Ngày mới trên vùng quê cách mạng
Đến xã Cam Đường (thành phố Lào Cai) vào những ngày này, chạy xe trên những con đường bê tông mềm như dải lụa uốn quanh những bản làng trù phú, hương ổi chín từ những khu vườn cây ăn quả thoảng nhẹ trong gió tạo nên khung cảnh yên bình của xã ven đô. Trên mảnh đất này, ngày 10/10/1948, chi bộ nông thôn đầu tiên ở Lào Cai được thành lập và phát động cuộc khởi nghĩa vũ trang Cam Đường vào tháng 12/1948. Từ đó, phong trào đấu tranh lan rộng toàn xã Cam Đường, đến Gia Phú, Xuân Giao… các đội du kích được bí mật thành lập, tích cực chuẩn bị lương thực, vũ khí, tiến lên đấu trang vũ trang giải phóng Lào Cai.
Xã Cam Đường hôm nay. Ảnh: Ngọc Bằng
Phát huy truyền thống cách mạng, sau giải phóng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã Cam Đường đã có nhiều cố gắng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp. Nông dân xã Cam Đường mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang kinh doanh, dịch vụ, sản xuất hàng hóa. Ngày nay, Cam Đường trở thành xã ven đô xinh đẹp với những vườn cây ăn quả sai trĩu, những vườn rau xanh tốt, ao cá được đầu tư thành nơi nghỉ dưỡng lý tưởng mỗi dịp cuối tuần…
Ông Hà Bá Ngọc, Bí thư Đảng ủy xã Cam Đường tâm sự: Quê hương cách mạng Cam Đường hôm nay có nhiều khởi sắc, rõ nét nhất là cuộc chuyển mình tại khu vực nông thôn, diện mạo hoàn toàn mới, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc với tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,75%. Để có ngày hôm nay, không thể không nhắc đến sự hy sinh, sự đấu tranh của những người đi trước. Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, chúng tôi luôn quan tâm đến việc giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ thông qua những buổi sinh hoạt ngoại khóa của các nhà trường, cuộc thi tìm hiểu về lịch sử Đảng bộ xã, lưu giữ những mốc son lịch sử, tư liệu quý… Tình yêu quê hương, đất nước sẽ trở thành động lực lớn để thế hệ sau xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Tạm biệt xã Cam Đường, chúng tôi đến xã Thanh Phú, là địa bàn hoạt động cách mạng trọng điểm của huyện Sa Pa trong kháng chiến chống Pháp. Theo giới thiệu của cán bộ xã, tôi đến gặp ông Trần Văn Dẻn, đảng viên hơn 50 năm tuổi Đảng ở thôn Mường Bo, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Thanh Phú. Ông Dẻn là đảng viên nhiều tuổi Đảng nhất ở địa phương, cũng là nhân chứng sống cho những cuộc kháng chiến vệ quốc tại xã Mường Bo lúc bấy giờ (nay là xã Thanh Phú). Ông Dẻn năm nay đã 86 tuổi nhưng vẫn khỏe và minh mẫn, nhớ rõ những năm tháng hào hùng và kể lại chi tiết như chuyện mới xảy ra ngày hôm qua.
“Pháp cho quân nhảy dù xuống Sa Pa vào đúng mùa giáp hạt, lúc người dân đang đói nhất, phát lương thực, phát súng cho thanh niên trên 16 tuổi nhằm “thổ phỉ hóa nhân dân”, kêu gọi nhân dân chống lại bộ đội. Người dân yêu nước cùng cán bộ cách mạng trải qua những năm tháng thăng trầm, cùng chiến đấu, cùng hy sinh để bảo vệ từng tấc đất của quê hương. Thanh Phú từng trải qua 2 lần cháy làng (1 lần năm 1947 do giặc Pháp đốt, 1 lần vào năm 1980 do người dân sơ ý) nên nghèo vô cùng. Có những năm phải lên rừng đào sắn, đào củ mài để ăn, có những năm phải vay huyện 30 tấn gạo để cứu đói”, ông Dẻn nhớ lại.
Dừng lời, ông Dẻn quay sang hỏi vợ mình:
- Bà kết nạp Đảng năm bao nhiêu ấy nhỉ? Già rồi tự nhiên không nhớ được nữa.
- Năm 1967, lúc còn đi dạy học, tham gia cả Đoàn thanh niên của xã - bà Nông Thị Hảo, vợ ông Dẻn đáp.
- Đấy, bà ấy là một trong 4 đảng viên nữ đầu tiên của xã khi đó, cùng nhân dân trong xã trải qua đủ những đắng cay, thăng trầm của lịch sử - ông Dẻn quay sang nói với chúng tôi đầy tự hào.
- Giờ thì Đảng bộ Thanh Phú nhiều đảng viên lắm, đảng viên nữ cũng đông, chỉ đứng sau thị trấn Sa Pa thôi đấy - bà Hảo nói thêm.
Ông Trần Văn Dẻn và bà Nông Thị Hảo ôn lại kỷ niệm những năm tháng kháng chiến gian khổ.
Bà Nông Thị Hảo sinh ra và lớn lên tại xã Thanh Phú rồi kết hôn với một người trong xã. Năm 1968, khi bà mang thai đến tháng thứ 6 thì chồng bà đi bộ đội tại chiến trường miền Nam và hy sinh. Bà Hảo kể: “Ngày ấy nghèo, sáng dậy sớm nấu cơm, ăn bữa sáng rồi gói cơm đi đường ròng rã cả ngày trời mới đến thị trấn Sa Pa rồi từ đó xếp hàng đợi xe để xuống Lào Cai hỏi thăm tin tức của chồng mà biệt vô âm tín. Thời gian dài sau đó, gia đình mới nhận được giấy báo tử kèm theo một bộ quần áo cũ để làm kỷ vật, cha không biết mặt con, con chẳng biết mặt cha”.
Sự mất mát ấy khiến người phụ nữ trẻ trở nên kiên cường hơn. Tình yêu quê hương, đất nước càng thêm mãnh liệt nên bà dành trọn tuổi thanh xuân phục vụ cách mạng tại địa phương với nhiều vai trò, vị trí khác nhau. Sau này, trong quá trình công tác, bà quen và kết hôn với ông Dẻn...
Trở lại câu chuyện của mình, ông Dẻn kể lại cho chúng tôi nghe về những trận đánh du kích, đi tiễu phỉ, kêu gọi thổ phỉ ra hàng, kể về sự hy sinh của đồng đội, của nhân dân trong xã với những hố chôn tập thể, với nước mắt của những người con lên Thanh Phú để tìm hài cốt của cha nhưng chỉ có thể đem về một nắm đất… “Hòa bình được trả giá bằng xương máu, bằng nước mắt của nhân dân, sự hy sinh ấy thế hệ trẻ cần phải ghi nhớ và kế thừa, xây dựng quê hương ngày càng phát triển để sự hy sinh thực sự có nghĩa”, ông Dẻn nhắn nhủ.
Tạm biệt ông Dẻn khi nắng chiều làm những ruộng lúa nếp Mường Bo đặc sản đang thì chắc hạt, cao ngang mặt người thoảng hương nhè nhẹ. Tiếng suối róc rách chảy bên những con đường bê tông, những nếp nhà khang trang hiện màu no ấm vẽ nên một bức tranh đầy màu sắc trên chính mảnh đất bị tàn phá bởi đạn bom chiến tranh năm xưa. Thế hệ những người kế thừa đã tạo nên một cuộc chuyển mình, đưa Thanh Phú từ một xã nghèo trở thành một trong những xã phát triển mạnh, chuẩn bị “về đích” trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Không chỉ là “cái nôi” của những cuộc kháng chiến bảo vệ quê hương, góp phần giải phóng đất nước, những vùng quê cách mạng luôn trở thành “lá cờ đầu” trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Dù “lá rụng về cội”, những nhân chứng sống của những cuộc kháng chiến trường kỳ chẳng còn nhiều nhưng lịch sử là dòng chảy sống mãi. Lịch sử vẻ vang tại những vùng quê cách mạng được lớp lớp thế hệ sau kế thừa, viết tiếp những trang hào hùng về những ngày mới đổi thay, phát triển.