Nguy cơ chiến tranh Mỹ - Iran
Ngày 20/6, Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận thông tin một máy bay do thám không người lái của nước này đã bị Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran bắn hạ khi đang di chuyển trên khu vực không phận quốc tế tại Eo biển Hormuz ngày 19/6. Phía Mỹ cho rằng đây là vụ tấn công vô cớ vì khi bị bắn hạ, máy bay của nước này ở không phận quốc tế. Trước đó, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran thông báo đã bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ khi chiếc máy bay này bay vào không phận Iran.
Những mảnh vỡ được cho là của máy bay không người lái Mỹ bị tên lửa Iran bắn hạ,
được trưng bày tại Tehran ngày 21/6. (Ảnh: Reuters)
Sự việc trên xảy ra trong bối cảnh căng thẳng ngày càng leo thang giữa Iran và Mỹ, sau quyết định của Tổng thống Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết giữa Tehran với nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) năm 2015 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran. Nguy cơ đối đầu quân sự giữa hai nước gia tăng sau khi Washington cáo buộc Tehran thực hiện vụ tấn công hai tàu chở dầu trên Vịnh Oman vào tuần trước và việc mới đây Iran đã đưa ra tuyên bố về việc đẩy mạnh hoạt động làm giàu urani của nước này. Mỹ đã thông báo điều thêm 1.000 quân tới Trung Đông nhằm gây sức ép đối với Iran.
Ngày 21/6, Tổng thống Mỹ D.Trump cho biết ông đã thông qua quyết định tấn công quân sự Iran, nhưng sau đó đã rút lại quyết định chỉ 10 phút trước khi diễn ra cuộc không kích, vì cho đây là sự đáp trả không tương xứng đối với vụ bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ. Ông D.Trump cũng cho biết các biện pháp trừng phạt bổ sung đã được áp đặt đối với Iran.
Phía Iran đã cảnh báo Mỹ rằng bất kỳ hành động gây hấn nào nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo này đều để lại những hậu quả hết sức nghiêm trọng đối với những lợi ích của Mỹ tại khu vực Trung Đông. Trong khi đó, truyền thông Mỹ cho biết trong tuần này Washington đã tiến hành tấn công mạng nhằm vào các hệ thống kiểm soát tên lửa và một mạng lưới do thám của Iran.
Phát biểu với báo giới ngày 22/6, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ), ông Stephane Dujarric cho biết thông điệp của TTK LHQ Antonio Guterres gửi tới các bên liên quan là tránh làm bất kỳ điều gì có thể làm gia tăng căng thẳng. Hiện TTK Guterres đang theo dõi chặt chẽ tình hình và đã liên lạc với các bên ở nhiều cấp độ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu chiến dịch vận động tái tranh cử
Ngày 18/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắt đầu chiến dịch vận động tái tranh cử tổng thống 2020 tại một sân vận động của thành phố Orlando, bang Florida.
Ông Donald Trump bắt đầu chiến dịch vận động tái tranh cử
tổng thống tại Orlando, Florida, Mỹ ngày 18/6. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Sự kiện này đã thu hút sự tham gia của 20.000 người ủng hộ ông. Phát biểu trước đám đông người ủng hộ, đương kim Tổng thống Mỹ tiếp tục đưa ra cam kết tiếp tục tạo dựng nền tảng để xây dựng nước Mỹ lớn mạnh hơn nữa.
Trước sự kiện này, ông Trump đã đưa ra một loạt những tuyên bố thể hiện quan điểm ủng hộ chủ nghĩa dân tộc và dân túy của mình. Trong tuyên bố sáng 18/6, ông Trump đã chỉ trích Liên minh châu Âu về cái là ông cho là thao túng tiền tệ dẫn đến thương mại bất bình đẳng giữa Mỹ và các nước đối tác châu Âu. Vấn đề người di cư có thể tiếp tục là trọng tâm chính trong chính sách của nhà lãnh đạo Mỹ.
Ông Trump tuyên bố ông muốn trục xuất hàng triệu người di cư phi pháp. Ông cho biết Washington và Mexico sẽ tiến hành vòng đàm phán mới về vấn đề di cư trong tuần tới.
Ông Trump lựa chọn bang Florida mở đầu chiến dịch vận động tái tranh cử bởi đây là bang bầu cử quan trọng có tính quyết định sự thắng, thua của ông trước ứng cử viên của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.
Trung Quốc cam kết bảo vệ lợi ích của Triều Tiên trong đàm phán hạt nhân
Trung Quốc sẽ thúc đẩy đối thoại bình đẳng giữa Mỹ và Triều Tiên về vấn đề phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên và sẽ bảo vệ lợi ích của Bình Nhưỡng trong quá trình đàm phán. Tuyên bố trên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã được tờ Nhân dân nhật báo của Trung Quốc và tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên đăng tải ngày 20/6 nhân chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc tới quốc gia láng giềng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái)
tại lễ đón ở Bình Nhưỡng ngày 20/6. (Ảnh: THX/TTXVN)
Nhà lãnh đạo Trung Quốc cho biết Bắc Kinh ủng hộ các nỗ lực kiên định của Triều Tiên nhằm giải quyết vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân bằng các biện pháp chính trị đúng đắn. Trung Quốc ủng hộ cuộc đối thoại, trong đó lưu tâm tới những lo ngại của Bình Nhưỡng.
Theo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, một trong những mục tiêu chính của chuyến thăm cấp nhà nước tới Triều Tiên là thực hiện các bước để thúc đẩy hình thành bối cảnh mới ổn định hơn trong khu vực. Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh sẵn sàng tăng cường đối thoại và hợp tác với Triều Tiên, cùng với nhà lãnh đạo Kim Jong-un thúc đẩy đàm phán về vấn đề phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên, đóng góp tích cực cho sự ổn định, phát triển và thịnh vượng của khu vực. Lãnh đạo Trung Quốc tin tưởng quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước vẫn luôn bền chặt và phát triển dù cho bất cứ điều gì xảy ra trên trường quốc tế.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm cấp nhà nước hai ngày 20-21/6 tới Bình Nhưỡng theo lời mời của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhân dịp hai nước kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là lần đầu tiên trong 14 năm qua, một lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc tới thăm Triều Tiên.
Thủ tướng Lý Hiển Long: Singapore không có ý làm tổn thương Việt Nam
Chiều 22/6, nhân dịp dự Hội nghị cấp cao ASEAN 34 tại Bangkok, Thái Lan, theo đề nghị của phía Singapore, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Thủ tướng Lý Hiển Long.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long
tại Bangkok, Thái Lan, ngày 22/6 (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê phán phát biểu ngày 31/5/2019 của Thủ tướng Lý Hiển Long phần liên quan đến Việt Nam và Campuchia giai đoạn 1979-1980. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định lịch sử đã chứng minh những nhận định của phía Singapore về vai trò của Việt Nam vào thời điểm đó là không đúng và việc nêu lại những định kiến này làm tổn thương sâu sắc tới Việt Nam và Campuchia, đặc biệt là thân nhân của hàng trăm nghìn quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh xương máu để mang lại hòa bình, giúp giải phóng nhân dân Campuchia khỏi chế độ Khmer Đỏ tàn bạo và cả quá trình xây dựng đất nước đầy khó khăn, gian khổ sau này.
Thủ tướng Lý Hiển Long giải thích Singapore không có ý làm tổn thương Việt Nam, chỉ nhắc lại một chương đau buồn trong lịch sử Đông Dương để nhấn mạnh hoà bình, ổn định và thịnh vượng hôm nay không mặc nhiên mà có, và bối cảnh hiện nay đòi hỏi ASEAN tiếp tục duy trì đoàn kết, gắn bó và tăng cường hợp tác. Thủ tướng Lý Hiển Long cũng nhấn mạnh, Singapore hết sức coi trọng quan hệ hữu nghị và tin cậy với Việt Nam, đánh giá cao vai trò và những đóng góp quan trọng của Việt Nam từ trước tới nay trong việc duy trì hoà bình, an ninh, ổn định và phát triển của khu vực cũng như trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết và tự cường.
Hai Thủ tướng đánh giá cao cuộc gặp đã giúp hai bên hiểu nhau hơn, nhất trí tinh thần hướng tới tương lai, tập trung thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Singapore trên tất cả các lĩnh vực.
Dân số thế giới sẽ lên tới 9,7 tỷ người vào năm 2050
Theo báo cáo mới nhất vừa được Liên hợp quốc công bố ngày 17/6, số lượng người dân trên trái đất sẽ vượt quá con số 7,7 tỷ người hiện nay lên 9,7 tỷ người vào năm 2050. Báo cáo cũng cho biết Ấn Độ dự kiến sẽ vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2027.
Theo Liên hợp quốc, dân số khu vực châu Phi cận Sahara dự báo sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050.
(Ảnh: Khánh Linh)
Báo cáo của Liên hợp quốc năm 2019 về Triển vọng dân số thế giới 2019 cũng xác nhận rằng dân số thế giới đang già đi do tuổi thọ tăng và tỷ lệ sinh giảm, và số lượng các quốc gia có quy mô dân số giảm lại đang ngày càng tăng lên.
Một nửa trong số 2 tỷ người dự báo gia tăng trong 30 năm tới sẽ đến từ 9 quốc gia: Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Tanzania, Indonesia, Ai Cập và Mỹ.
Báo cáo cũng cho biết Ấn Độ dự kiến sẽ vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2027 và dân số khu vực châu Phi cận Sahara dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050 (tăng 99%).
Những thay đổi về quy mô, thành phần và phân bố dân số toàn cầu có ý nghĩa quan trọng đối với việc đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững được thống nhất ở quy mô toàn cầu nhằm cải thiện sự thịnh vượng kinh tế và hạnh phúc xã hội đồng thời vẫn bảo vệ môi trường.
Boeing bất ngờ nhận đơn hàng lớn sau sự cố dòng máy bay 737 MAX
Boeing bất ngờ lấy lại niềm tin tại Triển lãm Hàng không quốc tế Paris Air Show khi Tập đoàn hàng không quốc tế International Consolidated Airlines Group (IAG) – công ty chủ quản hãng hàng không British Airways (Anh) ngày 18/6 ký biên bản ghi nhớ về việc mua 200 chiếc máy bay 737 MAX sau khi dòng máy bay này bị đình chỉ kể từ tháng 3/2019 sau hai thảm họa máy bay vừa qua.
Một chiếc máy bay 737 MAX của American Airlines tại sân bay LaGuardia, New York, Mỹ
(Ảnh: AFP)
Theo giá niêm yết sản phẩm, thỏa thuận mua bán này trị giá hơn 24 tỷ USD. Dù mới chỉ dừng lại ở ý định thư, tuy nhiên quyết định của IAG đã gây ra một sú sốc lớn tại Paris Air Show, nơi các hãng hàng không thế giới đang nỗ lực tìm niềm tin nơi khách hàng sau khủng hoảng hàng không từ dòng máy bay Boeing 737 MAX.
IAG cho biết họ đã có kế hoạch mua các dòng máy bay 737-8 và dòng 737-10 cho đơn hàng có tổng số 200 chiếc này, dự kiến sẽ được giao trong khoảng từ 2023 – 2027.
Cũng trong ngày 18/6, Boeing tuyên bố đã bán được 30 chiếc 787 Dreamliner cho hãng hàng không Hàn Quốc Korean Air./.