Lào Cai khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Ủy ban nhân dân tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai các giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững theo Nghị quyết 53/NQ-CP ngày 17/7/2019 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Lào Cai.Đến năm 2030, có khoảng 150 doanh nghiệp có hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp hiệu quả
Kế hoạch đặt ra tầm nhìn đến năm 2030 là phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; sản xuất hàng hóa lớn, áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; cải thiện và ngày càng nâng cao đời sống nông dân; xây dựng nông thôn văn minh hiện đại. Doanh nghiệp nông nghiệp được xác định có vai trò là “trụ cột” trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản tỉnh Lào Cai.
Phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 5-5,5%/ năm; tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 16%/năm; có khoảng 150 doanh nghiệp có hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp hiệu quả; trong đó có từ 01 đến 02 doanh nghiệp trở lên có quy mô lớn và 10 đến 15 doanh nghiệp quy mô vừa.
Triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, tỉnh Lào Cai đã đề ra các nhóm giải pháp trọng tâm, đó là:
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo sức hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Trong đó ban hành Danh mục dự án khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai; rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính về thuế không phù hợp; hướng dẫn các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo quy định từ khâu đề xuất chủ trương đầu tư, thông báo giới thiệu địa điểm, cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thủ tục về môi trường, giấy phép xây dựng, đầu tư xây dựng, hoàn công,…để các tổ chức, cá nhân thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện; cân đối nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ cho các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Mùa vàng
Tiếp tục phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bảo đảm phù hợp với nhu cầu thị trường, kế hoạch và chiến lược phát triển ngành nông nghiệp tỉnh Lào Cai. Ưu tiên phát triển những ngành, sản phẩm chủ lực theo ba trục sản phẩm chính (Sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia, sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh và các sản phẩm đặc sản địa phương) của tỉnh Lào Cai. Tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, khắc phục tổn thất sau thu hoạch, có lợi cho nông dân, gia tăng giá trị sản phẩm và tạo ra những ưu thế so sánh nhất định cho sản phẩm nông nghiệp. Phát triển logistics gắn với vùng sản xuất, kinh doanh nông nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp giảm chi phí và thời gian vận chuyển, phân phối sản phẩm. Triển khai chính sách khuyến công, hỗ trợ các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm, chế biến bảo quản nông sản cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
Đổi mới cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến mở rộng thị trường, từng bước chủ động được thị trường. Đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường, qua đó tư vấn, cung cấp cho các doanh nghiệp biết để điều tiết hoạt động phù hợp theo nhu cầu thị trường tránh bị ép giá bán. Triển khai nội dung xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản, nâng cao năng lực phát triển sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường, xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm tại các thị trường trọng điểm.
Triển khai chính sách tín dụng cho các dự án nông nghiệp theo hướng hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp.
Xây dựng, hoàn thiện chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ tiên tiến hiện đại phục vụ sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; khai thác tối đa các cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển nông nghiệp vượt trội, hiệu quả và bền vững. hỗ trợ nâng cao năng lực của các hộ nông dân, hợp tác xã theo hướng sản xuất nông sản sạch, nông sản hữu cơ.
Hoàn thiện cơ chế hoạt động cho thị trường quyền sử dụng đất, tạo cơ chế đồng bộ để thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp phát triển; khẩn trương nghiên cứu cơ chế thí điểm về tích tụ, tập trung ruộng đất, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người nông dân và doanh nghiệp.
Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nông nghiệp. Ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề theo nhu cầu của người sử dụng lao động, gắn đào tạo với địa chỉ sử dụng lao động cụ thể (doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở kinh doanh,...), gắn với các định hướng phát triển dịch vụ - công nghiệp của từng địa phương, gắn với kỹ năng và kinh nghiệm của các làng nghề. Ưu tiên hỗ trợ đào tạo nông dân của các vùng sản xuất trọng điểm quy hoạch; lao động trong trang trại, gia trại; lao động trong doanh nghiệp nông nghiệp, thành viên hợp tác xã. Xây dựng chính sách hợp lý để thu hút các nghệ nhân tham gia đào tạo nghề.
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước theo tinh thần Chính phủ kiến tạo, trao quyền cho thị trường quyết định; nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh nông sản. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào phát triển nông nghiệp thông minh. Nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp. Tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh nông sản thực phẩm. Xây dựng, nhân rộng mô hình thí điểm chợ bảo đảm an toàn thực phẩm và mô hình các cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn. Duy trì và phát triển làng nghề truyền thống, triển khai mô hình điểm kiểm soát an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị kinh doanh thực phẩm. ây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản thực phẩm an toàn; thúc đẩy áp dụng rộng rãi mô hình VietGAP, các mô hình sản xuất an toàn khác và phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn.
Tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất kinh doanh hàng giả nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Phát huy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, đạo đức kinh doanh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường; nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết, nỗ lực chung sức đưa các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Lào Cai nói riêng và của Việt Nam nói chung ra thị trường thế giới. Tăng cường kết nối các doanh nghiệp trong công tác xúc tiến đầu tư các dự án vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Kế hoạch được triển khai sẽ góp phần khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh về đất đai, khí hậu, nguồn nhân lực, tận dụng cơ hội trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và huy động vốn của các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.