTT.

Đổi mới cơ chế tổ chức, nội dung tuyển chọn và đào tạo tài năng thể thao thành tích cao theo định hướng chuyên nghiệp, ứng dụng khoa học và y học thể thao vào tuyển chọn, đào tạo vận động viên; quan tâm hỗ trợ nguồn lực phát triển các loại hình thể thao chất lượng cao, thể thao mạo hiểm gắn với du lịch; nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, tài trợ và thành lập các câu lạc bộ, cơ sở thể thao chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chú trọng gắn phát triển TDTT với xây dựng và phát triển kinh tế thể thao với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của từng ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương./.

Hồng Minh

Tin Liên Quan

Lào Cai có 1 dự án vào chung kết Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn" năm 2024

Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2024 dành cho các bạn trẻ từ 18 - 35 tuổi do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, có sự tham gia của 63 tỉnh, thành đoàn trên cả nước.

Chính sách việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi ở Lào Cai

Ngày 26/10/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 417/KH-UBND về việc triển khai thực hiện chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Lào Cai: Bước chuyển mình trong hành trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số

Trong những năm gần đây, tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, không chỉ để nâng cao chất lượng sống của người dân mà còn hướng tới mục tiêu xây dựng một nền kinh tế số bền vững. Với sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng viễn thông, mở rộng dịch vụ công trực tuyến và hỗ trợ doanh...

Lào Cai: Điểm sáng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Trong giai đoạn 2022-2024, tỉnh Lào Cai đã triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL). Những nỗ lực từ cấp lãnh đạo đến các cấp cơ sở đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, đặc biệt tại các khu vực khó khăn và biên giới.

Tỉnh Lào Cai tăng cường phát triển nguồn nhân lực

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá góp phần tạo nền tảng quan trọng để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉnh Lào Cai đang đi đúng hướng trong việc phát triển, đào tạo nguồn nhân lực nhằm xây dựng nền kinh tế bền vững, tạo ra nhiều cơ hội...

Hướng đến phát triển “du lịch xanh” bền vững

Du lịch xanh là loại hình du lịch hoạt động theo phương thức giảm thiểu tác động đến môi trường, đóng góp tích cực cho bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo và phát huy các di sản thiên nhiên, văn hóa, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đây được xem là hướng đi phù hợp...