Thu hút FDI đạt hơn 29 tỷ USD
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố, trong 10 tháng năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt 29,11 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Ngoài ra, vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt 16,21 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Cụ thể, tính đến ngày 20-10-2019, có 3.094 dự án mới được cấp phép đầu tư, tăng 25,9% số dự án so với cùng kỳ năm 2018. Tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 12,83 tỷ USD, bằng 85,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Về vốn điều chỉnh, có 1.145 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng vốn đăng ký điều chỉnh là 5,47 tỷ USD, bằng 83,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Ngoài ra còn có 7.509 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN với tổng giá trị vốn góp 10,81 tỷ USD, tăng 70,5% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 37,1% tổng vốn đăng ký.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể, năm 2017 đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần chiếm 17,02% tổng vốn đăng ký, năm 2018 chiếm 27,78% và 10 tháng năm 2019 chiếm 37,1% tổng vốn đăng ký.
Xuất siêu 28,32 tỷ USD
Xuất khẩu của khu vực ĐTNN kể cả dầu thô đạt 150,43 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 69,3% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 148,72 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 68,5% kim ngạch xuất khẩu.
Nhập khẩu của khu vực ĐTNN đạt 122,1 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 58,1% kim ngạch nhập khẩu.
Tính chung, khu vực ĐTNN xuất siêu 28,32 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 26,62 tỷ USD không kể dầu thô. Mặc dù khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 21,27 tỷ USD, nhưng xuất siêu khu vực đầu tư nước ngoài đã bù đắp được nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước. Vì vậy, cả nước xuất siêu 7,05 tỷ USD trong 10 tháng năm 2019.
Vốn FDI chủ yếu vào công nghiệp chế biến, chế tạo
Theo lĩnh vực đầu tư, các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 18,83 tỷ USD, chiếm 68,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,98 tỷ USD, chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là các lĩnh vực bán buôn bán lẻ, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ,…
Hồng Công (Trung Quốc) dẫn đầu
Theo đối tác đầu tư, có 107 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hồng Công (Trung Quốc) dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 6,45 tỷ USD, trong đó có 3,85 tỷ USD mua cổ phần vào công ty TNHH Vietnam Beverage tại Hà Nội, chiếm 59,7% tổng vốn đầu tư.
Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,52 tỷ USD, chiếm 19% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 4,21 tỷ USD, chiếm 14,5% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản,...
Hà Nội hút nhiều vốn nhất
Nhà ĐTNN đã đầu tư vào 60 tỉnh thành phố, trong đó Hà Nội thu hút nhiều vốn ĐTNN nhất với tổng số vốn đăng ký 6,61 tỷ USD, chiếm 22,7% tổng vốn đầu tư. TP Hồ Chí Minh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 4,96 tỷ USD, chiếm 17% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh,…
Đáng chú ý, trong 10 tháng năm 2019 số lượng các đoàn sang làm việc tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam tăng khá mạnh, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó có nhiều đoàn tìm hiểu cơ hội để dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam, các đối tác chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Công (Trung Quốc), Singapore.