Bảo tồn trang phục truyền thống của người Xa Phó

Dù cuộc sống có nhiều đổi thay nhưng phụ nữ Xa Phó ở thôn Nậm Rịa 1, xã Hợp Thành, thành phố Lào Cai vẫn cố gắng bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình, trong đó có trang phục truyền thống.

Gác lại những ồn ào, náo nhiệt của phố thị, chúng tôi về Nậm Rịa 1 khi mùa cốm vẫn còn thơm hương. Chiều thu, nắng ươm màu dịu nhẹ, bên hiên nhà, từng nhóm phụ nữ Xa Phó chăm chỉ, miệt mài với từng đường kim, mũi chỉ trên tấm vải chàm để làm nên bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Phụ nữ Xa Phó ở thôn Nậm Rịa 1 thêu váy, áo bên hiên nhà.

Vừa cần mẫn từng đường kim, chị Đào Thị Xuân vừa giới thiệu cho chúng tôi chất liệu, hoa văn, nét độc đáo trên trang phục của người Xa Phó. Chị kể: Theo truyền thống, con gái Xa Phó từ 13 - 14 tuổi đã được bà, được mẹ chỉ bảo, truyền dạy cho nghề thêu. Theo thời gian, khi đường kim, mũi chỉ thành thạo cũng là lúc họ bắt đầu hành trình thêu, làm nên bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Xa Phó gồm khăn đội đầu, áo và váy. Khăn đội đầu được trang trí các mảng hoa văn hình ô vuông, quả trám, tam giác nhỏ và có thể đính thêm tua len nhiều màu. Tiếp đến là chiếc áo ngắn được trang trí bắt mắt, tạo điểm nhấn trong tổng thể trang phục của phụ nữ Xa Phó. Từ những bàn tay khéo léo, người ta thêu lên tấm vải chàm các họa tiết độc đáo, nhiều màu sắc và đính thêm hạt cườm xen kẽ phía trước. Tay áo cũng được thêu hoa văn để thêm phần mềm mại. Váy được làm với cạp nhỏ, thân được trang trí họa tiết dọc chiều dài của váy với các mảng hoa văn như hình thoi, hình tam giác, hình răng cưa... Do làm thủ công nên để làm được một bộ trang phục truyền thống, phụ nữ Xa Phó mất 1 năm mới hoàn thành.

Chị Xuân tâm sự: Giờ đây, khi cuộc sống có nhiều đổi thay, thế hệ trẻ dần bị cuốn theo nhịp sống mới mà quên đi nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, trong đó có trang phục của phụ nữ Xa Phó.

Từ sự lo lắng nét văn hóa độc đáo này bị mai một theo thời gian, chị Xuân và những phụ nữ trong thôn vẫn miệt mài, dành nhiều thời gian, công sức để truyền dạy nghề thêu cho con cháu trong gia đình và lớp trẻ.

Năm 2014, nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Xa Phó có tên trong số 4 danh mục được công nhận là di sản phi vật thể cấp quốc gia của tỉnh Lào Cai. Đây là niềm vui lớn với đồng bào Xa Phó, đồng thời cũng đặt ra nhiều việc cần làm để nét văn hóa ấy được bảo tồn, vẹn nguyên giá trị cùng thời gian. Góp sức cùng đồng bào Xa Phó cả tỉnh nói chung, phụ nữ Xa Phó ở vùng cao Nậm Rịa 1 vẫn giữ và trao truyền để nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình không mờ phai theo năm tháng.

Theo Quỳnh Trang/LCĐT

Tin Liên Quan

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện 'Nắng trên non'

Ngày 31/10, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện truyền thông “Nắng trên non” tại Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động truyền thông khích lệ tinh thần vượt khó, theo đuổi ước mơ của các em học sinh; lan tỏa thông điệp “Phụ nữ dân...

Phụ nữ giúp phụ nữ

Ở vùng cao Si Ma Cai, phong trào phụ nữ giúp nhau vươn lên trong cuộc sống ngày càng lan tỏa. Họ không chỉ vượt qua định kiến giới mà ngày càng tự tin nắm lấy cơ hội thoát nghèo, cùng thắt chặt sợi dây đoàn kết để tương trợ, giúp đỡ nhau vươn lên trong sản xuất.

Giao lưu giữa thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc

Chiều 30/10, tại Thư viện tỉnh diễn ra Chương trình giao lưu văn nghệ - thể thao chào mừng Hội nghị tổng kết Liên hiệp Thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiệm kỳ 2022 - 2024.

Triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai

Ngày 26/10, Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh tổ chức khai mạc triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai (1/11/1950 - 1/11/2024).

Nhà thơ Dương Soái và câu chuyện nơi ngã ba sông

Chúng tôi đã gặp nhà thơ Dương Soái, tác giả bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” trong một ngày mùa thu nơi ngã ba sông - thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát… Sau 45 năm kể từ khi bài thơ ra đời, nhà thơ Dương Soái mới có dịp trở lại thăm vùng biên giới năm xưa và chia sẻ về cảm hứng để ông viết nên...

Bát Xát bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bát Xát là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lào Cai có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với đa dạng sắc màu văn hóa dân tộc. Đây cũng là địa phương lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể, việc giữ gìn và khai thác, phát huy các giá trị sẽ tích cực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã...