Đào tạo nghề lao động nông thôn gắn với làng nghề truyền thống
Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, trong đó chú trọng đào tạo nghề cho làng nghề truyền thống qua đó tạo động lực phát triển kinh tế địa phương và thực hiện chương trình nông thôn mới là chủ trương xuyên suốt được các cấp ủy, chính quyền tỉnh Lào Cai quan tâm đẩy mạnh thực hiện thời gian qua.Sa Pa là một trong những địa phương được công nhận có làng nghề truyền thống về thêu may thổ cẩm
Những kết quả quan trọng
Theo số liệu thống kê, tính đến hết năm 2019, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong tỉnh có hơn 452 nghìn người (riêng lực lượng lao động này tham gia hoạt động kinh tế đạt gần 446 nghìn người). Trong đó, 56,96% lực lượng lao động tham gia lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng chiếm 15,5% và dịch vụ chiếm 27,55%.
Từ thực tế trên cho thấy, lao động tham gia hoạt động kinh tế vẫn tập trung ở khu vực nông thôn và chủ yếu vẫn ở khu vực nông nghiệp. Số lao động tham gia hoạt động kinh tế trong các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh đạt khoảng trên 5 nghìn lao động. Như vậy tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp có xu hướng giảm dần và chuyển sang lĩnh vực công nghiệp – xây dựng và dịch vụ.
Theo Sở Lao động – TBXH tỉnh, giai đoạn 2011 – 2020, toàn tỉnh đã tạo việc làm tăng thêm cho trên 122 nghìn lao động (lĩnh vực nông, lâm, nghiệp đạt 25%; công nghiệp – xây dựng đạt 36% và thương mại – dịch vụ đạt 39%). Trong đó, có trên 17 nghìn lao động được vay vốn Quỹ quốc gia việc làm (khoảng 60% lao động được vay vốn là lao động khu vực nông thôn, làng nghề; trên 1.000 lao động được giới việc vào làm việc tại các làng nghề truyền thống.
Trong giai đoạn 2011 - 2020, các trường, trung tâm giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo cho gần 141 nghìn người Lào Cai ở các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo thường xuyên. Góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề chung của toàn tỉnh lên 54,04% năm 2019. Toàn tỉnh có trên 29 nghìn lao động nông thôn được được hỗ trợ học nghề theo chính sách Đề án 1956 với trên 100 ngành/nghề. Riêng đào tạo gắn với giải quyết việc làm cho các nghề truyền thống và làng nghề được 920 học viên. Cụ thể, nghề chạm khắc bạc 34 học viên, nghề Thêu thổ cẩm 570 học viên, nghề sản xuất và chế biến miến dong 131 học viên, nghề mây tre đan 185 học viên. Ngoài ra, đã đào tạo bồi dưỡng cho 100 nông dân sản xuất kinh giỏi để bổ sung lực lượng người dạy nghề, tham gia đào tạo lao động cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã, làng nghề.
Song hành cùng với công tác đào tạo nghề là công tác giải quyết việc làm, hàng năm Sở Lao động – TBXH phối hợp với Ngân hàng CSXH tỉnh, các cơ quan có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh bổ sung từ 3 – 5 tỷ đồng vào kinh phí cho vay Quỹ quốc gia giải quyết việc làm cho các địa phương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, trong đó có các cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã trong các làng nghề được vay vốn mở rộng sản xuất thu hút người lao động vào làm việc. Đến nay, tổng nguồn vốn vay Quỹ quốc gia việc làm trên địa tỉnh đạt trên 200 tỷ đồng, thực hiện cho vay trên 10 ngàn dự án, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh mở rộng sản xuất, phát triển các ngành nghề, thu hút tạo việc làm tăng thêm cho 17 ngàn lao động, trong đó có 60% lao động trong khu vực nông thôn và các làng nghề được vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là vốn cho các Hợp tác xã, làng nghề về nguồn vốn nhằm phát triển và bảo tồn một cách có hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế truyền thống.
Đặc biệt, việc đào tạo cho các thành viên trong làng nghề được thực hiện lồng ghép trong các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn; qua đó đã góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo gắn với giải quyết việc làm tại các làng nghề như trạm khắc bạc, thêu thổ cẩm,.... và đẩy mạnh trong công tác phát triển, mở rộng các ngành nghề nông thôn đang được Tỉnh quy hoạch, thực hiện các dự án đầu tư như nghề: trồng cây có múi, trồng cây dược liệu, trồng cây ăn quả đặc sản; trồng hoa lan, trồng quế, hồi, xả lấy tinh dầu...
Có được kết quả trên, Phó giám đốc Sở Lao động –TBXH Đinh Văn Thơ cho biết, Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai, Sở Lao động – TBXH đã tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương, các đơn vị có liên quan; các các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm Dịch việc làm tỉnh triển khai đầy đủ hệ thống chính sách pháp luật về Dạy nghề, Việc làm theo Luật Việc làm năm 2013, Luật Dạy nghề năm 2014; các Quyết định của Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; đồng thời tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã, làng nghề truyền thống đăng ký nhu cầu, đặt hàng đào tạo nghề, cung ứng lao động theo nhu cầu của các đơn vị. Thực hiện lồng ghép các chương trình tư vấn về học nghề và định hướng việc làm cho người lao động để phù hợp với điều kiện sẵn có tại địa phương, mở các lớp đào tạo nghề cho các huyện, thành phố nhằm nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động, đặt biệt là đào tạo nghề cho các hợp tác xã, các làng nghề và các tổ hợp tác. Phát huy hiệu quả trương trình hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.
Duy trì bền vững
Thực tế hiện nay cho thấy, một trong những khó khăn trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với việc bảo tồn và phát huy làng nghề truyền thống hiện nay là trên địa bàn tỉnh chưa có các bộ giáo trình đào tạo các nghề hoàn chỉnh phục vụ cho đào tạo nghề ở các làng nghề (nấu rượu, làm hương, chạm khắc bạc ...) nên việc đào tạo trong các làng nghề chủ yếu truyền dạy theo kinh nghiệm truyền thống, vì vậy chưa mở được nhiều các lớp đào tạo nghề cho các nghề truyền thống, làng nghề trên địa bàn tỉnh. Hơn nữa, thanh niên các làng nghề, vùng nông thôn chuyển tới làm việc tại các khu, cụm công nghiệp có xu hướng tăng, chủ yếu là lao động chưa qua đào tạo, gây khó khăn trong công tác giải quyết việc làm và quản lý lao động. Nguồn vốn vay tín dụng cho các hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh ở khu vực nông thôn và các làng nghề còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh của các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề trên địa bàn tỉnh.
Bước sang giai đoạn 2021 -2025, để khắc phục những khó khăn trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, với mục tiêu tập trung đào tạo mới, đào tạo nâng cao cho khoảng 58 nghìn lao động; trong đó, đào tạo nghề cho lao động nông thôn khoảng 21,46 nghìn lao động, chiếm 37%; dự kiến cung cấp khoảng 3 nghìn lao động qua đào tạo cho các làng nghề. Qua đó, tạo việc làm mới cho 61.000 lao động trên địa bàn tỉnh, trong đó giải quyết việc làm cho trên 3.000 lao động ( bình quân trên 500 lao động/năm) làm việc trong các làng nghề truyền thống.
Để thực hiện được mục tiêu trên, rất cần các cơ quan chuyên ngành, các cơ sở đào tạo nghề tổ chức đánh giá hiệu quả những chương trình đào tạo đã ban hành, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo nghề lao động nông thôn sát với nhu cầu thị trường lao động; tăng cường cơ sở vật chất, trang bị máy móc, thiết bị, phương tiện phục vụ cho giảng dạy, học tập. Các địa phương trong tỉnh cần tiếp tục rà soát nhu cầu học nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp theo hướng gắn với đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của địa phương và quy hoạch xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu phù hợp với yêu cầu sản xuất; đẩy mạnh hỗ trợ lao động nông thôn khi học nghề; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác đào tạo nghề.
Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh cần xây dựng chuỗi các làng nghề theo hướng phát triển ngành nghề, làng nghề gắn với phát triển du lịch của từng địa phương nhằm khai thác tối đa các nguồn lực sẵn có. Đầu tư kinh phí đồng bộ, hỗ trợ về đào tạo nhân lực và tạo việc làm ổn định cho lao động theo các tuyến du lịch của địa phượng. Tăng cường phối hợp với các ngành liên quan hỗ trợ các hộ gia đình trong làng nghề tiếp cận nguồn vốn giải quyết việc làm, nhằm tạo điều kiện mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập cho người lao động, tạo thêm nhiều việc làm mới; góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đẩy mạnh hoạt động dịch vụ việc làm, mở rộng thị trường lao động, tập trung giải quyết việc làm cho nông dân và cho lao động nông thôn, đặc biệt quan tâm giải quyết việc làm và thu nhập cho nông dân vùng giải phóng mặt bằng và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, bổ sung nguồn vốn vay giải quyết việc làm cho người lao động./.