Tạo dựng khung pháp lý đầy đủ cho việc bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU

Việc ban hành Nghị quyết sẽ tạo dựng một khung pháp lý đầy đủ và có hiệu quả hơn nữa cho việc bảo hộ hoạt động đầu tư của nhà đầu tư EU tại Việt Nam cũng như nhà đầu tư Việt Nam tại các nước thành viên EU, đồng thời góp phần củng cố niềm tin của các doanh nghiệp vào quyết tâm của Nhà nước Việt Nam trong việc tiếp tục cải thiện và nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình tại phiên họp.

 

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, thảo luận tại phiên họp thứ 45 (đợt 2) diễn ra vào ngày 1/6.

Tờ trình của Chính phủ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày cho biết, theo quy định tại Điều 3.57 của Hiệp định, mỗi Bên sẽ công nhận phán quyết chung thẩm của Cơ quan giải quyết tranh chấp theo Hiệp định này (Phán quyết EVIPA) và cho thi hành các nghĩa vụ tài chính theo Phán quyết đó trên lãnh thổ của mình.

Cụ thể, mỗi Bên sẽ công nhận phán quyết EVIPA và cho thi hành các nghĩa vụ về tài chính theo phán quyết này tương tự như phán quyết chung thẩm của tòa án Bên đó (Khoản 2). Trong thời gian 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực hoặc một thời gian dài hơn theo thỏa thuận giữa hai Bên, việc công nhận và cho thi hành Phán quyết EVIPA có Việt Nam là bị đơn sẽ được thực hiện phù hợp với Công ước New York năm 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài (các Khoản 3 và 4).

Hiện nay, pháp luật Việt Nam đã quy định đầy đủ, cụ thể về cơ chế công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài, nhưng chưa có quy định về thủ tục công nhận và cho thi hành phán quyết theo quy định của Hiệp định EVIPA.

Do vậy, việc trình Quốc hội ban hành văn bản để hướng dẫn áp dụng Điều 3.57 của Hiệp định là phù hợp với quy định tại Khoản 4 Điều 3 Luật Điều ước quốc tế năm 2016 và cần thiết cho việc thi hành kịp thời Hiệp định ngay sau khi có hiệu lực, đồng thời bảo đảm tính khả thi, thống nhất và ổn định của hệ thống pháp luật.

Về nội dung của dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, dự thảo Nghị quyết có 3 Điều. Điều 1 quy định về phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết; theo đó, Nghị quyết này quy định về cơ chế công nhận và cho thi hành tại Việt Nam nghĩa vụ về tài chính theo phán quyết chung thẩm của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư được ban hành theo quy định tại Mục B, Chương 3 của Hiệp định.

Điều 2 quy định về công nhận và cho thi hành phán quyết EVIPA. Khoản 1 quy định chung về cơ chế công nhận và cho thi hành Phán quyết EVIPA; theo đó, Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam công nhận và cho thi hành nghĩa vụ về tài chính theo Phán quyết EVIPA như bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam và không xem xét lại giá trị pháp lý của Phán quyết này.  Khoản 2 quy định về cơ chế đặc thù áp dụng trong thời gian 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực hoặc thời gian dài hơn sau thời gian này đối với Phán quyết EVIPA có bị đơn là Việt Nam. Theo đó, trong thời gian này, Phán quyết EVIPA có bị đơn là Việt Nam được công nhận và cho thi hành theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài.

Điều 3 quy định thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết và trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị quyết. Theo đó, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện Điều 2 của Nghị quyết; Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan có liên quan hoàn thành thủ tục phê chuẩn Hiệp định EVIPA, thông báo thời điểm có hiệu lực đối với Việt Nam và việc kéo dài thời gian chuyển tiếp nêu tại Điều 2.

Đánh giá tác động của việc ban hành Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đối với các bên tranh chấp, các quy định của Nghị quyết này góp phần thực hiện các quyền của các bên tranh chấp một cách đơn giản, nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm chi phí.

Đối với Nhà nước, việc ban hành Nghị quyết không tạo ra một cơ chế mới để nhà đầu tư kiện nhà nước Việt Nam, không tăng rủi ro thua kiện của Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam đã ký kết Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư với 21 nước thành viên EU. Đối với tranh chấp đầu tư phát sinh từ các Hiệp định này, việc công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài được thực hiện theo Công ước New York năm 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài (Công ước New York năm 1958). Việt Nam cũng đã tham gia Công ước New York năm 1958 và những nội dung của Công ước này đã được nội luật hóa tại các Chương 35 và 37 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Do vậy, các quy định nêu trên của Bộ luật Tố tụng dân sự và Công ước New York năm 1958 đã tạo dựng cơ sở pháp lý đầy đủ để Việt Nam công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài theo các Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký với 21 nước thành viên EU, bao gồm cả nghĩa vụ bồi thường trong trường hợp phán quyết yêu cầu.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định với những lý do đó, việc ban hành Nghị quyết cũng không làm phát sinh nghĩa vụ mới về tài chính đối với Việt Nam trong trường hợp Việt Nam phải bồi thường thiệt hại do thua kiện.

Bên cạnh đó, đối với hệ thống pháp luật, các quy định của Nghị quyết đảm bảo tính ổn định của hệ thống pháp luật Việt Nam, không yêu cầu sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan như Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Thi hành án dân sự, Luật Trọng tài thương mại...

Việc ban hành Nghị quyết sẽ tạo dựng một khung pháp lý đầy đủ và có hiệu quả hơn nữa cho việc bảo hộ hoạt động đầu tư của nhà đầu tư EU tại Việt Nam cũng như nhà đầu tư Việt Nam tại các nước thành viên EU, đồng thời góp phần củng cố niềm tin của các doanh nghiệp vào quyết tâm của Nhà nước Việt Nam trong việc tiếp tục cải thiện và nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh.

Thảo luận tại phiên họp, ý kiến các thành viên UBTVQH đánh giá cao Chính phủ trong thời gian ngắn đã khẩn trương, nghiên cứu đề xuất dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA, điều này khẳng định quyết tâm chính trị của Việt Nam trong việc sớm triển khai các cam kết của EVIPA; đánh dấu bước phát triển quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu và các nước thành viên.

Về cơ bản hồ sơ dự thảo Nghị quyết bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Về tên gọi và phạm vi điều chỉnh, đa số ý kiến tán thành với việc Nghị quyết này chỉ khẳng định việc Quốc hội Việt Nam phê chuẩn điều khoản công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo EVIPA mà không phải quy định về một cơ chế mới để thi hành phán quyết.

Đa số ý kiến của UBTVQH thống nhất cho rằng dự thảo Nghị quyết cần xác định nguyên tắc về quyền của Tòa án Việt Nam trong việc áp dụng pháp luật về công nhận và cho thi hành phán quyết chung thẩm của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA tại Việt Nam trong trường hợp bị đơn là Nhà nước Việt Nam, nguyên đơn là nhà đầu tư của EU hoặc nhà đầu tư của các thành viên EU và trường hợp bị đơn là EU hoặc các nước thành viên EU có tài sản tại Việt Nam và nguyên đơn là Nhà nước Việt Nam.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Chính phủ phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra, các cơ quan hữu quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến để hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội trong Kỳ họp thứ 9./.

http://baochinhphu.vn/Hoi-nhap/Tao-dung-khung-phap-ly-day-du-cho-viec-bao-ho-dau-tu-Viet-Nam-EU/397007.vgp

theo baochinhphu.vn

Tin Liên Quan

Australia, WB mở rộng hợp tác chiến lược nhằm hỗ trợ các ưu tiên phát triển của Việt Nam

Chính phủ Australia và Ngân hàng Thế giới (WB) vừa chính thức phê duyệt tiếp tục mở rộng quan hệ đối tác chiến lược nhằm hỗ trợ chương trình phát triển bền vững và toàn diện của Việt Nam.

Kết nối doanh nghiệp nông lâm thủy sản Việt Nam – Trung Quốc

Bộ NN&PTNT cho biết, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cùng đoàn công tác Bộ NN&PTNT vừa có buổi tọa đàm với Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) để kết nối doanh nghiệp nông lâm thủy sản hai nước. Tọa đàm có sự tham gia của đại diện các cơ quan chuyên môn, địa phương, doanh nghiệp đến từ 2 quốc gia.

Triển khai 12 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác hội nhập quốc tế

Đó là chỉ đạo của UBND tỉnh về triển khai công tác hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2023.

Kỳ vọng điểm sáng mới, điển hình trong quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản

Chiều 21/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp ngài Tomikazu Fukuda, Thống đốc tỉnh Tochigi, Nhật Bản đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.

Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1/8

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 30/6 chính thức thông báo Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) ký kết ngày 30/6/2019 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8/2020.

Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam-Cuba có hiệu lực từ 20/5

Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam nhằm thực hiện Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Cuba giai đoạn 2020-2023, có hiệu lực từ ngày 20/5 tới.