Báo chí Lào Cai thay đổi để thích ứng

Nhân dịp Đại hội Hội Nhà báo tỉnh Lào Cai lần thứ VI, phóng viên có cuộc phỏng vấn đồng chí Phan Quang Hưng, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh.
Hoạt động giao ban báo chí làm tốt công tác định hướng tuyên truyền.

PV: Đồng chí đánh giá như thế nào về hoạt động báo chí của tỉnh Lào Cai trong 5 năm qua?

Đồng chí Phan Quang Hưng: 5 năm qua, với tinh thần “Nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo”, Hội Nhà báo và những người làm báo Lào Cai đã hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu do Nghị quyết Đại hội Hội Nhà báo tỉnh Lào Cai lần thứ V, nhiệm kỳ 2014 - 2019 đề ra, thể hiện rõ nét vai trò báo chí là công cụ sắc bén của Đảng, Nhà nước và là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân các dân tộc.

Với 3 cơ quan báo chí là Báo Lào Cai, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Tạp chí Phan Si Păng, báo chí Lào Cai từng bước phát triển toàn diện, hiệu quả; hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích. Nổi bật nhất trong nhiệm kỳ qua, báo chí Lào Cai đã tích cực tuyên truyền nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh là thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020; kịp thời phát hiện, cổ vũ các nhân tố mới, phong trào thi đua yêu nước; phát hiện và đề xuất hướng giải quyết nhiều vấn đề nảy sinh trong thực tiễn; đóng góp trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và tệ nạn xã hội. Đồng thời, các cơ quan báo chí đã tập trung tuyên truyền các sự kiện trọng đại của đất nước và của tỉnh; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...

Bằng tinh thần nhiệt huyết, ý thức trách nhiệm và sự sáng tạo không ngừng, các nhà báo Lào Cai đã đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh trong 5 năm qua, đã cho ra đời nhiều tác phẩm báo chí giá trị, được đánh giá cao trong các cuộc thi nghề nghiệp ở cấp Trung ương và địa phương. Trong đó phải kể đến 5 giải báo chí quốc gia, 157 giải báo chí tỉnh Lào Cai, 21 giải thưởng Phan Si Păng, 48 giải thưởng các chuyên ngành khác do các bộ, ban, ngành tổ chức.

PV: Để có được những kết quả đó, vai trò của Hội Nhà báo tỉnh thể hiện ra sao, thưa đồng chí?

Đồng chí Phan Quang Hưng: Là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo, Hội Nhà báo tỉnh Lào Cai thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức chính trị cho hội viên, xây dựng đội ngũ người làm báo “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân.

Định kỳ hằng tháng, Hội Nhà báo phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cùng các cơ quan báo chí tổ chức hội nghị giao ban báo chí. Đây là diễn đàn trao đổi thông tin, nghiệp vụ 2 chiều giữa các cơ quan có liên quan và các cơ quan báo chí nhằm kịp thời phát hiện, điều chỉnh những bất cập trong hoạt động của các cơ quan báo chí và hội viên; cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan, đơn vị, địa phương; những vấn đề dư luận nhân dân cần sự vào cuộc của báo chí và việc giải quyết theo đúng pháp luật của ngành chức năng. Đồng thời, Hội Nhà báo phối hợp với cơ quan quản lý báo chí tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức họp báo nhằm cung cấp thông tin và trao đổi giữa các cơ quan quản lý nhà nước với hội viên nhà báo, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tác nghiệp của hội viên nhà báo.

Định kỳ hằng năm, Hội Nhà báo tỉnh là cơ quan thường trực tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức Giải thưởng báo chí Lào Cai; thực hiện Đề án “Hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao” do Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam chỉ đạo. Trong nhiệm kỳ qua, Hội Nhà báo tỉnh Lào Cai đã phối hợp với các cơ quan báo chí tuyển chọn và hỗ trợ trực tiếp 94 tác phẩm báo chí chất lượng cao của các tác giả, nhóm tác giả là hội viên Hội Nhà báo tỉnh Lào Cai, góp phần động viên, khích lệ hội viên không ngừng sáng tạo, tìm tòi, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng tác nghiệp.

PV: Thưa đồng chí, nếu nói về những điểm hạn chế nhất trong công tác Hội thời gian qua thì đồng chí sẽ nói điều gì?

Đồng chí Phan Quang Hưng: Trước hết, có thể thấy vai trò của tổ chức Hội có lúc, có nơi chưa rõ nét nên uy tín và mức độ ảnh hưởng của tổ chức Hội đối với hội viên chưa cao. Mối quan hệ giữa Hội Nhà báo và các sở, ban, ngành tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế. Công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên chưa được thường xuyên, do vậy sự gắn bó giữa tổ chức Hội và hội viên nhiều lúc chưa thật khăng khít. Việc sinh hoạt tại một số chi hội chưa đều, vẫn còn tình trạng hoạt động theo “mùa vụ”. Cùng với đó, công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, chính trị cho hội viên làm chưa thường xuyên. Việc tổ chức các cuộc vận động, các phong trào của Hội mới chỉ trong khuôn khổ hội viên, chưa có sự phát triển rộng rãi đến những người làm báo không chuyên, cộng tác viên, nên số lượng người tham gia chưa đông đảo.

PV: Đồng chí nhìn nhận như thế nào về những khó khăn, thách thức mà báo chí của tỉnh gặp phải hiện nay?

Đồng chí Phan Quang Hưng: Trong giai đoạn cạnh tranh thông tin giữa các loại hình báo chí: Báo viết, báo điện tử, phát thanh, truyền hình và các mạng xã hội hiện nay, thì mỗi loại hình báo chí phải tự thay đổi để thích ứng, nghĩa là phải tự làm mới mình để đáp ứng yêu cầu thông tin ngày càng cao của nhân dân.

Chủ trương sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, chuyển đổi phương thức hoạt động theo cơ chế tự chủ đòi hỏi các cơ quan báo chí phải sàng lọc đội ngũ, thu gọn đầu mối, trong khi khối lượng công việc tăng, yêu cầu nhiệm vụ nặng nề hơn. Tuy nhiên, vấn đề quan tâm hiện nay là các điều kiện để đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển, hiện đại hóa báo chí còn chưa phù hợp. Một vấn đề nữa là thu nhập, đời sống của người làm báo trong tỉnh còn nhiều khó khăn, do đó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến lao động sáng tạo của các nhà báo.

PV: Từ những khó khăn đó, theo đồng chí, thời gian tới, Hội Nhà báo tỉnh cần làm gì để đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động?

Đồng chí Phan Quang Hưng: Hội Nhà báo tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đoàn kết, tập hợp hội viên. Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nhận thức chính trị cho hội viên. Thực hiện tốt Chỉ thị 37 của Ban Bí thư về tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới. Bám sát Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ để xây dựng và thực hiện tốt quy chế phối hợp hoạt động giữa tổ chức Hội với các cơ quan báo chí. Tích cực tham mưu, đề xuất với tỉnh và Trung ương về xây dựng những chính sách liên quan đến báo chí và hội nhà báo địa phương; tạo điều kiện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cũng như nâng cao trách nhiệm của hội viên trong hoạt động nghiệp vụ. Khen thưởng, động viên kịp thời những hội viên có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và hoạt động báo chí; xử lý nghiêm hội viên vi phạm Điều lệ Hội, vi phạm 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp và quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.

Hội Nhà báo tỉnh tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các chi hội; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động của Hội nhằm hỗ trợ kinh phí cho hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ; gắn hoạt động của Hội, các cơ quan báo chí với các hoạt động của địa phương.
Đa dạng hóa các hình thức giáo dục, bồi dưỡng chính trị, đạo đức nghề nghiệp và kiến thức pháp luật cho hội viên; tăng cường quản lý hội viên nhằm bảo đảm việc kiểm tra, giám sát thực hiện các quy chuẩn đạo đức người làm báo Việt Nam. Tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động, các giải báo chí chuyên ngành, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Hội Nhà báo ở địa phương…

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024

Sáng 1/11, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024. Hội nghị do đồng chí Phùng Nam Trung, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì.

Lào Cai có 1 dự án vào chung kết Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn" năm 2024

Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2024 dành cho các bạn trẻ từ 18 - 35 tuổi do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, có sự tham gia của 63 tỉnh, thành đoàn trên cả nước.

Chính sách việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi ở Lào Cai

Ngày 26/10/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 417/KH-UBND về việc triển khai thực hiện chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Lào Cai: Bước chuyển mình trong hành trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số

Trong những năm gần đây, tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, không chỉ để nâng cao chất lượng sống của người dân mà còn hướng tới mục tiêu xây dựng một nền kinh tế số bền vững. Với sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng viễn thông, mở rộng dịch vụ công trực tuyến và hỗ trợ doanh...

Lào Cai: Điểm sáng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Trong giai đoạn 2022-2024, tỉnh Lào Cai đã triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL). Những nỗ lực từ cấp lãnh đạo đến các cấp cơ sở đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, đặc biệt tại các khu vực khó khăn và biên giới.

Tỉnh Lào Cai tăng cường phát triển nguồn nhân lực

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá góp phần tạo nền tảng quan trọng để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉnh Lào Cai đang đi đúng hướng trong việc phát triển, đào tạo nguồn nhân lực nhằm xây dựng nền kinh tế bền vững, tạo ra nhiều cơ hội...