Chính phủ sẽ tiếp tục ưu tiên để đưa Lào Cai trở thành trung tâm thương mại, du lịch quốc tế
Trước hết, tôi rất vui mừng đến dự hội nghị và thấy nhiều nhà đầu tư lớn, “sếu đầu đàn” đã đến tỉnh miền núi Tây Bắc, được chứng kiến tỉnh Lào Cai ký kết thỏa thuận hợp tác với các nhà đầu tư với tổng vốn khoảng 5,3 tỷ USD và quyết định chủ trương đầu tư với số vốn khoảng 1 tỷ USD. Những dự án hợp tác đầu tư đã được tư vấn nước ngoài xem xét kỹ để tiến tới triển khai.(Lược ghi phát biểu của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Lào Cai năm 2019)
Lào Cai theo tiếng H’Mông là “phố chợ cũ”, cho thấy nơi đây từng là vùng đất nhộn nhịp và sôi động với những hoạt động giao thương, buôn bán quốc tế, trong nước.
Với vị thế địa mạo, Lào Cai được ví như con rùa vàng, một trong tứ linh của văn hóa Việt (long, ly, quy, phượng), lại ở địa đầu Tổ quốc, hình tượng Kim Quy càng tôn nên vị thế vững chãi, uy nghi.
Trong vùng miền núi phía Bắc, Lào Cai là địa phương có đầy đủ tiềm năng, lợi thế không phải địa phương nào cũng có được để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ du lịch.
Ở đây có tài nguyên vô giá là tài nguyên tự nhiên, núi rừng, cảnh quan, sông suối, hệ sinh thái, có nhiều suối khoáng nóng, 50 loài thực vật quý hiếm của Việt Nam, là một kho tàng gen, đó là nguồn lực vô cùng thuận lợi cho phát triển. Lào Cai là nơi hội tụ, lưu truyền các giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử và di sản đặc sắc của 25 dân tộc anh em Tây Bắc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.
Lào Cai có Sa Pa, một thị trấn trong sương, mang vẻ đẹp cuốn hút, hòa quyện giữa thiên nhiên, văn hóa và màu sắc bản địa. Từ những năm 1920, Sa Pa đã từng được người Pháp mệnh danh là “Thủ đô mùa hè” của Bắc Kỳ.
Trong khi du lịch biển của Việt Nam khá thành công với nhiều dự án ven biển, như dự án của Tập đoàn FLC, Tập đoàn Sungroup, thì việc phát triển du lịch miền núi, nhất là miền núi phía Bắc chưa xứng với tiềm năng. Do đó, phải làm tốt hơn để biến vùng núi tiềm năng ở phía Bắc, trong đó có Sa Pa, Lào Cai thành những địa điểm du lịch hấp dẫn, kỳ thú mà du khách gần xa biết được.
Thủ tướng Chính phủ chứng kiến UBND tỉnh Lào Cai và các doanh nghiệp ký thỏa thuận đầu tư.
Tiềm năng du lịch ở đây rất lớn, cần phải nâng lên, phát triển nhanh hơn, chất lượng hơn. Những năm qua, Lào Cai đã thu hút hàng triệu lượt khách quốc tế, con số khá cao với một tỉnh mà dân số chưa đến 1 triệu người. Tuy nhiên, quy mô du lịch ấy so với tiềm năng còn thấp. Tôi nhấn mạnh rằng, vẻ đẹp của tự nhiên là thứ tài nguyên không thể bị xấu đi hay bị cạn kiệt chỉ do sự nhìn ngắm và thưởng ngoạn của con người, trừ khi có sự phá hoại vô ý thức và cách quản lý không tốt của chúng ta; ngược lại, nó càng trở nên đẹp hơn, quý giá hơn nếu ta biết tận dụng nó.
Điều may mắn là dù phát triển nhanh, nhưng đến nay Lào Cai cơ bản vẫn còn giữ được cảnh quan môi trường đa dạng và trong sạch. Đây là điều quan trọng tạo nên điểm du lịch lý tưởng đối với du khách trong và ngoài nước. Do đó, đánh mất tài nguyên quan trọng này thì Lào Cai sẽ mất tất cả. Tôi mong muốn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai phải biết giữ gìn điều này.
Nhân đây, tôi muốn nhắc lại 5 yêu cầu đặt ra cũng là 5 câu hỏi cho đến nay chưa địa phương nào trả lời được một cách xuất sắc.
Nếu Lào Cai coi du lịch là mũi nhọn thì trước hết, làm thế nào du khách tìm đến Lào Cai đông hơn? Làm sao để du khách tiêu tiền nhiều hơn thay vì có tiền mà không biết tiêu gì? Làm thế nào du khách ở lại lâu hơn thay vì rời đi sớm? Làm thế nào để khách kể lại câu chuyện du lịch thú vị với người thân, bạn bè một cách đầy hứng khởi, thay vì chê bai, kể xấu về Lào Cai? Làm thế nào để du khách quay trở lại nhiều hơn, chứ không phải một đi không trở lại? Lào Cai phải hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững và bao trùm, mọi đối tượng trong xã hội đều được hưởng thành quả của du lịch, không để ai bị bỏ lại phía sau, phải đạt được mục tiêu chứ không để du lịch phát triển hơn mà người dân nghèo đi.
Thủ tướng Chính phủ thăm gian hàng trưng bày sản phẩm truyền thống.
Tiềm năng phát triển công nghiệp của Lào Cai rất lớn, với nhiều loại khoáng sản có thể khai thác, tuy nhiên, cũng cần khảo sát, nhiên cứu sao cho có hệ thống. Trung ương, tỉnh Lào Cai không khuyến khích các nhà đầu tư khai thác khoáng sản có tầm nhìn ngắn hạn, sử dụng công nghệ lạc hậu, quy mô khai thác manh mún, nhỏ lẻ mang tính tận thu, đe dọa tính bền vững của tỉnh. Phát triển công nghiệp được quy hoạch và ưu tiên phát triển một cách hợp lý để tránh làm tổn hại đến các ngành kinh tế khác, đặc biệt là du lịch. Bảo đảm hài hòa, bền vững 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường.
Tôi cũng nhấn mạnh tiềm năng ngành nông nghiệp của Lào Cai với nhiều loại cây trồng, cây ăn quả đặc sắc có giá trị thu nhập cao, nhưng hiện nay còn thấp, các nhà đầu tư hoàn toàn có thể nâng lên 200 - 300 triệu đồng/ha. Đây là lĩnh vực liên quan rất lớn đến người dân, tôi đề nghị tỉnh Lào Cai cần đẩy mạnh hơn nữa thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Lào Cai cần phải triển nông nghiệp trên nền tảng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn sản xuất với chế biến, hình thành chuối sản xuất liên kết bền vững.
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là thế mạnh mà Lào Cai hướng đến.
Lào Cai có tiềm năng về kinh tế cửa khẩu, có thể xây dựng trung tâm logistics, trung tâm buôn bán giao lưu quốc tế cùng với du lịch quốc tế. Chính phủ tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng và cơ chế chính sách để đưa Lào Cai trở thành trung tâm thương mại, du lịch quốc tế.
Đặc biệt, với tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai được mở rộng và sắp tới đây dự án sân bay Lào Cai được đánh giá khả thi kinh tế, được triển khai, những lợi ích mang lại trong việc khơi thông các tiềm năng phát triển của Lào Cai cũng như các tỉnh lân cận sẽ vô cùng lớn. Hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ cũng là điều kiện để Lào Cai kéo các nhà đầu tư tới đây.
Nhiều nhà đầu tư nói với tôi rằng yêu cầu Chính phủ và tỉnh Lào Cai mở rộng tuyến đường từ Lào Cai đi Sa Pa, một trung tâm du lịch như vậy mà đường có hơn 30 km mà đi tới hơn 1 tiếng đồng hồ với độ dốc nguy hiểm. Việc này, cần nghiên cứu để có hình thức đầu tư phù hợp.
Nhân đây tôi có một số chỉ đạo thêm, trước hết là việc huy động sử dụng nhân lực cho đầu tư phát triển, chúng ta đã nói về nguồn nhân lực đáp ứng tối ưu cho phát triển, vì vậy, cần tăng cường cho giáo dục đào tạo, xây dựng trường nội trú, các trường dạy nghề. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã khó, chuyển dịch lao động tại các tỉnh như Lào Cai lại càng khó khăn hơn. Vấn đề tiếp theo là phát triển công nghệ, thương mại điện tử ở Lào Cai phải được quan tâm hơn. Tập trung phát triển doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp địa phương, hôm nay tôi rất vui mừng khi 6,3 tỷ USD vốn đầu tư cam kết hôm nay phần lớn là từ các tập đoàn trong nước. Tỉnh cần quan tâm tới các doanh nghiệp địa phương để làm sao 15.000 hộ kinh doanh cá thể được thúc đẩy, tạo điều kiện trở thành 15.000 doanh nghiệp, cùng với 5.000 doanh nghiệp hiện có, thành lực lượng đông đảo hơn, làm đối tác với các tập đoàn lớn, các đối tác quốc tế góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương.
Môi trường đầu tư kinh doanh cũng cần nhiều nỗ lực để cải cách tốt hơn. Cách đây 10 năm Lào Cai có khẩu hiệu là “Doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển”, chúng ta phải coi thắng lợi của nhà đầu tư, của doanh nghiệp là thành công của chính quyền địa phương. Lào Cai phải phấn đấu, nỗ lực để chỉ số năng lực cạnh tranh tiếp tục được cải thiện theo hướng tốt hơn.
Lào Cai cần chú ý đến bài toán liên kết vùng trong chiến lược phát triển, cả ở cấp độ quốc gia lẫn từng địa phương. Nếu mọi người quan sát trên bản đồ sẽ thấy, các thành phố trung tâm của 3 tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang cùng nằm trên một đường thẳng. Đây là một sự ngẫu nhiên nhưng lại tất nhiên. Điều đó cho thấy một nhu cầu kết nối liên kết tất yếu của các địa phương trong vùng để cùng phát huy các lợi thế cạnh tranh cho không chỉ mỗi địa phương mà còn cho cả vùng.
Đối với các nhà đầu tư, tôi đánh giá cao những nhà đầu tư đến với Lào Cai nói riêng, Tây Bắc và miền núi nói chung, tất cả đều rất đáng trân trọng, bởi vùng đất này tuy tiềm năng rất lớn nhưng ở nhiều nơi, người dân còn khó khăn, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, ví trí địa lý không thuận lợi so với nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước. Vì vậy, mỗi một đồng vốn của nhà đầu tư, mỗi một sinh kế, việc làm được tạo ra cho người dân đều rất quý giá. Bên cạnh mục đích kinh doanh là cả một tấm lòng vì xã hội, vì đồng bào, vì đất nước. Chính phủ và chính quyền địa phương rất trân trọng những nhà đầu tư “lời nói đi đôi với việc làm”. Tôi mong các nhà đầu tư lưu ý hài hòa giữa lợi ích doanh nghiệp với lợi ích người dân, lợi ích Nhà nước. Các nhà đầu tư cùng đồng tâm hiệp lực lên án hành vi gây ô nhiễm môi trường, phá vỡ các giá trị văn hóa dân tộc và lịch sử, sử dụng lao động bất hợp pháp, trốn thuế,… Tất cả những hành vi này đều không được chào đón và sẽ bị xử lý theo quy định.
Tôi khẳng định cam kết của Chính phủ và chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện hỗ trợ hết mực, đồng hành, tạo môi trường đầu tư tốt hơn, kinh tế vĩ mô ổn định hơn, giữ gìn hòa bình, hội nhập quốc tế sâu rộng để nhà đầu tư đến Việt Nam và Lào Cai thuận lợi nhất.
Có thể khẳng định, trong một thời gian ngắn, Lào Cai đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào, phát triển toàn diện từ những thế mạnh của địa phương, có nhiều lĩnh vực đột phá nhất là du lịch, dịch vụ, xã hội hóa đầu tư mạnh mẽ với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, đội ngũ cán bộ trưởng thành, đoàn kết, môi trường đầu tư năng động, văn hóa đồng bào các dân tộc được bảo tồn và phát huy. Đây là những bài học kinh nghiệm để Lào Cai tiếp tục đạt được những thắng lợi trong giai đoạn tới.
Với kết quả đã đạt được trong nhiều nhiệm kỳ qua, với các tiềm năng, lợi thế, cơ đồ đang có hiện nay, tôi tin rằng nếu chúng ta quyết tâm cao thì trong vòng 15 - 20 năm nữa, Lào Cai sẽ là một điểm sáng lớn trên bản đồ kinh tế Việt Nam, một trung tâm thương mại, đầu tư, du lịch của Việt Nam và khu vực, điểm đến hấp dẫn không chỉ của châu Á mà cả thế giới.