Khám phá thác Ong Chúa
Hơn 1 năm trở lại đây, nhiều bạn trẻ thích phượt và leo núi nô nức tìm đến thôn Nhìu Cồ San, xã Sàng Ma Sáo (Bát Xát) để trải nghiệm, khám phá thác nước có tên khá ấn tượng: Ong Chúa.Từ trung tâm xã Sàng Ma Sáo, chúng tôi vượt chặng đường gần 7 km vào thôn Nhìu Cồ San. Là người đi vùng cao nhiều, không ngần ngại trước những cung đường khó, nhưng đường đến Nhìu Cồ San với nhiều đoạn dốc đá lởm chởm, có đoạn lầy lội, trơn trượt khiến tôi mỏi nhừ chân tay. Tuy nhiên, đoạn đường thực sự gian nan chính là từ thôn Nhìu Cồ San vào đến chân núi với con đường nhỏ xuyên qua bản Mông rồi men theo vách núi, có chỗ dốc gần như dựng đứng, có đoạn phải vượt qua con suối đầy đá rêu xanh, rêu vàng. Hết đoạn đường có thể đi được xe máy, chúng tôi để lại xe, bắt đầu hành trình leo lên thác Ong Chúa.
Thác Ong Chúa. |
Theo chân anh Giàng A Tếnh, Bí thư Chi bộ thôn Nhìu Cồ San, tôi hào hứng bước nhanh theo con đường mòn lên núi, đi giữa khu rừng cổ thụ đang mùa thay lá đẹp mê hồn, vừa leo núi, vừa nghe tiếng suối chảy. Chỉ sau nửa tiếng đồng hồ, áo tôi đã đẫm mồ hôi, nhìn lên là con đường càng lúc càng dốc và đi sâu vào rừng. Bước chân tôi bắt đầu chậm lại, hai đùi và đầu gối nhức mỏi đến nỗi không muốn bước, cổ khát khô như ai bỏ vào đó cục than. Sau khi dừng lại nghỉ, uống chút nước, những câu chuyện đường rừng và thác Ong Chúa của anh Tếnh như tiếp thêm động lực khiến tôi quên đi mệt mỏi.
Ấn tượng nhất trên đoạn đường xuyên rừng đến thác Ong Chúa là khung cảnh núi rừng hùng vĩ với những cây cổ thụ rêu phong. Tôi mải mê ngắm những cây phong to cả người ôm đang vào mùa thay lá.
Chỉ cần ngước mắt lên, bạn sẽ bắt gặp tán lá phong đang chuyển sang màu vàng, màu đỏ nổi bật giữa màu xanh đại ngàn. Một cơn gió mạnh thổi qua, hàng trăm chiếc lá phong đồng loạt cuốn theo gió thành “cơn mưa” lá vàng chẳng khác gì trong những bộ phim tình cảm lãng mạn của Hàn Quốc, Nhật Bản.
Đường vào thác Ong Chúa xuyên qua khu rừng cổ thụ tuyệt đẹp. |
Sau hành trình gian nan, được ngồi dưới thác Ong Chúa ngắm dòng thác tuyệt đẹp giữa khung cảnh bao la, hùng vĩ của núi rừng, mọi cảm giác mệt mỏi tan biến. Tôi ngâm chân vào dòng nước trong vắt, mát lạnh. Từ trên vách núi cao hàng trăm mét, dòng nước trắng xóa đổ xuống giống như dải lụa. Từng chùm phong lan bám vào vách đá nở hoa rực rỡ. Dưới chân thác, dòng chảy tự nhiên qua hàng trăm năm tạo thành những bể tắm tự nhiên trong xanh tuyệt vời. Anh Giàng A Tếnh bảo, trước đây trên vách đá cheo leo có những tổ ong khoái, ong mật khổng lồ nên người dân đặt tên là thác Ong Chúa.
Với mong muốn nhiều du khách biết đến vẻ đẹp thác Ong Chúa, cách đây 2 năm, một số bạn trẻ trong thôn đã cùng nhau cải tạo lại tuyến đường vào thác, làm những chiếc cầu gỗ, xây bậc thang bằng xi măng ở những vị trí trơn trượt, hiểm trở, giúp du khách chinh phục thác an toàn. Tại đây, người dân cũng dựng lên chiếc lán rộng nhìn ra chân thác làm điểm cho khách nghỉ ngơi, thư giãn, chụp ảnh lưu niệm. Mùa hè, nhất là vào ngày nghỉ cuối tuần, thác Ong Chúa nhộn nhịp hơn vì từng đoàn khách không quản đường xa vào đây vui chơi, tắm thác. Anh Tếnh còn bảo, năm trước có tới cả nghìn lượt khách vào chơi thác Ong Chúa, chủ yếu là các bạn trẻ. Từ thác Ong Chúa có thể đi tiếp chinh phục đỉnh núi Nhìu Cồ San - một trong những đỉnh núi cao nhất Bát Xát để “săn” mây.
Huyện Bát Xát đang tập trung phát triển du lịch, trong đó xã Sàng Ma Sáo là một điểm đến hấp dẫn với đỉnh núi Ky Quan San, Nhìu Cồ San, Cú Nhù San, thung lũng ruộng bậc thang. Trong thời gian tới, nếu thác Ong Chúa được khai thác hợp lý sẽ tạo thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách và giúp người dân vùng cao Sàng Ma Sáo có nguồn thu nhờ làm du lịch.
http://baolaocai.vn/bai-viet/209666-kham-pha-thac-ong-chua