Thái Lan thúc đẩy đàm phán FTA để tăng xuất khẩu

Bộ Thương mại Thái Lan cho biết sẵn sàng đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) trong khuôn khổ ASEAN vào năm tới, nhằm cắt giảm thuế quan nhiều mặt hàng hơn.

Hàng Việt Nam chất lượng cao đang tìm cách thâm nhập thị trường Thái Lan

Theo Vụ trưởng Đàm phán Thương mại Auramon Supthaweethum, Thái Lan cũng muốn nâng cấp các hiệp định để phù hợp hơn với những điều kiện kinh tế đang thay đổi. Trọng tâm của các cuộc đàm phán sẽ là các FTA của ASEAN với Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và một thỏa thuận chung với Australia và New Zealand.

Bà Auramon cho rằng, việc xem xét lại FTA ASEAN-Trung Quốc sẽ chú trọng vào những cải thiện trong tiếp cận thị trường để cho phép có thêm nhiều hàng hóa được cắt giảm thuế. Những mặt hàng đang chờ đàm phán chủ yếu nằm trong danh sách nhạy cảm và nhạy cảm cao, với tổng cộng 500 mục. Các cuộc đàm phán đặt mục tiêu giảm thuế đối với các mặt hàng nhạy cảm từ 0-5% xuống còn 0%, trong khi các mặt hàng nhạy cảm cao được đề xuất giảm nữa so với mức 50% hiện nay. Những mặt hàng được đưa vào đàm phán bao gồm gạo, đường tinh chế, ngô, cây trồng có dầu, cao-su và cọ.

Đối với FTA ASEAN-Ấn Độ, các cuộc đàm phán sẽ nhằm giảm thuế đối với nhiều mặt hàng hơn, so với khoảng 79% tổng số các mặt hàng như hiện nay. Các mặt hàng được nhắm tới bao gồm dầu cọ, cao-su, thực phẩm, phụ tùng ô-tô và hóa dầu. Ấn Độ ký FTA với ASEAN năm 2009 và hiệp định này có hiệu lực từ năm 2010.

Bà Auramon cho biết đàm phán với Hàn Quốc trong khuôn khổ ASEAN sẽ động chạm tới những mặt hàng nhạy cảm như gạo, đường tinh chế, bột sắn và trái cây. Đàm phán thương mại với Australia và New Zealand sẽ chủ yếu tập trung vào thương mại điện tử, mua sắm của nhà nước, thủ tục hải quan, dịch vụ tài chính, viễn thông, nhà hàng và khách sạn vì thuế đối với hàng hóa đã được cắt giảm xuống 0%. ASEAN có FTA với Australia, New Zealand, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Công (Trung Quốc), và đang trong quá trình đàm phán với các nước về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Về phía các hiệp định song phương, Thái Lan hiện có 12 FTA với 17 đối tác thương mại. Theo bà Auramon, trong năm 2020, Thái Lan sẽ ký RCEP, kết thúc đàm phán FTA với Thổ Nhĩ Kỳ, bắt đầu đàm phán FTA với Liên hiệp châu Âu (EU) và Anh. Bà Auramon cho biết kế hoạch đàm phán của Bangkok trong năm tới sẽ tập trung vào sáu khuôn khổ để mở ra các thị trường mới và giảm những trở ngại kinh doanh đối với hàng hóa và dịch vụ của Thái Lan, đó là RCEP, các cuộc đàm phán FTA đang diễn ra, các cuộc đàm phán FTA mới, nâng cấp các FTA đã có, họp ủy ban thương mại chung và các cuộc đàm phán thương mại đa phương.

Bà Auramon tin tưởng FTA Thailand-Thổ Nhĩ Kỳ có thể hoàn tất trong năm 2020, với vòng đàm phán tiếp theo dự kiến diễn ra tháng 4-2020. Thái Lan và Pakistan đã có chín vòng đàm phán FTA song phương, hoàn tất 98% hiệp định và bà Auramon cam kết hoàn tất FTA này trong năm tới. Đối với các FTA mới, Vụ Đàm phán Thương mại sẵn sàng bắt đầu đàm phán với EU và vòng đầu tiên có thể sẽ diễn ra vào quý I-2020. Ngoài ra, Thái Lan cũng mong muốn tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hiệp định Thái Lan-Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) và hiệp định Thái Lan-Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU).

Trong 10 tháng đầu năm 2019, giá trị thương mại của Thái Lan với 17 đối tác mà nước này có FTA đạt 241 tỷ USD, trong đó xuất khẩu là 118 tỷ USD và nhập khẩu là 123 tỷ USD. Các đối tác có trao đổi thương mại cao nhất với Thái Lan là ASEAN (90,7 tỷ USD), Trung Quốc (65,2 tỷ USD), Nhật Bản (47,7 tỷ USD), Australia (12,2 tỷ USD) và Hàn Quốc (11,3 tỷ USD).

Theo Báo Nhân dân

Tin Liên Quan

Chìa khóa của phát triển bền vững

Vốn chịu sức ép từ nhiều cuộc khủng hoảng, nền kinh tế thế giới đang có nguy cơ mắc kẹt trong tình trạng tăng trưởng thấp, khó có thể đáp ứng được các nhu cầu phát triển. Trong bối cảnh này, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) hối thúc các quốc gia, nhất là các nước đang phát...

Xu hướng xanh hóa nông nghiệp ở Bắc Âu và bài học cho nông sản Việt

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, xu hướng phát triển nông nghiệp xanh ngày càng được các quốc gia Bắc Âu thúc đẩy, không chỉ nhằm bảo vệ môi trường mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Với những bước tiến tiên phong trong nông nghiệp bền vững, các nước Bắc Âu như Thụy...

Việt Nam và Canada tăng cường kết nối trong thương mại, đầu tư

Việt Nam tham gia Triển lãm xúc tiến đầu tư quốc tế MIBIExpo với mong muốn thúc đẩy kết nối, đồng thời tạo ra một hệ sinh thái trong hệ thống các hiệp định thương mại tự do sẵn có giữa hai nước.

Việt Nam giữ vững ngôi đầu xuất khẩu gạo vào thị trường Philippines

Theo Thương vụ Việt Nam tại Philippines, đến cuối tháng 10/2024, gạo Việt Nam tiếp tục giữ vị thế chủ lực khi xuất khẩu vào thị trường Philippines, chiếm gần 80% lượng gạo nhập khẩu của quốc gia này.

Khoảng trống trong hệ thống giáo dục toàn cầu

Tình trạng thiếu giáo viên đang kéo theo những tác động tiêu cực đối với hệ thống giáo dục toàn cầu. Liên hợp quốc cảnh báo, nếu khoảng trống này không sớm được lấp đầy, thế giới khó có thể đạt mục tiêu xây dựng nền giáo dục toàn diện, công bằng và chất lượng cho tất cả mọi người.

Nhiều nước châu Á đối phó mưa, bão lớn

Sáng 2/11, tất cả chuyến tàu cao tốc Shinkansen nối giữa Hakata, tây nam Nhật Bản, và thủ đô Tokyo đã tạm dừng do mưa lớn. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cảnh báo, mưa lớn sẽ tiếp tục trút xuống khu vực trong nửa đầu kỳ nghỉ cuối tuần.