Nâng cao chất lượng quản trị kinh tế
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện (DDCI) được xây dựng nhằm đo lường chất lượng quản lý, điều hành kinh tế của các cơ quan chính quyền cấp huyện và các sở, ngành - những đơn vị có quan hệ trực tiếp với các cơ sở kinh tế trên địa bàn như hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã và nhà đầu tư. Do vậy, mục tiêu mà DDCI hướng tới là nâng cao chất lượng quản lý và điều hành kinh tế tại cấp tỉnh và huyện.
Cải cách thủ tục hành chính là một trong những chỉ số quan trọng để đánh giá DDCI. (Ảnh: Cán bộ hải quan hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện thủ tục xuất - nhập khẩu hàng hóa). |
Sự khác biệt giữa DDCI và DCI
DCI được Economica Vietnam và UBND tỉnh triển khai xây dựng năm 2013. Đây là lần đầu tiên, bộ khung chỉ số về đánh giá các lĩnh vực điều hành và quản trị kinh tế ở cấp địa phương được hình thành, xây dựng. DCI được thực hiện liên tục trong những năm qua và đã trở thành công cụ quan trọng cho công tác điều hành tại Lào Cai, hỗ trợ đắc lực cho việc nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh tại tỉnh, góp phần giúp Lào Cai liên tục duy trì được thứ hạng cao trong bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
DCI tiếp đó được nhiều tỉnh, thành lựa chọn triển khai như Vĩnh Phúc, Kiên Giang, Bắc Giang, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Yên Bái, Cao Bằng, Huế, Quảng Nam, Đắck Nông… Đặc biệt, việc thực hiện đánh giá tính sáng tạo và kết quả điều hành của chính quyền địa phương theo DCI đã trở thành một trong những chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 19/2018/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp quốc gia, sau này là Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2020.
Tuy nhiên, đối tượng chính của DCI là hộ kinh doanh, hợp tác xã và doanh nghiệp tại địa phương - nơi tạo ra việc làm, quy mô cỡ mẫu còn nhỏ, chưa triển khai đánh giá tại cấp sở, ngành.
Trên cơ sở bộ chỉ số DCI hiện có với khảo sát và xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp huyện, DDCI sẽ phát triển thêm phần chỉ số đánh giá xếp hạng sự đóng góp của các sở, ngành trong nâng cao năng lực cạnh tranh ở cấp huyện và cấp tỉnh, đồng thời lồng ghép các vấn đề về bình đẳng giới liên quan đến môi trường kinh doanh và đầu tư, sự phát triển của doanh nghiệp do nữ doanh nhân làm chủ, tạo thành bộ chỉ số DDCI hoàn chỉnh, đem lại những tác động, thay đổi lớn cho môi trường kinh doanh và đầu tư của tỉnh.
Nhiều dự án lớn được đầu tư góp phần thay đổi diện mạo thành phố Lào Cai. |
DDCI - đo lường sự hài lòng về môi trường kinh doanh
Theo ông Phạm Tiến Dũng, chuyên gia tư vấn Economica, DDCI là chiếc gương phản chiếu chính xác cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp về các mặt và công tác quản lý, điều hành kinh tế của các cấp chính quyền địa phương. DDCI cũng là một “nhiệt kế” đo lường sự hài lòng về môi trường kinh doanh, đầu tư và cảm nhận về triển vọng kinh doanh trong bối cảnh môi trường kinh doanh và đầu tư cấp huyện, tỉnh.
Các chỉ số thành phần và chỉ tiêu của DDCI được xây dựng trên nguyên tắc nền tảng và thông lệ tốt về điều hành và quản trị kinh tế của chính quyền địa phương. Các chỉ số thành phần và chỉ tiêu bao quát toàn diện các mặt quản lý, điều hành kinh tế của chính quyền địa phương. Được xây dựng trên cơ sở thực tiễn triển khai tại các địa phương, do vậy, các chỉ số thành phần và chỉ tiêu của DDCI có thể dễ dàng giúp các cơ quan chính quyền cấp huyện, các sở, ngành nhanh chóng nhận biết những lĩnh vực điều hành và quản trị kinh tế mà mình đã làm tốt và chưa tốt, những điểm tích cực và hạn chế, đồng thời có thể nhanh chóng xác định được cụ thể, chính xác cơ quan nào ở cả cấp huyện và sở, ngành chịu trách nhiệm về những yếu kém hoặc là nhân tố tích cực của lĩnh vực điều hành đó. Điều này sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm giải trình, có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định đầu mối chịu trách nhiệm trong xây dựng hành động, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, năng lực cạnh tranh của huyện, tỉnh, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.
DDCI cấp huyện gồm 10 chỉ số thành phần và 84 chỉ tiêu. DDCI cấp sở, ngành gồm 5 chỉ số thành phần và 29 chỉ tiêu. Các chỉ số thành phần và chỉ tiêu này thể hiện ở các lĩnh vực quản lý, điều hành kinh tế và liên quan trực tiếp tới các cơ sở sản xuất - kinh doanh và môi trường kinh doanh tại tỉnh, như chi phí gia nhập thị trường; khả năng tiếp cận đất đai; hiệu quả trong cấp phép và thanh tra, kiểm tra; hiệu quả của thủ tục thuế; hiệu quả của cải cách thủ tục hành chính và bộ phận một cửa; hiệu quả hoạt động hỗ trợ kinh doanh; chi phí không chính thức…
Ông Hoàng Trung Giang, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lào Cai khẳng định: Bộ khung chỉ số DDCI là nền tảng để tiến hành các bước điều tra, khảo sát, phân tích và công bố chất lượng quản lý, điều hành của các huyện, thành phố và các sở, ngành của tỉnh. Qua đó, thúc đẩy nhận thức và hành động của các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý, điều hành nhằm hỗ trợ tốt nhất các thành phần kinh tế phát triển, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh của tỉnh.