Thắt chặt tình quân dân nơi biên giới Si Ma Cai
Nhờ các chính sách ưu việt của Đảng và nhà nước, với lực lượng nòng cốt là những chiến sỹ mang quân hàm xanh của Đồn Biên phòng Si Ma Cai, ngoài nhiệm vụ giữ chắc cây súng bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Họ còn dành nhiều tâm huyết giúp nhân dân 3 xã biên giới Si Ma Cai, Sán Chải và Nàn Sán, chung tay xây dựng nông thôn mới, giúp dân phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo thắt chặt tình quân dân nơi vùng cao biên giới.Vùng đất của những tiềm năng
Từ sân Đồn Biên phòng Si Ma Cai trên độ cao 1.500m so với mặt nước biển, phóng tầm mắt về phía xa là những con đường liên thôn - bản được bê tông hóa vắt ngang núi, vạt đồi tựa dải khăn lụa của cô gái Mông. Xa hơn nữa, những bản làng trù phú giáp biên của hai nước Việt Nam - Trung Quốc trải dọc hai bờ sông Chảy và cặp cửa khẩu Hóa Chư Phùng (Việt Nam) - Seo Pả Chư (Trung Quốc), nơi thông thương, giao lưu văn hóa của nhân dân hai bên biên giới.
Chủ nhật hàng tuần là ngày chợ chính của chợ trung tâm Si Ma Cai. Chợ nằm ở lưng chừng dốc, được xây dựng từ thời Pháp, trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, nhưng những dấu ấn còn lại cho thấy nơi đây từng là một trung tâm thương mại sầm uất của đồng bào các dân tộc hai bên biên giới Việt - Trung. Khi ánh nắng mỏng manh ôm lấy thị trấn cũng là lúc người ở các bản xa về tới chợ. Hàng hóa tràn ngập, chia thành các khu nông thổ sản, gia súc, gia cầm... không thiếu một thứ gì. Tiếng chào hàng, gọi nhau, xen lẫn tiếng mặc cả, đủ ngôn ngữ các dân tộc, tạo ra nét văn hóa đặc biệt cho chợ phiên.
Kinh tế rừng kết hợp với phát triển du lịch được Đảng bộ, chính quyền huyện Si Ma Cai xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, hướng phát triển bền vững và lâu dài. Thực tế đang chứng minh chủ trương trên là đúng đắn. Trong năm 2020, Theo thống kê, Si Ma Cai đã thu hút hơn 30 nghìn lượt khách du lịch. Hiện tại, nguồn thu từ rừng và lâm sản, du lịch đang giúp các hộ dân có nguồn thu nhập ổn định, góp phần giảm 5% hộ nghèo mỗi năm.
Tình người Si Ma Cai
ảnh minh họa (nguồn: Simacai.laocai.gov.vn)
Ông Lùng Phủ Hòa, ở thôn Nàn Vái, xã Nàn Sán chuẩn bị đón mùa xuân mới trong căn nhà mới xây khang trang. Đón các chiến sỹ biên phòng trong căn nhà mới còn thơm mùi vữa, ông phấn khởi cho biết: gia đình ông là một trong những hộ nghèo của thôn, năm nào vào những dịp giáp tết gia đình ông cũng đều được cán bộ, chiến sỹ của đồn xuống thăm hỏi và tặng quà Tết, gia đình ông Hòa rất vui mừng. Phần quà nhỏ bé, chỉ bao gồm ít gạo, mì chính, nước mắm và bánh kẹo, mứt tết, nhưng ông Hòa và gia đình vô cùng xúc động bởi đây là những món quà Tết đầy ý nghĩa, thiết thực mà cán bộ, chiến sĩ đồn đã trích một phần lương để ủng hộ người nghèo. Đối với ông, phần quà lớn nhất đó chính là ngôi nhà xây khang trang, rộng rãi. Ngôi nhà sập sệ, sương giăng, gió thốc rét trước đây được thay thế bằng mái ấm tình thương do Đồn biên phòng Si Ma Cai huy động xã hội hóa hỗ trợ một phần tiền xây dựng. Ông xúc động cho biết: Gia đình tôi rất vui khi có căn nhà mới. Mơ ước của cuộc đời tôi là mong muốn gia đình có một ngôi nhà xây nay đã thành hiện thực. Tôi vô cùng biết ơn các cán bộ chiến sỹ của đồn.
Trong nhiều câu chuyện cảm động, những việc làm thiết thực của Đồn Biên phòng Si Ma Cai giúp đồng bào các dân tộc trên biên giới phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí..., hình ảnh hằng ngày, các chú bộ đội dùng xe máy đưa đón các em học sinh đến các điểm trường, cách xa đơn vị gần chục cây số là một minh chứng đậm nét cho tình quân dân ở nơi đây. Hành động nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng tại đồn 4 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do thiếu vắng bàn tay chăm sóc của cha mẹ và đứng trước nguy cơ phải bỏ học, đã để ấn tượng tốt đẹp trong lòng cấp ủy, chính quyền và nhân dân biên giới. Với những việc làm xuất phát từ khẩu hiệu "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt", cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Si Ma Cai luôn được đón nhận những tình cảm cao quý mà nhân dân tin yêu, trao tặng: “Bộ đội Cụ Hồ”.
Trong nhiều năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Si Ma Cai đã thực hiện phương châm “nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”, đó là việc cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc, cùng nói tiếng dân tộc với dân, tích cực tuyên truyền kết hợp với vận động, kiên trì giải thích, bà con hiểu được cách làm, thay đổi nếp nghĩ, không trông chờ ỷ lại và có ý chí vươn lên trong cuộc sống. Thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng phát triển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững, hệ thống chính trị cơ sở ngày càng được củng cố và phát triển.
Qua đó, tình quân dân nơi biên giới Si Ma Cai ngày càng bền chặt; phát huy sức mạnh quần chúng tích cực tham gia cùng với Đồn trong công tác bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc.