Lào Cai: Phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông góp phần thu hẹp khoảng cách tiếp cận thông tin giữa các vùng
Kế hoạch phát triển thông tin tỉnh Lào Cai được thực hiện trên các loại hình báo chí, xuất bản, thông tin điện tử và thông tin cơ sở.
Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2025, 90% người dân trên địa bàn tỉnh được tiếp cận báo in (hoặc báo điện tử) phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu. 70% người dân sinh sống ở khu vực biên giới, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh được nghe, xem các kênh phát thanh, kênh truyền hình của quốc gia, của tỉnh; 100% dân số các vùng còn lại được nghe, xem các chương trình này.
Đối với lĩnh vực xuất bản, phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành chỉ tiêu 100% xã, phường có nhà sách, điểm phát hành trên cơ sở kết hợp lồng ghép trong hoạt động của Bưu điện Văn hóa xã, Nhà văn hóa, Thư viện tại địa phương. Phát triển xuất bản phẩm đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung; ưu tiên xuất bản các ấn phẩm có nội dung tuyên truyền các Nghị quyết, Đề án trọng tâm của tỉnh về phát triển công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các quy định pháp luật liên quan đến người dân với tổng số đầu các ấn phẩm được xuất bản đạt được khoảng 100 đầu ấn phẩm/năm.
Đối với lĩnh vực Thông tin điện tử: đảm bảo 100% cơ quan hành chính nhà nước, UBND cấp huyện có cổng/trang TTĐT và mạng xã hội; 100% cơ quan cấp xã có Cổng TTĐT để cung cấp thông tin, triển khai dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4 trên diện rộng cho người dân và doanh nghiệp; thiết lập và hoàn thiện hệ thống thông tin hai chiều giữa chính quyền và người dân làm cho hoạt động của cơ quan nhà nước minh bạch hơn, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Xây dựng trang thông tin điện tử Văn học - Nghệ thuật Lào Cai nhằm giới thiệu đời sống văn học nghệ thuật, quảng bá hình ảnh Lào Cai dưới góc nhìn văn học - nghệ thuật với công chúng trong nước và quốc tế.
Lào Cai phấn đấu đến năm 2025, 100% xã, phường, thị trấn có Đài truyền thanh
Đối với Thông tin cơ sở, phấn đấu 100% cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện được trang bị các thiết bị phục vụ việc số hóa sản xuất chương trình phát thanh; 100% người làm việc tại cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với vị trí việc làm; 100% cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện duy trì tốt hệ thống truyền thanh không dây; 100% cơ sở truyền thanh cấp xã thuộc địa bàn huyện vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tiếp được sóng của cơ sở truyền thanh cấp huyện; 100% xã, phường, thị trấn có Đài truyền thanh; triển khai thí điểm công nghệ truyền thanh qua mạng viễn thông.
Các nhóm giải pháp trọng tâm
Nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin; Xây dựng, nâng cấp hạ tầng thông tin truyền thông; Ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động tuyên truyền; Tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Ban hành cơ chế, chính sách; Hợp tác truyền thông là những nhóm giải pháp trọng tâm được tỉnh Lào Cai đề ra nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch.
Trong đó, nhóm giải pháp về nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin đã chỉ rõ các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường công tác phối hợp, chỉ đạo định hướng thông tin đảm bảo sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, chính xác, kịp thời, tạo sự đồng thuận xã hội. Đồng thời tăng cường sử dụng mạng xã hội trong đối thoại chính quyền và doanh nghiệp, người dân.
Các cơ quan thông tin tuyên truyền cần nâng cao vai trò định hướng, làm chủ thông tin, định hướng dư luận xã hội. Đổi mới hình thức tuyên truyền cơ sở, đảm bảo các hình thức đa dạng, phù hợp với đặc điểm vùng, miền, tập tục, ngôn ngữ của mỗi địa phương. Đổi mới phương thức tuyên truyền, phát huy hơn nữa lợi thế của mạng internet, ưu tiên các giải pháp tiếp cận người dân ở khu vực biên giới, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh nhằm nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, giảm tỷ lệ mất cân đối trong thụ hưởng thông tin giữa các vùng, tạo đồng thuận xã hội.
Ngoài giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, Lào Cai cũng sẽ quan tâm đến việc xây dựng, nâng cấp hạ tầng thông tin truyền thông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai các hoạt động tuyên truyền từ tỉnh đến cơ sở. Trong đó, phát huy ưu thế, vai trò của hệ thống thông tin điện tử hiện có, tăng cường khai thác các tiện ích của mạng xã hội để kết nối với công chúng, truyền thông hai chiều, minh bạch thông tin, tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân để từ đó đáp ứng tốt quyền tiếp cận thông tin của người dân.
Hiện, mạng lưới báo chí của tỉnh Lào Cai phát triển khá toàn diện, hội đủ các loại hình báo chí như: Báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử. Hệ thống truyền thanh cơ sở phát triển tới hầu hết các thôn bản, đáp ứng nhu cầu nâng cao dân trí, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội và nhiệm vụ chính trị của địa phương.