Tăng trưởng xanh trong nông nghiệp
Trong thời đại 4.0, công nghệ tiên tiến, tự động hóa hiện đại nhất từng bước được ứng dụng vào sản xuất như một lẽ tất yếu nhằm đem lại giá trị cao, sản lượng lớn. Thế nhưng, trong ngành nghề vốn dĩ được gắn liền với “lớp áo lạc hậu” đang rẽ sang một hướng đi mới, có những bước tăng trưởng xanh, thân thiện với môi trường sống bởi vấn đề cốt lõi trong sản xuất nông nghiệp hiện đại không đơn thuần là sản lượng.Sản xuất chè công nghệ cao ở Sa Pa. Ảnh: Ngọc Bằng |
Nông nghiệp an toàn, thân thiện
Hàng chục năm nay, cây chè bén duyên với xứ lạnh Mường Khương, hằng năm đều đặn bật những mầm xanh đem lại đời sống ấm no, ổn định cho người dân. Theo đôi tay người hái, từng búp chè non được đưa vào nhà máy, chế biến thành các loại chè khô thành phẩm rồi xuất ra thị trường trong và ngoài nước. Không chỉ dừng lại ở một loại cây phát triển kinh tế, cây chè còn tạo lập cho người trồng chè những thói quen sản xuất mới, an toàn và thân thiện với môi trường.
Nông dân Xuân Thượng (Bảo Yên) trồng rau trong nhà màng để hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. |
Đã gần 10 năm nay, gia đình anh Thào Seo Lìn, ở thôn Thải Giàng Chải, xã Lùng Khấu Nhin (Mường Khương) không phải mua thuốc diệt cỏ. Lý do bởi từ ngày anh chuyển từ trồng ngô sang trồng chè, để đảm bảo chất lượng vùng nguyên liệu chè búp tươi, doanh nghiệp yêu cầu người trồng chè không được sử dụng các loại thuốc diệt cỏ. Thay vì phun thuốc, anh cùng vợ phát dọn cỏ trên nương chè. Sau này, các loại máy móc nông cụ phổ biến hơn, anh đầu tư mua một chiếc máy cắt cỏ, việc dọn cỏ dại cũng dễ và tốn ít công sức hơn. Anh Lìn nói: Phun thuốc diệt cỏ độc hại lắm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Hơn hết, nếu phun thuốc diệt cỏ thì nhà máy sẽ không mua chè của mình nữa. Chè mà có sâu bệnh thì cũng không cần phải tự đi mua thuốc về phun mà chỉ cần báo cho cán bộ thu mua chè, công ty sẽ cử người lên nương xem chè bị bệnh gì rồi đưa thuốc, hướng dẫn cách phun. Mình không tự làm mò được, mình làm sai thì ảnh hưởng đến cả lô chè, ảnh hưởng đến người dân cùng thôn, đến cả vùng chè.
Qua các buổi họp, qua tiếp cận thông tin đại chúng, anh Lìn và người trồng chè hiểu rằng để những lô chè xuất thân từ mảnh đất quê hương mình cập bến thị trường rộng lớn ngoài kia, những búp chè trước khi vào nhà máy phải là những búp chè khỏe mạnh, không chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, không có chất cấm. Anh cũng hiểu được tác hại của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng sẽ gây hại thế nào tới sức khỏe của chính mình và người xung quanh, đến môi trường sống nên thói quen sản xuất dần được thay đổi. Những thay đổi ấy đã góp phần mang lại những giá trị xanh trong sản xuất nông nghiệp.
Sự ràng buộc với doanh nghiệp trở thành một trong những yếu tố quan trọng góp phần không nhỏ đến thay đổi thói quen sản xuất của nông dân. Tại vùng chè Mường Khương, các doanh nghiệp đã góp sức tạo nên những giá trị xanh trong sản xuất.
Chúng tôi tìm gặp chị Hà Thị Tuyến, Giám đốc Công ty TNHH MTV Mường Hoa để hiểu thêm về cách làm của doanh nghiệp. Dù là chủ của một doanh nghiệp nhưng mỗi ngày, chị Tuyến đều đặn kiểm tra chất lượng vùng chè, kiểm tra việc vận hành nhà máy, bắt tay trồng, chăm sóc chè mới, cải tạo các nương chè cùng bà con. Đích đến lớn nhất trong sự nghiệp của chị là nâng cao chất lượng sản phẩm chè xuất khẩu, hướng tới tạo nên vùng chè hữu cơ cho người dân vùng cao Mường Khương. Chị Tuyến tâm sự: Làm nông nghiệp công nghệ cao có thể chỉ cần 1 năm, 2 năm, nhưng để làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ thì cần thời gian rất dài. Khó nhất chính là thay đổi thói quen sản xuất của bà con, nên doanh nghiệp thường xuyên tuyên truyền, đưa ra những cam kết ràng buộc giữa sản xuất và tiêu thụ để duy trì chất lượng vùng chè nguyên liệu. “Với tôi, làm nông nghiệp không chỉ đơn giản là tạo ra nông sản mà phải là nông sản an toàn, không gây hại đến con người, đến môi trường sinh thái. Chúng tôi đang sản xuất chè theo các tiêu chuẩn an toàn để xuất khẩu, định hướng trong thời gian tới vẫn là sản xuất theo hướng hữu cơ” - chị Tuyến nói.
Duy trì tăng trưởng nông nghiệp xanh
Cũng với mục tiêu tạo ra những loại nông sản an toàn, chất lượng, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã mạnh dạn chọn hướng đi sản xuất an toàn, bền vững dù lựa chọn này đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Những mô hình sản xuất nông nghiệp xanh có mặt ở hầu hết các địa phương trong tỉnh với đa dạng các loại cây trồng, từ những loại cây truyền thống tới những cây trồng đòi hỏi công nghệ cao như dược liệu đều được áp dụng quy trình, những tiêu chuẩn xanh vào sản xuất. Sản xuất nông nghiệp xanh về căn bản nhất vẫn là thay đổi thói quen sản xuất và thói quen thì không phải chỉ cần có thời gian là đủ, mà đòi hỏi cả sự đầu tư, trí tuệ, công sức từ nhiều phía.
Con đường đi tới nền nông nghiệp xanh là chặng dài, một hành trình nhiều chướng ngại, nhưng hoàn toàn có thể khẳng định hành trình chông gai ấy càng khó khăn bao nhiêu thì thành quả lại ngọt ngào bấy nhiêu. Có thể kể đến một số sản phẩm nông nghiệp của Lào Cai trên thị trường như chè, quế, rau quả ôn đới, dược liệu… đều là những mặt hàng sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế. Tiêu biểu như quế hữu cơ Nậm Đét, chè hữu cơ Bản Liền là những sản phẩm của nông dân Lào Cai đang chinh phục những thị trường khó tính bậc nhất ở trời Âu. Lĩnh vực nông nghiệp đang từng bước thoát khỏi “lớp áo lạc hậu”, để mang lại những giá trị xanh, thân thiện với môi trường sinh thái với việc vận dụng những công nghệ, kỹ thuật sản xuất hiện đại, những tiến bộ khoa học vào sản xuất.
Phát triển mô hình trồng cây dược liệu. |
Những năm gần đây, bên cạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh luôn chú trọng việc phát triển nông nghiệp xanh - một nền nông nghiệp bền vững, giảm những tác nhân tiêu cực từ sản xuất nông nghiệp đến môi trường sinh thái. Hằng năm, diện tích sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chuẩn an toàn như GAP, GACP, hữu cơ… trên khắp địa bàn tỉnh được mở rộng. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 2.000 ha sản xuất theo các tiêu chuẩn xanh. Làm nông nghiệp giờ đây không chỉ là chuyện riêng của nông dân “chân lấm tay bùn” mà trở thành mối quan tâm chung của chính quyền, các nhà khoa học, các doanh nghiệp. Với những cái bắt tay, các mối liên kết hình thành đã từng bước định hình, thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, thay vào đó là những thói quen sản xuất an toàn, tôn trọng những giá trị tự nhiên, quan tâm sức khỏe con người.
Với những nỗ lực tăng tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp, diện tích sản xuất nông nghiệp xanh hứa hẹn không dừng lại ở con số 2.000 ha mà sẽ tiếp tục mở rộng. Những giá trị xanh trong sản xuất nông nghiệp sẽ góp phần không nhỏ trong việc đưa nông sản Việt Nam nói chung và Lào Cai nói riêng khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế, hòa mình vào chuỗi giá trị toàn cầu.
http://baolaocai.vn/bai-viet/10922/tang-truong-xanh-trong-nong-nghiep