Những kết quả tích cực sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 07/9/2009, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”. Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa của chính sách bảo hiểm y tế của người dân ngày càng được nâng cao, góp phần tích cực trong việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế và tăng tỷ lệ bao phủ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức khám chữa bệnh tại cơ sở


Bảo hiểm y tế là một chính sách xã hội quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, được Ðảng, Nhà nước và chính quyền địa phương hết sức coi trọng và luôn đề cao trong hệ thống chính sách an sinh xã hội. Căn cứ đặc điểm, tình hình thực tiễn của tỉnh, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân,Ủy ban nhân dân tỉnh đã bàn hành các văn bản điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ, giải pháp, chính sách thiết thực, phù hợp với cơ quan, đơn vị, vùng miền, đối tượng người tham gia bảo hiểm y tế. Minh chứng dễ thấy nhất đó là các cấp chính quyền đã ban hành các Chỉ thị, Nghị quyết quan trọng về vấn đề này như: Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 28/11/2011 về tăng cường thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế; Chương trình hành động 119-Ctr/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế giai đoạn 2012-2020; Nghị quyết 08/2018/NQ-HĐND ngày 21/6/2018 quy định mức hỗ trợ kinh phí mua thẻ Bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2020; Quyết định 4365/QĐ-UBND ngày 24/12/2009 phê duyệt mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên,… Có thể thấy công tác bảo hiểm y tế đã huy động ngày càng mạnh mẽ sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện, làm cho chính sách bảo hiểm y tế ngày càng phát huy được vai trò, hiệu quả đối với đời sống người dân. Qua đó, khẳng định Chỉ thị số 38-CT/TW là chủ trương lớn của Đảng, hợp lòng dân, làm thay đổi và chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của cán bộ, đảng viên, các cấp, các ngành cũng như người dân trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế.

Để chính sách về bảo hiểm y tế được triển khai sâu rộng đến người dân, tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về Chị thị 38-CT/TW, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, công tác tuyên truyền được kết hợp đồng bộ, tổ chức thường xuyên, có sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các sở, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp. Các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng các chuyên mục, phóng sự tuyên truyền về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; tổ chức các hội nghị, mít tinh, tuyên truyền, hưởng ứng Ngày thầy thuốc Việt Nam, tổ chức các đoàn khám chữa bệnh tại các địa phương,... Các mục tiêu, nhiệm vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được lồng ghép trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các tiêu chí về khắc phục các tập tục lạc hậu (cúng ma, mê tín,...) chữa bệnh của người địa phương; khi có bệnh đến các cơ sở y tế để khám chữa bệnh, nhất là khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được đưa vào các hương ước, quy ước của thôn, bản làm cơ sở cho người dân thực hiện. Thông qua công tác tuyên truyền đã giúp các cấp, các ngành, cộng đồng nâng cao nhận thức, trách nhiệm về khám chữa bệnh nói chung và khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nói riêng.

Việc quản lý quỹ bảo hiểm y tế được thực hiện thông qua công tác giám định bảo hiểm y tế. Hệ thống cán bộ giám định bảo hiểm y tế được bố trí từ tỉnh đến huyện. Đội ngũ cán bộ làm công tác giám định luôn bám sát các đơn vị được phân công để phối hợp với nhân viên y tế kiểm tra, hướng dẫn người bệnh thực hiện đúng, đủ các thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh tại cơ sở, đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân bảo hiểm y tế. Đồng thời, Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế điện tử được liên thông với 100% cơ sở khám chữa bệnh từ tuyến xã đến tuyến tỉnh giúp lưu thông dữ liệu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế hằng ngày giữa cơ sở y tế và cơ quan Bảo hiểm xã hội, giúp cơ sở khám chữa bệnh thuận lợi trong việc tra cứu lịch sử khám chữa bệnh của bệnh nhân bảo hiểm y tế, hạn chế tình trạng kê trùng lặp các loại thuốc, kịp thời ngăn chặn trường hợp lạm dụng, trục lợi như đi khám chữa bệnh tại nhiều cơ sở khác nhau trong cùng một thời điểm trên cùng địa bàn; giúp các giám định viên thống kê, phân tích dữ liệu nhanh, chính xác, do đó kịp thời phát hiện sự gia tăng bất thường về chi phí bảo hiểm y tế như gia tăng xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, tỷ lệ điều trị nội trú của từng khoa, phòng, bình quân ngày giường điều trị nội trú.... nâng cao hiệu quả công tác giám định bảo hiểm y tế và quản lý tốt quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định.

Công tác nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là một trong những khâu quan trọng nhất trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế. Nhân lực y tế được cải thiện, đến hết năm 2018 toàn tỉnh có trên 4.800 cán bộ y tế. Các trang thiết bị được đầu tư hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng trong việc chuẩn đoán, điều trị cho người bệnh. Cơ quan y tế đã cải tiến quy trình khám bệnh, xây dựng quy trình hướng dẫn lấy số tự động vào bàn đăng nhập thủ tục hành chính và phát số khám, bàn khám phù hợp với bệnh; củng cố, sắp xếp lại các khoa, phòng theo Thông tư số 37/TT-BYT ngày 25/10/2016 tăng cường nhân lực tại các khâu tiếp đón, khám bệnh, lấy mẫu xét nghiệm, thu viện phí, cấp phát thuốc... Phối hợp chặt chẽ giữa bộ phận tiếp đón với bộ phận thu viện phí và hướng dẫn người bệnh các thủ tục bảo hiểm y tế. Công khai thời gian khám bệnh, quy trình khám bệnh, bảng giá viện phí, đối tượng ưu tiên, có sơ đồ các khoa khám, chữa bệnh... Đồng thời xây dựng phương án linh hoạt khi lưu lượng người bệnh đến khám tăng đột biến để hỗ trợ điều trị, khám bệnh, không để người bệnh phải chờ đợi lâu. Khám chữa bệnh thông tuyến huyện, khám cho các đối tượng bảo hiểm y tế và trẻ em dưới 6 tuổi được triển khai kịp thời. Tinh thần thái độ phục vụ người bệnh tốt, không để xảy ra sai sót trong chuyên môn, đảm bảo công tác thường trực và cấp cứu 24/24h. Những năm gần đây việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh đã tạo điều kiện thuận lợi giúp người tham gia bảo hiểm y tế tiếp cận các dịch vụ dễ dàng và thuận tiện hơn. Công tác khám chữa bênh bảo hiểm y tế được triển khai thực hiện từ tuyến xã, quy định về thông tuyến huyện đã góp phần đảm bảo đầy đủ quyền lợi, chính sách bảo hiểm y tế của người dân trên địa bàn.



Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tại cơ sở


Với những giải pháp hiệu quả để thực hiện mục tiêu bao phủ bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh, đến nay tổng số người tham gia bảo hiểm y tế tăng nhanh, đặc biệt từ năm 2015 khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực, nhiều quy định mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế nhằm thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Năm 2009 số người tham gia bảo hiểm y tế đạt 16,46% thì từ năm 2015 đến năm 2018 tỷ lệ bao phủ  bảo hiểm y tế đều đạt trên 98,5%, đạt chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế được giao. Trong đó, đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình tăng từng năm. Năm 2009 số người tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện theo hộ gia đình chỉ chiếm 3,09% tổng số người tham gia bảo hiểm y tế thì tỷ lệ này năm 2015 tăng lên 4,5% và năm 2018 đã tăng lên 6,29%. Chi phí chi trả cho người có thẻ bảo hiểm y tế từ nguồn kinh phí quỹ bảo hiểm y tế cũng tăng dần hằng năm, chi phí cho khám chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2018 bằng 5,5 lần so với chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của năm 2010, đó là minh chứng cho sự tham gia và nhận thức của người dân trong toàn tỉnh về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã được nâng lên rõ rệt.

Công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế luôn được quan tâm chỉ đạo và thực hiện tốt, số lượt khám chữa bệnh qua các năm. Năm 2009, số người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế mới gần 900.000 lượt (trong đó bảo hiểm y tế người nghèo đạt trên 500.000 lượt và trẻ em dưới 6 tuổi đạt gần 250.000 lượt) thì đến năm 2018 đã có trên 1.100.000 lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (trong đó bảo  hiểm người nghèo và dân tộc khoảng trên 400.000 lượt và trẻ em dưới 6 tuổi đạt gần 200.000 lượt).

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới theo Chỉ thị số 38-CT/TW, đồng thời phát huy những kết quả đã đạt được tỉnh Lào Cai đã xác định tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách bảo hiểm y tế; nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, bảo đảm quyền lợi và đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người tham gia bảo hiểm y tế; nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ thầy thuốc, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác bảo hiểm y tế tại địa phương; quản lý tốt quỹ bảo hiểm y tế, kiểm soát, giám định sử dụng quỹ bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, đổi mới phương thức thanh toán, triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giám định bảo hiểm y tế./.

Lan Anh

Tin Liên Quan

Hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024

Sáng 1/11, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024. Hội nghị do đồng chí Phùng Nam Trung, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì.

Lào Cai có 1 dự án vào chung kết Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn" năm 2024

Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2024 dành cho các bạn trẻ từ 18 - 35 tuổi do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, có sự tham gia của 63 tỉnh, thành đoàn trên cả nước.

Chính sách việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi ở Lào Cai

Ngày 26/10/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 417/KH-UBND về việc triển khai thực hiện chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Lào Cai: Bước chuyển mình trong hành trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số

Trong những năm gần đây, tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, không chỉ để nâng cao chất lượng sống của người dân mà còn hướng tới mục tiêu xây dựng một nền kinh tế số bền vững. Với sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng viễn thông, mở rộng dịch vụ công trực tuyến và hỗ trợ doanh...

Lào Cai: Điểm sáng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Trong giai đoạn 2022-2024, tỉnh Lào Cai đã triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL). Những nỗ lực từ cấp lãnh đạo đến các cấp cơ sở đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, đặc biệt tại các khu vực khó khăn và biên giới.

Tỉnh Lào Cai tăng cường phát triển nguồn nhân lực

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá góp phần tạo nền tảng quan trọng để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉnh Lào Cai đang đi đúng hướng trong việc phát triển, đào tạo nguồn nhân lực nhằm xây dựng nền kinh tế bền vững, tạo ra nhiều cơ hội...