Xung quanh việc Nhật-Mỹ ký hiệp định thương mại song phương

Nhật Bản và Mỹ vừa chính thức ký kết hiệp định thương mại song phương được kỳ vọng sẽ đưa những người nông dân Mỹ quay trở lại sân chơi cân bằng với các đối thủ quốc tế thông qua chính sách giảm thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp.

Ảnh; NHK

Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ Sugiyama Shinsuke và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã ký hiệp định này hôm 7/10 (giờ Mỹ), trước sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hai bên ký hiệp định sau khi Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo và Tổng thống Trump đạt được thỏa thuận trong tháng trước.

Theo bản thỏa thuận này, Nhật Bản sẽ xóa bỏ hoặc giảm thuế thêm 7,2 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm của Mỹ, trong đó có lúa mì, lúa mạch, thịt bò và thịt lợn. Năm 2018, Nhật Bản đã nhập khẩu 14,1 tỷ USD các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm của Mỹ, trong đó có 5,2 tỷ USD hàng hóa đã được miễn thuế.

Đổi lại, Mỹ giảm thuế nhập khẩu đối với 40 triệu USD hàng nông sản của Nhật Bản và nới lỏng hạn ngạch nhập khẩu miễn thuế đối với thịt bò của nước này. Trong khi đó, Washington vẫn giữ mức thuế 2,5% với mặt hàng ô tô của Nhật Bản.

Thỏa thuận này cũng bao gồm các cam kết mở cửa thị trường cho 40 tỷ USD thương mại số giữa hai nước.

Hiệp định này được Tổng thống Donald Trump hết lời tán dương. Ông Trump có thể dùng nó để bớt đi sức ép nội bộ, nhất là lo ngại của nông dân Mỹ khi những biện pháp của EU và Trung Quốc đáp trả về thuế quan đều nhằm trực tiếp vào nông phẩm Mỹ. Ông Trump cũng dùng nó để khuếch trương hình ảnh về người luôn thành công trong đàm phán và mang lại cho nước Mỹ những thỏa thuận thương mại mới mà ông cho là có lợi hơn trước rất nhiều.

Tuy nhiên, Matthew Goodman, chuyên gia kinh tế châu Á tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington lại cho rằng, đây không phải là một thỏa thuận có ý nghĩa lớn khi nhìn từ góc độ thương mại, vì nó không chạm đến các mặt hàng lớn nhất trong thương mại song phương giữa Mỹ và Nhật Bản như ô tô và phụ tùng ô tô hoặc khí propan hóa lỏng và linh kiện bán dẫn từ Mỹ.

Mặt khác, những người nông dân trồng lúa của Mỹ sẽ không được hưởng lợi từ thỏa thuận thương mại song phương mới. Với Hiệp định TPP cũ, Nhật Bản sẽ nhập khẩu từ Mỹ khoảng 70.000 tấn gạo mỗi năm và miễn thuế theo hạn ngạch cụ thể, nhưng điều này đã không xuất hiện trong thỏa thuận mới ký kết.

Mặc dù vậy, việc ký kết thỏa thuận thương mại song phương đã giúp Nhật Bản củng cố vai trò đồng minh cũng như đối tác an ninh-thương mại không thể thiếu của Mỹ. Tổng thổng Mỹ đang tạo cho mình một lợi thế nhất định trên bàn đàm phán với mục tiêu là một thỏa thuận toàn diện, tương tự như với Thỏa thuận Thương mại Mỹ, Mexico, Canada (USMCA) hay Hiệp định Thương mại tự do Mỹ-Hàn Quốc.

Đồng thời, qua việc đạt được thỏa thuận với Nhật Bản, Mỹ đang gửi thông điệp ngầm đến EU và đặc biệt là Trung Quốc, khi cuộc đàm phán giữa hai bên chuẩn bị được tiến hành. Tính đến thời điểm hiện tại, trong khi Trung Quốc đang ngày càng không sẵn lòng đối với một thỏa thuận toàn diện, thì việc đàm phán thỏa thuận EU vẫn trong thế bế tắc và có nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến thương mại mới.

Giới nhận định cho rằng, Tổng thống Trump có thể dựa vào thành công của thỏa thuận Mỹ-Nhật để gia tăng sức ép với Trung Quốc. Nếu điều này xảy ra, cuộc gặp tới của hai bên diễn ra vào ngày 10 và 11/10 sắp tới sẽ ít có khả năng thành công.

Florian Hense, một nhà kinh tế thuộc ngân hàng Berenberg (Đức), nhận định, thay vì đối đầu với cả EU và Trung Quốc, Mỹ nên bày tỏ thiện chí và tiến tới chấm dứt cuộc chiến thuế quan. "Thị trường EU và Trung Quốc đều lớn hơn Nhật Bản rất nhiều lần và cả hai đều là đối tác thương mại quan trọng nhất của Mỹ. Đó cũng là hai dòng chảy thương mại song phương lớn nhất thế giới. Đây mới là điều Mỹ nên đặt lên hàng đầu".

 
Theo Báo Chính Phủ

Tin Liên Quan

Chìa khóa của phát triển bền vững

Vốn chịu sức ép từ nhiều cuộc khủng hoảng, nền kinh tế thế giới đang có nguy cơ mắc kẹt trong tình trạng tăng trưởng thấp, khó có thể đáp ứng được các nhu cầu phát triển. Trong bối cảnh này, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) hối thúc các quốc gia, nhất là các nước đang phát...

Xu hướng xanh hóa nông nghiệp ở Bắc Âu và bài học cho nông sản Việt

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, xu hướng phát triển nông nghiệp xanh ngày càng được các quốc gia Bắc Âu thúc đẩy, không chỉ nhằm bảo vệ môi trường mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Với những bước tiến tiên phong trong nông nghiệp bền vững, các nước Bắc Âu như Thụy...

Việt Nam và Canada tăng cường kết nối trong thương mại, đầu tư

Việt Nam tham gia Triển lãm xúc tiến đầu tư quốc tế MIBIExpo với mong muốn thúc đẩy kết nối, đồng thời tạo ra một hệ sinh thái trong hệ thống các hiệp định thương mại tự do sẵn có giữa hai nước.

Việt Nam giữ vững ngôi đầu xuất khẩu gạo vào thị trường Philippines

Theo Thương vụ Việt Nam tại Philippines, đến cuối tháng 10/2024, gạo Việt Nam tiếp tục giữ vị thế chủ lực khi xuất khẩu vào thị trường Philippines, chiếm gần 80% lượng gạo nhập khẩu của quốc gia này.

Khoảng trống trong hệ thống giáo dục toàn cầu

Tình trạng thiếu giáo viên đang kéo theo những tác động tiêu cực đối với hệ thống giáo dục toàn cầu. Liên hợp quốc cảnh báo, nếu khoảng trống này không sớm được lấp đầy, thế giới khó có thể đạt mục tiêu xây dựng nền giáo dục toàn diện, công bằng và chất lượng cho tất cả mọi người.

Nhiều nước châu Á đối phó mưa, bão lớn

Sáng 2/11, tất cả chuyến tàu cao tốc Shinkansen nối giữa Hakata, tây nam Nhật Bản, và thủ đô Tokyo đã tạm dừng do mưa lớn. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cảnh báo, mưa lớn sẽ tiếp tục trút xuống khu vực trong nửa đầu kỳ nghỉ cuối tuần.