Trống trong nghi lễ của người Mông ở Mường Khương: Bài 1: Truyền thuyết về chàng Trống - nàng Khèn
Trống trong nghi lễ của người Mông có lịch sử lâu đời gắn liền với tiến trình tồn tại và phát triển của tộc người. Qua lời kể của một số cụ cao tuổi ở La Pan Tẩn (Mường Khương), người Mông sinh sống, lập làng ở đâu, ở đó phải có trống, người ta gọi trống này là trống thiêng hoặc trống ma.Thông qua các truyện cổ như Trống cứu sống hai anh em người Mông trong nạn đại hồng thủy, hoặc truyền thuyết chàng Trống và nàng Khèn, người Mông ở Mường Khương lý giải sự ra đời của trống.
Nghệ nhân ưu tú Hoàng Chúng giới thiệu ý nghĩa, giá trị về trống thiêng của người Mông.
Dựa vào truyền thuyết chàng Trống và nàng Khèn, các bậc cao niên người Mông ở La Pan Tẩn kể lại: “Có hai anh em mồ côi, người anh tên là Krâul, người em tên là Đrual, sống hòa thuận, yêu thương nhau. Người anh lấy vợ, lấy phải người vợ ghê gớm, làm cho tình cảm anh em bị chia rẽ. Hằng ngày, chị dâu sai Đrual đi chăn trâu, áo em rách, bụng em đói, chị chẳng hay. Krâul thương em, nhưng mỗi lần góp ý với vợ, vợ lại gắt, nên anh cũng thôi. Vì thương anh nên Đrual vẫn cố chịu, không ta thán nửa lời. Một hôm đang trông trâu gặm cỏ, Đrual chợt nhìn thấy một con cào cào nằm chết gần đó. Thấy thật tội, giống với phận của mình, Đrual cầm cào cào bọc vào chiếc lá non xanh mềm mại rồi đem chôn ở gốc cây đinh hương. Vừa chôn cào cào, Đrual vừa nói: “Tao cô đơn, mày cũng cô đơn. Thôi thì tao chôn mày ở đây để hằng ngày ra chăn trâu sẽ có mày bầu bạn, chúng mình ngày ngày có nhau, sẽ không cô đơn nữa”. Chôn xong, Đrual ngồi chuyện trò với cào cào cả ngày, đến tối mới dắt trâu về. Trước khi về, Đrual lấy chiếc lá, rót một ít nước đặt cạnh mộ cho hồn cào cào uống.
Cào cào vốn là công chúa, vì yêu thích cảnh đẹp chốn dương gian nên trốn vua cha xuống trần gian chơi. Nàng hóa thành cào cào, hằng ngày bay lượn khắp nơi. Thấy Đrual khôi ngô, tuấn tú nhưng mặc rách rưới, nàng thấy thương và giả chết để thử lòng Đrual. Khi thấy Đrual đối xử với cào cào như thế, nàng động lòng và đến nhà Đrual xem. Khi nghe Đrual tâm sự về cảnh đời của chàng, nàng thấy yêu mến chàng trai hiền lành, tốt bụng và nguyện mãi mãi ở cùng chàng. Thế là hai người bị vua cha hóa thành một cặp trống - khèn: Nàng hóa thành khèn, chàng hóa thành trống để được ở bên nhau mãi mãi”.
Trống ra đời và tồn tại gắn bó mật thiết với chiếc khèn Mông. Trống chỉ được sử dụng khi trong gia đình có tang. Trong bài viết “Đi tìm trống của người Mông”, tác giả Kiều Trung Sơn viết: Cặp trống - khèn còn mang ý nghĩa khác. So với trống, chiếc khèn không phải là nhạc cụ thiêng, bởi thế người sắp chết không chọn trước khèn, mà chọn trống sẽ sử dụng trong đám tang của mình. Khèn là nhạc cụ của sự sống, của tình yêu, không phải như trống là nhạc cụ của cái chết. Vậy mà trống - khèn lại là một cặp, không thể thiếu nhau trong tấu nhạc tang lễ. Phải chăng, đó là một cặp âm - dương (trống biểu tượng cho thế giới âm, khèn biểu tượng cho thế giới dương), trống - khèn hòa tấu tức âm - dương giao hòa. Nghi lễ đưa tiễn một người vừa rời bỏ sự sống để đi vào cõi chết cần một thứ âm nhạc giao thoa âm - dương hòa tấu. Đối với người sống, hầu như những gì gắn với thế giới âm thường là biểu hiện của sự thiêng. Với người Mông, tiếng trống được lựa chọn là nhạc của âm giới. Do đó, trống là nhạc cụ thiêng, chỉ lên tiếng khi có cái chết. Người già chọn chiếc trống sẽ dùng trong đám ma của mình, vì đã từng được nghe và thích tiếng của chiếc trống đó trong những đám ma mà họ tham dự. Như vậy, thầy khèn có thể dùng khèn nào thổi trong đám tang cũng được, nhưng thầy trống chỉ được gõ đúng chiếc trống mà người chết đã dặn trước khi qua đời.
Trống thiêng do người dân tự làm với mục đích phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của gia đình, cộng đồng. Mỗi gia đình trong thôn đều có nghĩa vụ đóng góp tiền để mua nguyên liệu làm trống. Người tham gia làm trống cũng được quy định khác nhau giữa các dòng họ, như dòng họ Thào quy định chỉ những người trong họ mới được tham gia làm trống, ngược lại, một số dòng họ khác cho người ngoài dòng họ tham gia.
Việc “chăm sóc, nuôi giữ” trống thiêng thực hiện chủ yếu theo hình thức cha truyền con nối. Người được lựa chọn là con trai cả hoặc con trai út của gia đình. Người này phải học các tập tục liên quan đến chăm sóc, bảo quản, nghi lễ liên quan đến trống… Một số người Mông cao tuổi thôn Bãi Bằng, xã La Pan Tẩn cho biết, việc “nuôi” trống phải tùy vào “duyên số” của mỗi người. Khi dòng họ không còn người có duyên để “nuôi” trống thì trống sẽ được chuyển sang cho gia đình, dòng họ khác trong thôn đảm nhiệm. Như vậy, trống thiêng của người Mông được “nuôi dưỡng”, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Qua khảo sát tại 15 xã, thị trấn của huyện Mường Khương cho thấy, các dòng họ “nuôi giữ” trống thiêng, gồm họ Cư, Ma, Hầu, Sùng, Giàng, Hoàng, Lù, Hàng, Chấu, Tráng, Lồ, Ngải, Lừu… Trống đã trở thành vật thiêng gắn liền với các nghi lễ tang ma, đưa tiễn linh hồn người chết về với tổ tiên. Trống thiêng của người Mông đến nay vẫn gắn bó mật thiết với đời sống, tín ngưỡng của người Mông.