Theo dấu vết khảo cổ (Bài 2)
Từ bao đời nay, trống đồng đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của nền văn hóa Việt, tiêu biểu cho nền văn hóa Đông Sơn và nền văn minh sông Hồng của người Việt cổ thời Hùng Vương dựng nước. Ở Lào Cai, nhiều chiếc trống đồng được tìm thấy sau “giấc ngủ” nghìn năm trong lòng đất, để từ đó, âm vang của trống đồng vang vọng mãi đến hôm nay.Bài 2: Vang vọng âm thanh trống đồng Đông Sơn
Bảo vật quốc gia
Pha Long là xã vùng cao ở “đất thép” Mường Khương. Giờ đây, địa danh này được nhiều người nhắc tới bởi bảo vật quốc gia mới được công nhận được đặt theo tên của vùng đất nơi được tìm thấy: Mặt trống đồng Pha Long.
Mặt trống đồng Pha Long thuộc bộ sưu tập trống đồng Đông Sơn, là đại diện tiêu biểu nhất của nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng khu vực Đông Nam Á. Mặt trống đồng Pha Long đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Dẫn chúng tôi đi chiêm ngưỡng hiện vật, chị Nguyễn Thị Nguyệt, Trưởng phòng Kiểm kê - Bảo quản, Bảo tàng tỉnh giới thiệu: Mặt trống đồng Pha Long có ngôi sao 16 cánh ở chính giữa và các vòng hoa văn trên mặt như hình bông lúa, hình chim lạc, răng cưa, đường tròn chấm dải. Phần tang trống có hoa văn hình thuyền. Đây là những họa tiết tiêu biểu, đặc trưng của nền văn hóa Đông Sơn cách đây hàng nghìn năm.
Mặt trống đồng Pha Long. |
Theo các nhà nghiên cứu, mặt trống đồng Pha Long được xếp vào loại H1 - Heger (theo sự phân loại của học giả F.Hesger người Áo vào năm 1902). Mặt trống có patin xanh ngả xám. Thời điểm được tìm thấy, trống chỉ còn phần mặt và một phần tang. Đề tài trang trí trên mặt trống đẹp và phong phú, phản ánh nhiều nét đặc trưng văn hóa của cư dân Việt cổ.
Ngắm nhìn hiện vật được bảo vệ cẩn thận, nằm lặng lẽ ở một góc trưng bày, ít ai biết rằng nó đã trải qua nhiều hành trình trước khi có mặt ở đây. Sau khi bị vùi dưới lòng đất hàng nghìn năm, mặt trống đồng Pha Long được ông Vàng Dìu Quáng ở xã Pha Long, huyện Mường Khương phát hiện trong khi làm nương và giao lại cho Bảo tàng Hoàng Liên Sơn từ năm 1958. Về sau, khi Bảo tàng Hoàng Liên Sơn tách ra, mặt trống đồng Pha Long được bàn giao lại cho Bảo tàng tỉnh Lào Cai vào năm 1992.
Để chúng tôi có thêm thông tin, chị Nguyễn Thị Nguyệt chia sẻ về một số trống đồng Đông Sơn nổi tiếng được tìm thấy trong cả nước. Theo đó, trống đồng Pha Long có kích thước lớn thứ 3 trong cả nước với đường kính 74 cm, cao 12 cm, xếp sau trống đồng Ngọc Lũ 1 (được tìm thấy ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) và trống đồng Hoàng Hạ (được tìm thấy ở quận Hà Đông, thành phố Hà Nội), cùng có đường kính 79 cm.
Hành trình để được công nhận là bảo vật quốc gia của trống đồng Pha Long cũng kéo dài trong suốt nhiều năm. Sau nhiều lần lập hồ sơ nhưng gặp một số vướng mắc, đến cuối năm 2018, tại Quyết định số 1821 ngày 24/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận bảo vật quốc gia đợt 7, trống đồng Pha Long mới có tên trong danh sách 22 bảo vật quốc gia.
Mặt trống đồng Pha Long được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. |
Nói thêm về bảo vật này, thạc sỹ Bùi Thị Hường, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Mặt trống đồng Pha Long được coi là linh vật của người Việt cổ Lào Cai, giữ vị trí vô cùng quan trọng trong sinh hoạt văn hóa đa dạng. Về cơ bản, trống là một loại nhạc khí được sử dụng trong các lễ hội lớn, lễ hội cầu mùa và còn được coi như một loại chữ tượng hình. Ngoài ra, trống còn là biểu tượng quyền lực của tầng lớp thống trị thời kỳ Hùng Vương dựng nước, là sợi dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại. Hoa văn trên trống đồng giúp ta hiểu hơn về cuộc sống cũng như nét văn hóa tín ngưỡng của người Việt cổ xưa kia.
Báu vật trong lòng đất
Cuối tháng 3/2019, thông tin về việc phát hiện trống đồng cổ trong khi san gạt mặt bằng làm nhà ở của một hộ ở thôn Tả Thàng, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng gây xôn xao dư luận. Những thông tin ban đầu được gói gọn về địa điểm được tìm thấy, kích thước tổng thể của trống, vậy nhưng ít ai biết được, phía sau đó là câu chuyện chứa đựng nhiều công sức của những cán bộ đam mê với khảo cổ trong việc tiếp cận và tiếp nhận hiện vật độc đáo này.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng tỉnh nhớ lại: Ngay khi nhận được thông tin về việc phát hiện trống đồng, cán bộ của Bảo tàng tỉnh đã trực tiếp xuống cơ sở. Tuy nhiên, khi tới nơi, thông tin này bị phủ nhận dù bên lề phong thanh có tin đã có người chụp được ảnh hiện vật và lan ra bên ngoài. Từ sự nhanh nhạy, cẩn trọng trong công việc, các cán bộ đã chia nhau ra khu vực bên ngoài để nghe ngóng tình hình, người thì quan sát xung quanh. Thông qua các biện pháp nghiệp vụ, cán bộ thấy được những thông tin đối lập trong lời kể của các thành viên trong gia đình, cộng với các nguồn thông tin khác đã củng cố thêm niềm tin về cổ vật được tìm thấy là có thật.
Ông Thắng cho biết thêm: Trong nghiên cứu và sưu tầm hiện vật, phương pháp quan sát có ý nghĩa rất quan trọng. Vì vậy, khi tới nhà người dân, các cán bộ đã áp dụng phương pháp này khi đi một vòng xung quanh khu vực san gạt và gần nhà ở của gia đình nhưng không phát hiện được thông tin nào giá trị và khả nghi. Tuy nhiên, khi tới khu vực đổ đất thì phát hiện có màu đất mới, khác hẳn màu đất khu vực xung quanh, gần đó có một chiếc xẻng. Từ sự nhạy bén của những người trong nghề cùng sự phối hợp của lực lượng chức năng trong tuyên truyền, vận động, cuối cùng, hộ này đã thừa nhận về việc tìm thấy hiện vật trong khi san gạt mặt bằng và bàn giao lại cho Bảo tàng tỉnh. Ngoài trống đồng, các cán bộ còn tìm kiếm, thu thập thêm 1 chiếc rìu đồng và một số xương người được chôn cùng trống.
Trống đồng Gia Phú được tìm thấy tháng 3/2019. |
Sau khi tiếp nhận, tạm thời trống được đặt tên là trống đồng Gia Phú. Theo đánh giá bước đầu của cơ quan chuyên môn, trống đồng Gia Phú là một cá thể trống đồng đẹp, thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn (cách ngày nay 2.000 - 2.500 năm). Đây cũng là trống đồng còn tương đối nguyên vẹn được lưu giữ ở Bảo tàng tỉnh tính đến thời điểm này.
Gần đây nhất, vào trung tuần tháng 6/2019, Bảo tàng tỉnh đã mời Phó giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Lân Cường, Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam lên làm việc, bước đầu nghiên cứu di cốt người phát hiện trong trống đồng Gia Phú. Qua tìm hiểu, nghiên cứu đã phát hiện nhiều hiện vật trong trống đồng Gia Phú, gồm: 1 chiếc rìu đồng lưỡi xéo thuộc văn hóa Đông Sơn; di cốt đã bị mủn nát chỉ còn giữ được 1 đoạn xương hàm dưới, 27 chiếc răng của cùng một cá thể trưởng thành. Đặc biệt, đã tìm thấy 5 khuyên tai bằng đá có kích thước khác nhau, tất cả đều có rãnh để luồn vào tai. Đây là lần đầu tiên ngành khảo cổ cả nước phát hiện được khuyên tai trong trống đồng.
Những hiện vật, di vật trong trống đồng Gia Phú có thể là manh nha của nền văn minh Âu Lạc và hệ thống quý tộc đã tồn tại ở Lào Cai. Thạc sỹ Bùi Thị Hường khẳng định: Kết quả ban đầu nghiên cứu di cốt người trong trống đồng Gia Phú sẽ tạo cơ sở cho công tác nghiên cứu, bảo quản, gìn giữ và trưng bày của Bảo tàng tỉnh sau này.
Nghìn năm vang vọng
Ngoài bảo vật quốc gia mới được công nhận và gần đây nhất là việc tìm thấy chiếc trống đồng ở xã Gia Phú, Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ 37 chiếc trống đồng Đông Sơn, trong đó có 4 - 5 chiếc còn tương đối nguyên vẹn, số còn lại có khi chỉ là một phần của trống, nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng của thời kỳ Đông Sơn bởi chất liệu, họa tiết trên đó.
Năm 1992, Bảo tàng tỉnh Lào Cai tiếp nhận 4 chiếc trống từ Bảo tàng tỉnh Hoàng Liên Sơn. Năm 1993, trong khi san gạt, xây dựng một số công trình, người ta đã phát hiện thêm nhiều trống đồng ở thành phố Lào Cai. Từ đó đến nay, số lượng trống đồng được tìm thấy trên địa bàn tỉnh tăng lên. Trống đồng được phát hiện và tìm thấy ở các địa phương: Mường Khương (1 trống), Văn Bàn (1 trống), Bát Xát (2 trống), số còn lại ở thành phố Lào Cai.
Theo Thạc sỹ Bùi Thị Hường, mỗi hiện vật đều mang trong mình những giá trị riêng, trống đồng Đông Sơn cũng không ngoại lệ. Việc tìm thấy trống đồng Đông Sơn ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh góp phần khẳng định sự phát triển lâu đời của cư dân Lạc Việt cổ ở vùng biên cương phía Bắc Tổ quốc. Những giá trị và hành trình “thức giấc” của những báu vật hàng nghìn năm tuổi ẩn chứa bao điều thiêng liêng, kỳ thú để những chuyên gia và những người đam mê khảo cổ cùng nghiên cứu, tìm tòi và đánh giá.