Điểm sáng từ những mô hình phụ nữ khởi nghiệp
Từ quyết định số 939/QÐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Ðề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, Lào Cai đã chủ động triển khai hiệu quả trong cuộc sống, giúp chị em phụ nữ ở địa phương từng bước vươn lên thoát nghèo, cải thiện và nâng cao thu nhập.Để phụ nữ tự tin khởi nghiệp, quỹ hỗ trợ phụ nữ ở các cấp hội được mở rộng địa bàn vay vốn. Đến nay, có hơn 2.000 chị em phụ nữ được vay vốn từ quỹ để phát triển kinh tế. Các nguồn vốn vay đã mở rộng 678 thôn, bản/142 xã thuộc 9 huyện, thành phố. Tổng số vốn vay lên hơn 1.310 tỷ đồng. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về khởi nghiệp được triển khai tới trên 33.000 hội viên phụ nữ. Từ những hỗ trợ thiết thực đó, nhiều điểm sáng về phụ nữ khởi nghiệp đã xuất hiện tại các địa phương trong tỉnh.
Xóa nghèo từ cây sa nhân tím
Tại Si Ma Cai, những mô hình đang cho thấy triển vọng xóa nghèo hiệu quả phải kể đến mô hình nuôi vịt Sín Chéng, mô hình chăn nuôi đại gia súc, mô hình nuôi ngựa bạch,… Tiêu biểu nhất phải kể đến mô hình phụ nữ trồng sa nhân tím.
Vườn sa nhân tím tại xã Sán Chải, Si Ma Cai.
Đến xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai, hỏi thăm đến nhà chị Giàng Thị La có lẽ không ai là không biết. Bởi lẽ năm nay, gia đình chị là hộ điển hình tiêu biểu về trồng cây sa nhân tím cho thu nhập cao. Hiện gia đình chị có trên 10.000 gốc sa nhân tím. Vụ thu hoạch quả vừa qua, sa nhân tím được mùa được giá nên đã cho thu nhập trên 600 triệu đồng/năm.
Bà Bùi Thị Chung - Phó chủ tịch xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai cho biết: Từ mô hình trồng cây sa nhân tím cho thu nhập cao của hộ chị Giàng Thị La, xã đang nhân rộng mô hình phụ nữ tham gia trồng cây sa nhân tím tại đây để đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo. Năm 2019, mô hình này đã thu hút 193 hộ gia đình tham gia.
Hiện toàn tỉnh có khoảng 398 ha cây sa nhân tím, đem lại nguồn thu ổn định hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho nông dân vùng cao, nhất là tạo công ăn việc làm và cải thiện thu nhập cho chị em phụ nữ ở địa phương. Mục tiêu đến năm 2020, Lào Cai sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng sa nhân tím tại các xã vùng cao, biên giới với gần 1.000 ha, mở ra cơ hội để phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia phát triển kinh tế.
Triển vọng từ cây gai xanh
Triển khai Đề án 939 hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, Văn Bàn đã lựa chọn mô hình trồng cây gai xanh bởi đây là loại cây có giá trị sử dụng cao. Thân, vỏ dùng để sản xuất thành sợi dệt vải chất lượng tốt. Lá của cây gai xanh sử dụng làm bánh gai, tách chiết lấy tinh dầu, sản xuất chất màu tự nhiên phục vụ cho ngành công nghiệp thực phẩm và sử dụng làm thức ăn cho gia súc. Thân cây gai được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất giấy, chất đốt và nguyên liệu để sản xuất phân bón hữu cơ phân vi sinh… Đặc biệt, cây gai xanh trồng một lần có thể thu hoạch trong vòng 10 năm, mỗi năm thu từ 5 - 6 lứa. Một ha cây gai sẽ cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Để tạo đầu ra cho sản phẩm, Văn Bàn đã triển khai chương trình liên kết sản xuất vùng nguyên liệu trồng cây gai xanh AP1 với Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển sản xuất và Xuất - nhập khẩu An Phước. Hiện nay, diện tích trồng cây gai xanh đã phủ kín hơn 3 ha tại 5 xã Hòa Mạc, Làng Giàng, Võ Lao, Sơn Thủy, Dương Quỳ. Năm 2019, dự án sẽ mở rộng ra khoảng 100 ha, tạo cơ hội việc làm và cải thiện thu nhập cho nhiều chị em phụ nữ tham gia vào mô hình này.
Khơi nguồn ý tưởng khởi nghiệp
Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025” trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã khơi nguồn và là “bà đỡ” cho những ý tưởng khởi nghiệp của chị em phụ nữ ở các địa phương. Khích lệ kịp thời để chị em phụ nữ biến những ý tưởng đó thành hiện thực và có những thành công bước đầu.
Mô hình vườn dâu tây ứng dụng công nghệ cao của Đỗ Thị Kim Dung - Sa Pa hút khách du lịch tham quan và trải nghiệm.
Tiêu biểu là mô hình sản xuất vải lanh nhuộm hương thảo mộc Sa Pa của tác giả Sùng Thị Lan, xã Tả Van, huyện Sa Pa; trồng rau hữu cơ của Tổ hợp tác sản xuất rau hữu cơ Km3, xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà; “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch” sản phẩm quả dâu tây của tác giả Đỗ Thị Kim Dung, Hợp tác xã Thắng Lợi (Sa Pa); “Trồng, sản xuất các sản phẩm từ cây tam thất của tác giả Vũ Thị Nhung (Si Ma Cai); “Nhóm sở thích vẽ sáp ong thổ cẩm” của tác giả Tẩn Thị Giả (Sa Pa)…
Mục tiêu của Lào Cai là đến năm 2025 có 600 phụ nữ trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ kinh doanh và khởi nghiệp, tạo thêm cơ hội để phụ nữ chia sẻ các ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp, thúc đẩy thực hiện hóa các ý tưởng khởi nghiệp, nhằm thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp và chiến lược quốc gia về bình đẳng giới./.