Đổi mới trên quê hương cách mạng
Những ngày này, đi đến đâu chúng tôi cũng cảm nhận được không khí thi đua lao động sản xuất của người dân trong tỉnh chào mừng 74 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Đây chính là nét đẹp, ý thức tự giác của mỗi người dân Lào Cai.
Khu đô thị phía Nam thành phố ngày càng sầm uất. Ảnh: Ngọc Bằng
Cũng như nhiều địa phương, nông dân huyện Bảo Thắng vừa trải qua đợt lao đao khi dịch tả lợn châu Phi khiến 7 trong tổng số 15 xã, thị trấn của huyện bị thiệt hại. Theo báo cáo sơ bộ, huyện Bảo Thắng đã phải tiêu hủy 961 con lợn với tổng trọng lượng khoảng 60 tấn, mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách cho các hộ bị thiệt hại gần 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, về tổng thể, ngành chăn nuôi tại huyện trọng điểm Bảo Thắng vẫn duy trì bước phát triển khá, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng trong 6 tháng đầu năm vẫn đạt 18.128 tấn, tương đương 65% kế hoạch năm 2019.
Thống kê trong tháng 8/2017, huyện Bảo Thắng có 252 trang trại chăn nuôi, trong đó 66 trang trại nuôi lợn. Đến tháng 8/2019, con số này đã tăng lên 409 trang trại (tăng 1,62 lần), trong đó có 270 trang trại nuôi lợn (tăng 4 lần); số trang trại chăn nuôi của Bảo Thắng chiếm 72% tổng số trang trại chăn nuôi của toàn tỉnh. Ông Đỗ Hồng Quân, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng cho biết, đến thời điểm này, cơ bản bà con đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Người chăn nuôi đang tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch và tích cực tái cơ cấu đàn bởi giá lợn thịt trên thị trường đang ở mức khá.
Sau “cơn bão rớt giá” kéo dài suốt hơn 2 năm, vừa phục hồi lại gặp bệnh dịch, nhưng với ý chí vươn lên, người chăn nuôi trên địa bàn huyện Bảo Thắng đã vượt qua khó khăn, làm chủ các mô hình sản xuất. Kết quả đó khẳng định sự đúng đắn trong định hướng sản xuất nông nghiệp của huyện, đó là chuyển dịch mạnh cơ cấu từ trồng trọt sang chăn nuôi, củng cố vị thế vùng trọng điểm chăn nuôi của tỉnh cả về sản lượng thịt xuất chuồng và sản xuất con giống...
Tại kỳ họp thứ 10 HĐND thành phố Lào Cai khóa XIX tổ chức giữa tháng 7/2019, các đại biểu đã biểu quyết với tỷ lệ tán thành cao việc dành 100 tỷ đồng xây dựng khu dân cư Làng Thác thuộc vùng quê cách mạng xã Cam Đường. Lý do đầu tư được chính quyền thành phố Lào Cai đưa ra là hiện dân cư ở khu vực Làng Thác phân bố thưa thớt, quỹ đất nông nghiệp đang sử dụng thiếu hiệu quả. Việc đầu tư khu dân cư mới góp phần xây dựng trung tâm xã Cam Đường ngày càng khang trang, hiện đại, đáp ứng yêu cầu quy hoạch đô thị, cải thiện các tiêu chí để thành phố Lào Cai sớm đạt đô thị loại I. Với những dự án đầu tư tương tự, trong tương lai không xa, vùng quê cách mạng Cam Đường vốn thuần nông sẽ đạt tốc độ đô thị hóa nhanh, mạnh hơn, cơ cấu kinh tế chuyển dần sang dịch vụ, thương mại, du lịch và tiểu thủ công nghiệp; đời sống đồng bào các dân tộc địa phương theo đó sẽ được nâng lên.
Bảo Thắng triển khai hiệu quả mô hình canh tác lúa cải tiến.
Và nét đổi mới không chỉ có ở xã Cam Đường mà còn đang diễn ra ở khắp các xã, phường của thành phố Lào Cai anh hùng. Những ngày đầu tháng Tám này, nhân dân các dân tộc trên địa bàn đón tin vui khi thành phố trở thành đơn vị hành chính đầu tiên của tỉnh “về đích” sớm 22/22 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020, trong đó có nhiều chỉ tiêu vượt xa, như chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, thu nhập trung bình của người dân, xây dựng trường chuẩn quốc gia, xây dựng tuyến phố văn minh, thu hút khách du lịch, tỷ lệ giảm nghèo bền vững... Từ năm 2015 đến nay, tăng trưởng kinh tế - xã hội của thành phố Lào Cai đạt trung bình 16%/năm, thu nhập bình quân của người dân tăng từ 60 triệu đồng lên 100 triệu đồng/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2019 ước đạt 12.300 tỷ đồng; thu ngân sách nhà nước đến hết tháng 7 đạt 1.340 tỷ đồng, ước cả năm 2019 đạt 2.200 tỷ đồng…
Định hướng thực hiện nhiệm vụ chính trị trong thời gian tới, đồng chí Mai Đình Định, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố khẳng định: Thành phố sẽ tiếp tục phấn đấu và làm rõ nét hơn vị thế đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch và xây dựng đô thị, cải cách hành chính, xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị, cải thiện mọi mặt đời sống các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.
Huyện Bảo Thắng và thành phố Lào Cai là 2 vùng quê cách mạng điển hình có sự chuyển mình bứt phá, đóng góp vào thành tựu chung của tỉnh trong thời kỳ đất nước tiếp tục đổi mới, hội nhập quốc tế. Xuất phát điểm là tỉnh miền núi, biên giới, bị chiến tranh biên giới năm 1979 tàn phá nặng nề, sau gần 3 thập kỷ kể từ khi tái lập tỉnh, Lào Cai đã làm nên điều kỳ diệu, trở thành điểm sáng của vùng Tây Bắc và trong tương lai không xa sẽ lọt tốp các tỉnh phát triển của cả nước. Đến nay, thu nhập trung bình của người dân Lào Cai đã vượt mức 60 triệu đồng/năm, cao hơn bình quân của cả nước; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2018 đạt 8.368 tỷ đồng, tính từ đầu năm đến nay, con số này đạt gần 5.000 tỷ đồng, dự kiến đến hết năm 2019 sẽ đạt 8.800 tỷ đồng. Trong những năm qua, Lào Cai đã có bước nhảy vọt về cơ cấu kinh tế, trong đó sản xuất công nghiệp được coi là thế đột phá, du lịch và thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa là mũi nhọn. Dự kiến trong năm 2019, giá trị sản xuất công nghiệp của Lào Cai đạt xấp xỉ 1 tỷ USD; kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tiếp tục vượt con số 3 tỷ USD; lượng khách du lịch đến địa phương đạt ngưỡng 4 triệu lượt.
Thành tựu trên minh chứng những chủ trương, chính sách đổi mới, sự vận dụng sáng tạo trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, chính quyền địa phương, góp phần tô thắm bức tranh phát triển toàn diện trên quê hương Lào Cai giàu truyền thống cách mạng.