Thành lập Thị xã Sa Pa - cơ hội và thách thức
Ngày 11/9/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết, áp dụng cơ chế đặc biệt cho phép tỉnh Lào Cai nâng cấp Sa Pa từ huyện lên thị xã. Đây là một sự kiện mang tính bước ngoặt lịch sử dành cho sự phát triển của Sa Pa trong thời gian tới. Cơ hội mở ra để xây dựng đô thị Sa Pa xứng tầm là Khu Du lịch quốc gia và vươn tới đẳng cấp quốc tế, nhưng cũng là thách thức không nhỏ trên con đường xây dựng và phát triển.
Việc Sa Pa được nâng cấp Sa Pa lên thị xã mở ra rất nhiều cơ hội để sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành khu du lịch mang tầm cỡ quốc tế. Với nghị quyết này, Quốc hội đã trao cho địa phương những công cụ, nguồn lực cần thiết để thị xã Sa Pa phát triển nhanh và bền vững. Trước tiên, địa phương nâng cấp bộ máy chính quyền nông thôn lên chính quyền đô thị có đủ năng lực, trình độ, đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh của Sa Pa và phục vụ người dân được tốt hơn. Tạo thêm sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước, qua đó đưa Sa Pa vào vị thế được phép lựa chọn nhà đầu tư chứ không phải đi kêu gọi đầu tư như nhiều địa phương khác.
Được biết, tổng nhu cầu vốn đầu tư khái toán cho Sa Pa thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong cả giai đoạn 2019 - 2025 là trên 52.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, để đảm bảo sự phát triển bền vững của Sa Pa, địa phương ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực tài chính, kinh nghiệm làm du lịch. Khi được tuyên truyền đầy đủ về cơ hội, quyền lợi khi Sa Pa lên thị xã, nhiều người dân tỏ ra vui mừng và phấn khởi và kỳ vọng. Khi được hỏi về mong muốn của mình khi Sa Pa lên thị xã, ông Giàng A Sinh thôn Má Tra xã Sa Pả và anh Thào A Giang, thôn Sín Chải xã Tả Giàng Phìn chia sẻ: “Khi Sa Pa lên thị xã , chúng tôi mong muốn chính quyền quan tâm đến cơ hội việc làm, để chúng tôi có thu nhập tốt hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống tốt hơn như đã tuyên truyền”.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chỉnh trang đường phố cho Lễ công bố thị xã Sa Pa
Bên cạnh đó, công tác bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, công tác an sinh- xã hội trên địa bàn được kỳ vọng là sẽ có nhiều cơ hội nhận được nguồn lực đầu tư lớn. Về vấn đề này, chị Nguyễn Thị Họa, tổ dân phố số 2, thị trấn Sa Pa mong muốn: “Khi Sa Pa lên thị xã thì các vấn đề như: cơ sở hạ tầng giao thông, du lịch, chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho nhân dân cũng như các thiết chế văn hóa sẽ được chính quyền quan tâm và đầu tư tốt hơn”.
Tuy nhiên, Sa Pa được Quốc hội cho áp dụng cơ chế đặc biệt để lên thị xã, tức là còn một số tiêu chí chưa đạt và địa phương phải cố gắng hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Đây cũng chính là cơ hội và thách thức không nhỏ trong việc xây dựng thị xã du lịch Sa Pa xứng tầm là khu du lịch quốc gia trong tương lai. Trước mắt, Sa Pa cần nguồn lực đầu tư lớn cho việc xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước, trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị. Tất cả những hạng mục xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng đều đòi hỏi triển khai đồng bộ, hoàn thiện trong thời gian sớm nhất. Thêm vào đó, việc sáp nhập sẽ gây sự xáo trộn không nhỏ, ảnh hưởng phần nào đến sinh hoạt, công việc của các cơ quan đơn vị và người dân
Trao đổi với phóng viên chúng tôi, ông Sùng A Lềnh- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sa Pa cho biết: “Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, thời gian qua Đảng bộ, chính quyền huyện Sa Pa đang triển khai những biện pháp để giảm thiểu tác động của các yếu tố không mong muốn, trong đó xác định yếu tố then chốt luôn là con người. Hiện Sa Pa đang sắp xếp lại bộ máy nhân sự các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể… thành lập 12 tổ công tác, tiến hành chỉnh lý biến động dân cư, chỉnh lý thông tin cá nhân nhằm đảm bảo cuộc sống của người dân không bị xáo trộn. Nhiều hạng mục xây dựng cơ bản như điện, đường giao thông, hệ thống cấp nước sạch sinh hoạt… phục vụ thị xã Sa Pa đã được khởi công và đang thi công để sớm đưa vào sử dụng. Huyện cũng đang xây dựng các kế hoạch, giải pháp để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh công tác dạy nghề nhằm giảm tỷ lệ lao động thuần nông và tăng thu nhập cho người dân. Cùng với đó, huyện ưu tiên nguồn lực cho công tác an sinh xã hội, nhất là đối với khu vực nông thôn, vùng ven thị xã, mục tiêu hướng đến không làm gia tăng khoảng cách giàu, nghèo giữa khu vực đô thị và nông thôn”.
Chỉ còn thời gian ngắn nữa là đến ngày Sa Pa tổ chức Lễ công bố Sa Pa lên thị xã. Bên cạnh những công việc chuẩn bị, huyện Sa Pa cũng tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu và nhận thức rõ hơn, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi công dân để chung sức thị xã Sa Pa ngày một văn minh, xanh, sạch, đẹp, xứng tầm là Khu Du lịch quốc gia.