Tạo bước chuyển cho nông nghiệp Bắc Hà
Nhờ việc định hướng, hỗ trợ nông dân đẩy mạnh sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hóa quy mô lớn nên giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp huyện Bắc Hà hằng năm đều tăng, góp phần nâng cao thu nhập của người dân.Bắc Hà có điều kiện khí hậu thuận lợi để phát triển cây ăn quả ôn đới. |
Gia đình anh Giàng Seo Hồ (thôn Lả Dì Thàng, xã Tả Van Chư) trước đây chủ yếu trồng ngô, lúa 1 vụ nhưng 2 năm trở lại đây, được Nhà nước hỗ trợ giống và được cán bộ ngành nông nghiệp tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, anh đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng ngô kém hiệu quả sang trồng đương quy, cát cánh. Anh cho biết, dược liệu là những cây trồng mới nên anh phải vừa làm vừa học. Cây dược liệu phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương, cho thu nhập cao gấp 3 - 4 lần trồng ngô. Riêng vụ vừa qua, gia đình anh thu hơn 50 triệu đồng từ trồng cây dược liệu.
Nhận thấy cây ăn quả ôn đới có thể phát triển tốt ở Tả Van Chư và cho hiệu quả kinh tế cao, anh Lý Seo Tráng (cùng thôn Lả Dì Thàng) đã đầu tư hơn 300 triệu đồng để tái tạo đất đồi hoang hóa và trồng hơn 5 ha cây ăn quả gồm mận Tả Van, mận Tả Hoàng Ly, lê Tai nung. Sau gần 3 năm trồng và chăm sóc, diện tích này bắt đầu cho quả bói. Anh Tráng cho biết: Tôi đã từ bỏ ý định đi lao động thuê ngoài tỉnh để khởi nghiệp tại quê hương. Vì nhu cầu về hoa quả sạch, an toàn của người tiêu dùng ngày càng cao nên tôi quyết định vay vốn trồng cây ăn quả. Tôi còn trồng khoai sọ, khoai lang dưới tán cây và dự định xây chuồng nuôi lợn đen bản địa, gà thả đồi.
Trao đổi với phóng viên, ông Sùng Seo Vảng, Bí thư Đảng ủy xã Tả Van Chư cho biết: Từ năm 2016, thực hiện Đề án “Thâm canh tăng vụ, phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao” của huyện, xã đã vận động, khuyến khích người dân chuyển đổi những diện tích trồng ngô, lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây dược liệu và mở rộng diện tích cây ăn quả. Thực tế, xã là vùng trồng mận địa phương (mận Tả Van, mận Tả Hoàng Ly) có tiếng của huyện Bắc Hà, nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà cây mận chưa trở thành hàng hóa và sản phẩm mũi nhọn trong phát triển kinh tế địa phương. Những năm gần đây, người dân đã quan tâm chăm sóc, mở rộng diện tích trồng. Xã hiện có 115 ha cây ăn quả các loại; 8 ha cây dược liệu. Những loại cây trồng này đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Còn tại xã Lùng Phình, người dân cũng mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng atisô, đương quy, đan sâm, cát cánh. Cây dược liệu phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, có giá trị kinh tế cao và phù hợp với điều kiện canh tác của nông dân. Theo ông Ma Seo Diu, Chủ tịch UBND xã thì trước đây, người dân trông chờ hoàn toàn vào cây lúa, cây ngô, còn hiện nay có thêm cây dược liệu với diện tích gần 25 ha. Trung bình mỗi ha cây dược liệu, người dân thu hơn 150 triệu đồng/năm. Nhờ cây dược liệu, nhiều hộ đã thoát nghèo, có vốn phát triển chăn nuôi gia súc, kinh tế ổn định hơn.
Theo đánh giá của huyện Bắc Hà, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từ năm 2016 đến nay, cơ cấu cây trồng, vật nuôi của huyện có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực; việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và khuyến nông được đẩy mạnh; các hình thức tổ chức sản xuất được đổi mới; giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp tăng khá và bền vững; giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đạt gần 40 triệu đồng/ha. Huyện tiếp tục duy trì, nhân rộng phương thức sản xuất cánh đồng một giống, sản xuất lúa cải tiến (SRI) với 350 ha và rà soát, quy hoạch bảo tồn, phát triển giống lúa địa phương chất lượng cao (Khẩu nậm xít, Séng cù) với 160 ha; chuyển đổi 120 ha đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu, trong đó khoảng 40 ha sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao; mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn tập trung (khoảng 140 ha); diện tích cây ăn quả ôn đới trồng mới khoảng 374 ha… Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện chuyển đổi dần từ phương thức chăn nuôi nông hộ sang phương thức chăn nuôi gia trại, trang trại; đẩy mạnh phát triển đàn trâu, đàn lợn và đàn gia cầm. Hiện đàn trâu có hơn 18.000 con, đàn bò khoảng 1.200 con, đàn lợn 46.000 con, đàn gia cầm và thủy cầm khoảng 275.000 con.
Ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà cho rằng, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đặc biệt là Đề án “Thâm canh tăng vụ, phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao” của huyện mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Sản xuất ngô hàng hóa chưa gắn kết được các khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Một số sản phẩm đã được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, tuy nhiên công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm còn hạn chế nên giá trị chưa cao. Việc đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất còn hạn chế, chưa tạo nhiều sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu tổ chức sản xuất hàng hóa và thiếu bền vững. Liên kết trong sản xuất còn lỏng lẻo; quy mô, phạm vi liên kết còn nhỏ, chưa có nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại điển hình, quy mô lớn. Chất lượng sản phẩm còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu thị trường. Việc huy động các tổ chức tham gia đầu tư vào lĩnh sản xuất nông nghiệp chưa nhiều.
Để đạt được mục tiêu của đề án, thời gian tới, huyện Bắc Hà sẽ tăng cường tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và người dân nhằm thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán sản xuất nhỏ lẻ sang phát triển hàng hóa quy mô lớn; đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật cho nông dân và huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp vào các hoạt động khoa học - công nghệ; kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm...