Ứng dụng trực tuyến kết nối thương mại, đầu tư Việt-Australia
Thương vụ Việt Nam tại Australia vừa cho ra mắt một ứng dụng mới có tên gọi là Viet-Aus Trade.Đây là một công cụ nhằm cung cấp nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, đồng thời kết nối quảng bá địa phương, thông tin về cơ hội đầu tư, sản phẩm hình thành chuỗi cung ứng.
Dự kiến, ứng dụng sẽ được giới thiệu đến hàng nghìn nhà nhập khẩu, hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Australia và một số quốc đảo lân cận, để tạo thành mạng lưới mạnh, hợp nhất, liên kết với doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và địa phương của Việt Nam.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, ứng dụng Viet-Aus Trade hoàn toàn miễn phí và có thể tải về thông qua Apple Store và Google Play.
Giao diện của ứng dụng gồm nhiều chức năng khác nhau và được thể hiện bằng hai ngôn ngữ Anh - Việt, thuận tiện cho người sử dụng, trong đó có thể kể tới các chức năng như: Công cụ tìm kiếm nhà nhập khẩu Australia/nhà xuất khẩu Việt Nam theo sản phẩm; Giao thương doanh nghiệp hai chiều B2B; Tra cứu, so sánh thuế nhập khẩu vào Australia theo các Hiệp định thương mại tự do; Tra cứu điều kiện an toàn sinh học nhập khẩu vào Australia; Triển lãm online; Quảng bá từng địa phương: Sản phẩm & đầu tư; Thông tin hoạt động kinh tế tại Việt Nam; Chức năng giải đáp (chatbot)…
Thương vụ Việt Nam tại Australia mong muốn các địa phương trong nước thường xuyên hỗ trợ cập nhật danh sách, sản phẩm doanh nghiệp, dự án kêu gọi đầu tư của địa phương lên trang thông tin bằng tiếng Anh của địa phương hoặc gửi trực tiếp cho Thương vụ. Các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu tìm hiểu thông tin và giải đáp thắc mắc có thể tải ứng dụng để tìm hiểu và trao đổi trực tiếp với Thương vụ Việt Nam tại Australia.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, trong bốn tháng đầu năm 2020, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Australia đạt hơn 2,7 tỷ USD, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Australia đạt hơn 1,2 tỷ USD, tăng 7,3%. Cơ cấu hàng hóa nhập khẩu từ Australia về Việt Nam phần lớn là nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu.