Điều kiện tự nhiên
1. Vị trí địa lý và điều kiện địa hình:
Lào Cai là tỉnh miền núi nằm ở phía Tây Bắc Việt Nam, diện tích tự nhiên 6.364,03 km2. Phía Đông giáp tỉnh Hà Giang, phía Nam giáp tỉnh Yên Bái, phía Tây giáp tỉnh Lai Châu, phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam - Trung Quốc với 182,086 km đường biên giới.
Địa hình của Lào Cai gồm nhiều đồi núi và thung lũng với độ chia cắt sâu, chia cắt ngang, độ dốc rất lớn. Hai dãy núi chính là dãy Hoàng Liên Sơn và dãy Con Voi cùng có hướng Tây Bắc - Đông Nam. Do địa hình chia cắt nên phân đai cao thấp khá rõ ràng, trong đó độ cao từ 300m - 1.000m chiếm phần lớn diện tích toàn tỉnh. Lào Cai là tỉnh có nhiều đỉnh núi cao như: Phu Ta Leng - 3096m, Lang Lung - 2913m, Tả Giàng Phìn - 2850m, đặc biệt Phan Xi Păng là đỉnh cao nhất cả nước 3143m.
2. Đất:
Tài nguyên đất tỉnh Lào Cai rất phong phú và đa dạng, diện tích đất tự nhiên là 636.403 ha. Đất được chia thành 10 nhóm đất chính: đất mùn trên núi, đất mùn - vàng đỏ trên núi, đất đỏ vàng, đất đỏ vàng bị biến đổi do trồng lúa, đất đen, đất bạc màu, đất thung lũng do sản phẩm dốc tụ, đất phù sa, đất lầy…phù hợp với nhiều loại cây trồng khác nhau.
3. Nước:
Tài nguyên nước mặt của Lào Cai chủ yếu tập trung vào một số sông lớn là: sông Hồng (chiều dài trong tỉnh 120 km), sông Chảy (chiều dài trong tỉnh 124 km), Ngòi Nhù (chiều dài trong tỉnh 68 km). Tài nguyên nước dưới đất của Lào Cai khá phong phú, phần lớn tồn tại ở dạng nước ngầm với trữ lượng khoảng 30 triệu m3 (trong đó trữ lượng động là 4,448 triệu m3).
4. Khí hậu:
Do phân hóa về độ cao địa hình, khí hậu của Lào Cai phân hóa thành 7 kiểu và 12 loại sinh khí hậu, phân thành 10 kiểu sinh khí hậu và 43 khoanh vi khí hậu. Có 3 vành đai sinh khí hậu cơ bản và 2 mùa tương đối rõ rệt: Đai khí hậu nhiệt đới (< 700 m, 20 -22 độ C), đai khí hậu á nhiệt đới (700 m -1.800 m, 18 -20 độ C), đai khí hậu ôn đới (> 1.800 m, dưới 15 độ C, vào mùa đông có thể giảm xuống dưới 0 độ C và có băng giá, mưa tuyết); Các vùng tiểu khí hậu gồm: tiểu vùng khí hậu nhiệt đới núi thấp, tiểu vùng khí hậu nhiệt đới núi cao, tiểu vùng khí hậu á nhiệt đới. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10, mùa khô bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.
5. Rừng:
Trong đó, rừng tự nhiên 140.512 ha gồm 60.928 ha rừng kinh doanh, 79.584 ha rừng phòng hộ với 803 ha rừng giàu có tổng trữ lượng gỗ đạt 160,75 m3/ha; 10.982 ha rừng trung bình có trữ lượng gỗ là 139,54 m3/ha.
Vườn quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa) với hệ sinh thái tự nhiên rất phong phú: có có 2.024 loài thực vật thuộc 200 họ, trong đó có 66 loài trong sách đỏ Việt Nam, 32 loài quý hiếm, 11 loài có nguy cơ tuyệt chủng như bách xanh, thiết sam, thông tre, thông đỏ, đinh tùng, dẻ tùngv.v… động vật có 66 loài thú trong đó có 16 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam chim, thú, bò sát, rất nhiều loài động, thực vật đặc biệt quý hiếm, có kho tàng quỹ gen thực vật quý hiếm chiếm 50% số loài thực vật quý hiếm của Việt Nam.
6. Khoáng sản:
Khoáng sản là tài nguyên nổi bật và thế mạnh kinh tế của tỉnh Lào Cai. Các công trình nghiên cứu, tìm kiếm đã phát hiện được 103 điểm quặng, 27 vành phân tán trọng sa, nhiều điểm dị thường phóng xạ. Khoáng sản phong phú về chủng loại, gồm cả khoáng sản kim loại, phi kim loại và nhiên liệu với 31 loại khác nhau, đáng kể nhất là đồng, sắt và apatit.