Tháng Hai rét lộc...
Tháng Giêng rét đài, tháng Hai rét lộc..., câu ngạn ngữ như cung đàn có thang có bậc, nửa là kinh nghiệm thời tiết, nửa nói lên cái phấp phỏng, háo hức của người, của vật, của cây lá trước tiến triển của mùa luôn ngân nga trong mưa xuân, nắng xuân trên ngàn năm đất Việt.Trước đây ở miền Bắc khí hậu ôn hòa, bốn mùa rõ rệt, mùa đông rét tê tái khiến cây cối phải trút hết lá để âm thầm nuôi rễ, nuôi thân. Ba tháng ngủ đông trong khẳng khiu, gầy guộc, tháng Giêng về dòng nhựa trong lớp vỏ sù sì của cây bỗng hớn hở đón những hạt mưa xuân náo nức để tách vỏ bật mầm, nở hoa háo hức. Tháng Giêng mưa mà như không mưa, rét mà như không rét, những cơn mưa phùn tháng Giêng chỉ đủ cho làm duyên khi đậu trên những mái tóc óng đen, những đôi má ửng hồng, những vạt áo mớ ba mớ bảy, đặc biệt những hạt nước li ti ấy vương vấn, thấm sâu vào thân, vào cành, vào rễ cây như thôi thúc sự hồi sinh khiến cho cây cối khắp mọi miền phải nhanh chóng nhập cuộc với thời vụ. Còn rét. Tháng Giêng xưa hầu như không còn gió mùa Đông Bắc, khi mùa đông đã làm xong phận sự, sang xuân, những cơn gió mang cái rét căm căm kèm theo mưa dầm nhường cho cái rét ngọt đủ để cho những giọt mưa xuân làm ẩm cả đất trời, đủ để cho muôn cây cùng xanh, muôn hoa cùng nở, cùng thể hiện sức sống mãnh liệt của thiên nhiên, đồng thời đáp ứng được niềm vui, hy vọng của con người. Trong khúc hát giao mùa của tháng Giêng, những chồi non mang màu lộc biếc bừng lên, những cánh hoa mang tinh khiết của đất trời bừng lên. Trong giời sinh giời dưỡng, những cánh hoa ướp ủ trong mưa xuân, trong rét ngọt sau một con trăng rụng dần chỉ còn lại những đài hoa. Những đài hoa đó lại phấp phỏng, lại náo nức đón ngày mới, thời tiết mới để hứa hẹn mùa quả đậu. Có thể hai từ “rét đài” của tháng Giêng bắt nguồn từ chu kỳ thời tiết, chu kỳ sinh trưởng của cây cối, của mùa như thế chăng?...
Tháng Hai, tháng của sinh sôi. Từ cái “bữa ấy mưa xuân phơi phới bay”(*) ấy sang tháng Hai mưa xuân vẫn còn dùng dằng nhưng nắng xuân đã bừng lên. Những giọt nắng non ong óng đã làm không khí ấm dần lên, song vẫn còn đó đêm đêm những làn mưa bụi lây rây, vẫn còn đó những hạt sương to mọng từ “quá mù ra mưa” đậu hờ trên tán lá, vẫn còn đó cái lạnh “rét chẳng ra rét, nóng chẳng ra nóng” trải dọc đêm dài, thỉnh thoảng một cơn mưa bất chợt lại rót “sữa giời” xuống nuôi cây... Trong tiết xuân phân ấy lúa vào thì con gái, khoai bắt đầu nuôi củ, mướp, bầu bắt đầu lên giàn, lá non dần cứng cáp, đài hoa dần thành quả…, vạn vật không bỏ lỡ cơ hội để tạo nên sinh sôi nảy nở. Có thể đó gọi là tháng Hai rét lộc chăng?...
Dẫu những suy luận của tôi có đúng hay không nhưng ngàn đời qua cứ đến tháng Giêng là mưa xuân, là rét ngọt, là cây nảy mầm, bật hoa, cứ đến tháng Hai là nắng lên, rét ủ, là hoa dần thành quả. Bây giờ trái đất nóng lên, nhiều năm mùa chẳng theo mùa, nhiều năm sang tháng ba vẫn rét đậm rét hại, những năm trái mùa đó vạn vật phải cương lên để tồn tại và phát triển, song dẫu sao cây vẫn bật mầm trổ hoa theo quy luật, con người vẫn luôn nương theo mùa vụ, bắt mùa vụ cho gặt hái mùa màng.
http://baolaocai.vn/bai-viet/209647-thang-hai-ret-loc