Cơ hội từ CPTPP không tách rời các FTA khác
Tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam chỉ đạt khoảng 39% trong giai đoạn 2018-2019 cho thấy dư địa dành cho các DN Việt Nam còn rất lớn.Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh:VGP.
Ngày 19/2, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo với chủ đề “Thực hiện hiệu quả Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong tiến trình hội nhập kinh tế yêu cầu hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam”.
Phát biểu tại hội thảo, Viện trưởng CIEM Trần Thị Hồng Minh cho biết, Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với nước ta từ ngày 14/1/2019 được kỳ vọng tạo thêm xung lực đổi mới cho phát triển thương mại và đầu tư, đẩy mạnh hơn nữa cải cách kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, hiệu quả thực thi và khả năng tận dụng những lợi ích và tiềm năng của CPTPP còn phụ thuộc vào năng lực thể chế và năng lực của doanh nghiệp trong nước.
Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ít nhiều đã có đóng góp tích cực vào hoạt động thương mại của Việt Nam. Trong năm 2019 - năm đầu tiên thực hiện CPTPP, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 6 nước thành viên đã phê chuẩn CPTPP đạt 34,4 tỷ USD, tăng 8,3%. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu đạt 30,1%, tăng 1%.
Năng lực khoa học công nghệ, tỷ lệ sử dụng công nghệ cao, đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và cải tiến công nghệ của doanh nghiệp còn rất thấp. Trình độ và kỹ năng của người lao động trong khu vực doanh nghiệp, trình độ đội ngũ quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp còn hạn chế. Doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, dù đã có cải thiện quan hệ cung ứng với các doanh nghiệp FDI.
Cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tập dụng ưu đãi từ CPTPP là không nhỏ, dễ thấy nhất là mở rộng thị trường, gia tăng xuất khẩu, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tiếp cận nguồn vốn đầu tư, công nghệ, kỹ năng quản lý nước ngoài.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng: Việt Nam đã chủ động hơn trong cải cách thể chế kinh tế. Môi trường kinh doanh đã có những thay đổi tích cực, trong đó vai trò quan trọng khu vực tư nhân được thừa nhận và được coi là xương sống của nền kinh tế. Tuy nhiên, khung khổ thể chế và pháp lý của nền kinh tế thị trường tại Việt Nam nhìn chung vẫn chưa đầy đủ và chưa hoàn thiện, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế.
So với các nước tham gia vào Hiệp định CPTPP, Việt Nam vẫn còn một khoảng cách về chất lượng thể chế kinh tế, thể hiện ở cả xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới, xếp hạng chỉ số quản trị toàn cầu, chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục cải thiện thông qua nỗ lực tự thân và tận dụng hỗ trợ kỹ thuật của đối tác.
Về phía mình, doanh nghiệp phải xử lý hiệu quả những thách thức, nhất là cải thiện khả năng cạnh tranh, khả năng tận dụng cơ hội.
Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM) Nguyễn Anh Dương cho rằng, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam chỉ đạt khoảng 39% trong năm 2018-2019. Với hiệp định mới mới có hiệu lực từ năm 2019 như CPTPP, tỷ lệ tận dụng lợi thế từ CPTPP của doanh nghiệp là chưa cao với một số mặt hàng, thị trường.
Còn tỷ lệ tận dụng CPTPP cao là rơi vào những ngành hàng Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu như thủy sản, dệt may, da giày… Dư địa để doanh nghiệp Việt Nam tận dụng ưu đãi trong CPTPP còn rất lớn nhưng khó có thể tách rời với việc khai thác các FTA khác.
Cần phải có cải cách thể chế thương mại, thể chế đầu tư, thể chế liên quan đến các biện pháp phi thuế quan, vấn đề về sở hữu trí tuệ; việc phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện thương mại, đầu tư; chính sách ngành, công nghiệp… Cùng với đó là định hướng chung ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách nền tảng kinh tế thị trường nhằm tận dụng được hiệu quả nhất những cơ hội từ Hiệp định CPTPP mang lại.
Có cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhấn mạnh, yếu tố rất quan trọng để tạo bước tiến trong hoàn thiện thể chế, nâng cao sức cạnh tranh cho cộng đồng doanh nghiệp đó là các bộ, ngành phải công khai, minh bạch, nhất là trong các bước trong giải quyết thủ tục hành chính. Nếu thực hiện đầy đủ các cam kết công khai minh bạch chúng ta sẽ có bước tiến đáng kể và sẽ tiết kiệm được khá nhiều nguồn vốn.
http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Co-hoi-tu-CPTPP-khong-tach-roi-cac-FTA-khac/387999.vgp