Lãnh đạo thế giới cam kết hành động vì mục tiêu phát triển bền vững
Bốn năm sau khi thông qua Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, các nhà lãnh đạo trên thế giới đã kêu gọi “một thập kỷ dành cho hành động tham vọng” để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào năm 2030 và tuyên bố những hành động cụ thể để thúc đẩy chương trình này.Chủ tịch khóa họp lần thứ 74 của Đại hội đồng Liên hợp quốc
Tijjani Muhammad-Bande – người triệu tập Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về SDGs. (Ảnh: UN)
Tại phiên khai mạc của Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về SDGs, ngày 24/9, các nước thành viên Liên hợp quốc đã đồng loạt thông qua một tuyên bố chính trị với lời cam kết huy động tài chính, thúc đẩy sự thực thi và tăng cường thể chế để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững theo đúng thời hạn đã đề ra, không bỏ lại ai ở phía sau.
Chủ tịch khóa họp lần thứ 74 của Đại hội đồng Liên hợp quốc Tijjani Muhammad-Bande – người triệu tập Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về SDGs, ngày 24/9 đánh giá: “Một thập kỷ của hành động chính là cơ hội để chúng ta thực hiện lời cam kết lịch sử về Chương trình nghị sự 2030 và bảo đảm sự chung tay về một trách nhiệm tập thể cũng như hành động toàn cầu. Chúng ta phải hành động – sát cánh cùng nhau, chia sẻ cho tất cả”.
Về phía Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các nước thành viên Liên hợp quốc tôn trọng cam kết và huy động sự chung tay của mọi lĩnh vực xã hội để thực hiện chương trình nghị sự 2030. “Chúng ta phải gia tăng các nỗ lực…Chúng ta cần cùng nhau tiến về phía trước, không bỏ lại ai ở phía sau” – ông Guterres nói.
Trong tuyên bố ngày 24/9, các nước thành viên Liên hợp quốc đã tỏ rõ quyết tâm từ nay đến năm 2030 “chấm dứt nghèo đói ở tất cả mọi nơi; đấu tranh chống lại sự bất bình đẳng trong phạm vi quốc gia và giữa các nước với nhau; xây dựng các xã hội hòa bình, công bằng và toàn diện; tôn trọng, bảo vệ và thực hiện các nghĩa vụ về quyền con người cũng như đạt được mục tiêu bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và các trẻ em gái; bảo đảm sự bảo vệ lâu dài cho hành tinh và các tài nguyên thiên nhiên”.
Cũng trong ngày 24/9, một số nước thành viên Liên hợp quốc đã ra tuyên bố ủng hộ Hội nghị thượng đỉnh về SDGs. Cụ thể, Brazil cam kết giảm 1/3 tỷ lệ tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm vào năm 2030; Phần Lan cam kết đạt mục tiêu trung lập các-bon vào năm 2035 còn Mexico quyết tâm sẽ phổ cập internet tới tất cả mọi đối tượng, gồm cả những người nằm trong các cộng đồng dễ bị tổn thương…
Dự kiến, Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về SDGs sẽ tiếp tục và bế mạc trong ngày hôm nay (25/9).
Năm 2015, các nước thành viên Liên hợp quốc đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững – một chương trình tham vọng hàng đầu để thúc đẩy và bảo đảm sự thịnh vượng cho tất cả mọi người, song song với mục tiêu bảo vệ môi trường.
Bản báo cáo thường niên của Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng như Báo cáo phát triển bền vững toàn cầu do một nhóm các nhà khoa học độc lập công bố trước hội nghị đã cảnh báo rằng, những tiến bộ về chống đói nghèo đang đứng trước nguy cơ bị xóa bỏ do sự bất bình đẳng xã hội ngày càng trở nên nghiêm trọng cũng như những tác động không thể đảo ngược từ hiện tượng biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học.
Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức, từ sự gia tăng nghèo đói, khí thải gây hiệu ứng nhà kính cho tới sự xung đột và bất bình đẳng, Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về SDGs diễn ra trong hai ngày (24-25/9) là cơ hội gắn kết các nhà lãnh đạo trên các nước, các tổ chức quốc tế…cùng chung tay thúc đẩy tham vọng và tạo ra động lực cần thiết để đưa thế giới đi đúng hướng trên con đường đạt được các mục tiêu phát triển bền vững./.