Lào Cai: Đào tạo nghề gắn với nhu cầu xã hội
Chỉ trong một ngày, một cơ sở đào tạo nghề nhận được 5 đề nghị tuyển dụng của các doanh nghiệp với mức lương hấp dẫn. Điều đáng nói là đề nghị tuyển cả sinh viên đang theo học. Điều này phản ánh rõ ràng rằng các doanh nghiệp đang “khát” nhân lực được đào tạo. Các cơ sở đào tạo nghề đang đẩy mạnh hoạt động gắn kết với doanh nghiệp như một xu hướng tất yếu.Ngành du lịch, điện - điện tử, cơ khí, ô tô, xây dựng đang "khát" nhân lực được đào tạo chất lượng.
Lào Cai hiện có 43 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 2 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp, 14 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 1 trung tâm giới thiệu việc làm có chức năng giáo dục nghề nghiệp và trên 24 cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Công tác đào tạo nghề đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường lao động.
Để giải “bài toán” đầu ra cho học viên, Lào Cai đang đẩy mạnh mô hình gắn kết 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp. Mô hình này bắt đầu hình thành và vận hành khá tốt trong thực tiễn. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động hơn, thuận lợi hơn khi tìm đến doanh nghiệp để ký kết hợp đồng đào tạo; các doanh nghiệp đã tích cực hơn trong việc tiếp cận, tìm đến các nhà trường để tuyển dụng lao động và đặt hàng đào tạo. Qua đó, đã có sự kết nối giữa cung và cầu, mở ra cơ hội việc làm cho nhiều học viên theo học. Trường Cao đẳng Lào Cai, một trong những cơ sở đào tạo nghề trong những tháng vừa qua đã liên tục nhận được yêu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp thuộc các ngành du lịch, điện - điện tử, cơ khí, ô tô, xây dựng,… Theo ông Hoàng Quang Đạt – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lào Cai cho biết: Hơn 80% học sinh, sinh viên tốt nghiệp tại trường có việc làm ổn định với mức lương 6-10 triệu đồng/tháng. Mới đây nhất, một Công ty đào tạo và cung ứng nhân lực tại Hà Nội đã ký với Trường để tuyển chọn 290 chỉ tiêu đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, Hàn Quốc với mức thu nhập từ 200 triệu đến 400 triệu đồng/năm.
Sau 3 năm triển khai Đề án đào tạo nghề giai đoạn 2016 - 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đào tạo gần 30.000 học viên từ trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên đến trung cấp và cao đẳng. Theo bà Đinh Thị Hưng – Giám đốc Sở Lao động- TBXH tỉnh Lào Cai cho biết: “Theo đánh giá khảo sát sau đào tạo, 90% học viên đã có thể áp dụng những kiến thức học được trong nhà trường vào thực tế công việc để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống”.
Các học viên đang theo học lớp Kế toán tại Trường Cao đẳng Lào Cai.
Giải pháp đào tạo nghề theo địa chỉ cũng đang được Lào Cai triển khai hiệu quả. Phương hướng đào tạo này đang cho thấy những hiệu quả tích cực, vừa tạo động lực cho các cơ sở đào tạo, vừa đảm bảo đầu ra cho học viên, vừa đáp ứng đúng và trúng nhu cầu của doanh nghiệp.
Năm 2019, Lào Cai đã ký kết biên bản ghi nhớ triển khai Chương trình hợp tác với Trung tâm đào tạo hàng không về tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm cho người lao động của tỉnh trong lĩnh vực hàng không; Chương trình đào tạo hơn 370 lao động phục vụ cho dự án mở rộng và nâng cấp công suất Nhà máy Luyện đồng Lào Cai tại xã Bản Qua, huyện Bát Xát,…tổ chức đối thoại với doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ để thống nhất nhu cầu đào tạo nghề gắn với việc làm của tỉnh. Thông qua các Hiệp hội doanh nghiệp và Hội doanh nhân trẻ tỉnh Lào Cai để nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động thực tế của doanh nghiệp và thị trường để có tham mưu phù hợp trong công tác đặt hàng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Đẩy mạnh công tác phối hợp để các doanh nghiệp cam kết sử dụng lao động sau đào tạo; hỗ trợ các cơ sở dạy nghề những kỹ sư, chuyên gia, người lao động có tay nghề cao tham gia vào quá trình giảng dạy.
Để đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cho nhu cầu phát triển của địa phương, Lào Cai đang tập trung triển khai Chiến lược phát triển Trường Cao đẳng Lào Cai giai đoạn 2019 - 2025, tầm nhìn đến 2030 nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng Trường Cao đẳng Lào Cai trở thành một trong 80 trường chất lượng cao trong hệ thống giáo dục của cả nước.
Chủ động, linh hoạt lựa chọn ngành nghề, mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với điều kiện, thế mạnh của địa phương, gắn đào tạo nghề với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường,… là hướng đi đã và đang giúp công tác dạy nghề trên địa bàn tỉnh Lào Cai có những chuyển biến rõ nét, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế gia đình và kinh tế địa phương./.