Xây dựng đời sống văn hóa ở vùng cao Bát Xát
Những năm qua, phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn huyện Bát Xát có nhiều chuyển biến. Nhiều tập tục lạc hậu được đẩy lùi, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên.
Lễ rước dâu của đồng bào Dao đỏ ở Bản Xèo. Ảnh: Hoàng Kiều
Kể từ khi chuyển đổi hơn 5 sào ruộng cấy lúa lai sang cấy lúa giống, gia đình ông Tẩn Láo Sử (thôn Bản Pho, xã Bản Qua) đã có thu nhập ổn định hàng chục triệu đồng mỗi năm, giúp ông chỉnh trang nhà ở, mua sắm đầy đủ đồ dùng gia đình và chăm lo cho con, cháu học tập. Ông Sử cho biết: Có được cuộc sống như hôm nay là nhờ chính sách của Đảng, Nhà nước, của địa phương giúp gia đình tôi cũng như nhiều hộ ở Bản Qua chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gia đình tôi hưởng ứng bằng việc chỉnh trang nhà ở, vệ sinh môi trường sạch sẽ, loại bỏ các tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang.
Gia đình ông Tẩn Láo Sử chỉ là một trong hàng nghìn hộ ở Bát Xát thi đua thực hiện nếp sống mới. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn huyện Bát Xát từ năm 2000 đến nay đã phát triển rộng khắp và có chiều sâu. Từ nhận thức đúng hơn về tầm quan trọng của phong trào, kết hợp với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” của ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, các nội dung trong phong trào được triển khai xuyên suốt. Hằng năm, Huyện ủy Bát Xát đều có chỉ thị yêu cầu các chi bộ, đảng bộ trực thuộc và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả phong trào.
Các gia đình đều thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, tự giác chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hằng năm, ban chỉ đạo các cấp đã hướng dẫn các cơ sở bình chọn và công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, khen thưởng các gia đình văn hóa tiêu biểu, qua đó kịp thời biểu dương, khích lệ và nhân rộng mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, góp phần nâng cao chất lượng phong trào. Công tác xây dựng gia đình văn hóa gắn liền với phong trào xây dựng thôn, bản, tổ dân phố văn hóa được người dân hưởng ứng và đạt kết quả cao. Năm 2000, huyện Bát Xát có 4.579 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, chiếm 44,2% tổng số hộ toàn huyện; năm 2019 tăng lên 15.718 hộ gia đình văn hóa, chiếm 86,6%.
Xây dựng thôn, bản, tổ dân phố văn hóa phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành phong trào thi đua sôi nổi và rộng khắp. Việc bình xét thôn, bản, tổ dân phố văn hóa được tiến hành đúng quy trình, thủ tục dựa trên các tiêu chuẩn hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Năm 2000, huyện Bát Xát có 3/207 thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa (chiếm 1,45%), đến nay có 181 thôn, bản, tổ dân phố văn hóa (chiếm 80%). Phong trào xây dựng thôn, bản, tổ dân phố văn hóa đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân và từng cộng đồng dân cư. Việc thực hiện quy ước, hương ước thôn, bản đạt hiệu quả cao. Nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp và các giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ, bảo tồn, phát huy. Quan hệ gia đình và hàng xóm ngày càng gắn bó, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của địa phương được giữ vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
Lễ hội Khô Già Già ở xã Y Tý.
Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong huyện hưởng ứng tích cực. Các tiêu chí về nếp sống văn hóa, văn minh công sở và xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa, chấp hành nội quy, quy chế, ý thức tổ chức kỷ luật được thực hiện tốt. Hằng năm có từ 95% trở lên cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đạt danh hiệu cơ quan văn hóa. Việc thực hiện phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa đã củng cố và nâng cao tính kỷ cương, nền nếp công sở, ý thức chấp hành kỷ luật công tác cũng như xây dựng môi trường văn hóa nơi làm việc. Nâng cao tinh thần, hiệu quả phục vụ Nhân dân, triển khai kịp thời các chính sách của địa phương đến người dân.
Theo bà Sùng Hồng Mai, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” huyện Bát Xát, kể từ khi phong trào được phát động, đời sống văn hóa, tinh thần và vật chất của người dân huyện Bát Xát không ngừng được nâng lên. Thay đổi lớn nhất là nhận thức của người dân đối với việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội. Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống mặc dù còn xảy ra nhưng đã giảm. Các lễ hội được tổ chức, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc và tôn vinh, giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa tiêu biểu, độc đáo của địa phương, góp phần đáp ứng sinh hoạt tín ngưỡng lành mạnh, giáo dục truyền thống quê hương.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở Bát Xát đã và đang đi vào chiều sâu, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, thái độ và lối sống tới cán bộ, đảng viên, tạo được sự ảnh hưởng cũng như sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư.
http://baolaocai.vn/bai-viet/9535/xay-dung-doi-song-van-hoa-o-vung-cao-bat-xat