Thay đổi nhận thức để giảm tai nạn giao thông do uống rượu bia
Sử dụng rượu, bia vượt ngưỡng cho phép đang trở thành vấn nạn của xã hội. Hậu quả mà nó gây ra không chỉ là những vụ tai nạn giao thông thương tâm mà còn là nguyên nhân gây ra hơn 200 bệnh tật tàn phá sức khỏe con người dẫn đến tử vong sớm.Đã uống rượu bia - Không lái xe.
Mặc dù nguy hại như vậy song số người sử dụng rượu, bia lại ngày một tăng. Những số liệu được công khai trên các phương tiện truyền thông không khỏi khiến chúng ta giật mình. Báo cáo năm 2018 của tổ chức Y tế Thế giới cho biết, trung bình người Việt tiêu thụ ở mức 8,3 lít cồn nguyên chất/năm, tỷ lệ và lượng tiêu thụ ngày càng gia tăng. Trong khi đó, ở các quốc gia khác, lượng tiêu thụ chậm lại, hoặc giảm đi. Bộ Y tế cũng cho biết, Việt Nam đứng thứ 2 khu vực Đông - Nam Á, thứ 10 châu Á về tiêu thụ rượu, bia.
Sau mỗi kỳ nghỉ lễ, tết là số vụ tai nạn giao thông lại tăng cao. Ủy ban an toàn giao thông cho biết, tai nạn giao thông có nguyên nhân do uống rượu bia chiếm tới 40% tổng số vụ. Đa phần những vụ tai nạn do uống rượu, bia thường để lại những hậu quả vô cùng nặng nề do “ma men” làm cho thần kinh không còn kiểm soát được hành vi. Khoa cấp cứu của các bệnh viện là nơi tiếp nhận người bệnh với muôn hình vạn trạng các kiểu chấn thương, đa chấn thương có nguyên nhân từ bia, rượu. Chi phí chữa trị thường rất tốn kém, thời gian kéo dài. Nhiều gia đình khánh kiệt, mang công mắc nợ để có tiền chữa trị. Nhưng hậu quả không chỉ có thế. Có những gia đình đã vĩnh viễn mất đi người thân yêu sau những vụ tai nạn giao thông thảm khốc được xác định nguyên nhân do người điều khiển phương tiện đã uống rượu, bia khi lái xe.
Chưa kể, sử dụng rượu, bia còn tác động nghiêm trọng đến lĩnh vực kinh tế - xã hội như bạo lực gia đình, mất trật tự an toàn xã hội, tội phạm, đói nghèo và gánh nặng về kinh tế đối với cá nhân, gia đình và toàn xã hội.
Đã uống rượu bia – Không lái xe
Trước vấn nạn về tai nạn giao thông do uống rượu bia tăng cao, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương vào cuộc triển khai các biện pháp ngăn chặn kịp thời, kéo giảm và chấm dứt các vụ tại nạn giao thông do uống rượu, bia.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương trên toàn quốc với nòng cốt là lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát theo chuyên đề gắn với các hành vi uy hiếp nghiêm trọng đến trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là hành vi vi phạm quy định về ma túy và nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; ra quân thực hiện các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với lái xe trong các dịp nghỉ lễ dài ngày, các thời kỳ cao điểm về hoạt động lễ hội, du lịch tại từng địa phương; cương quyết xử lý, trấn áp các hành vi chống đối lực lượng thi hành công vụ; bảo đảm các điều kiện trang thiết bị, vật dụng phục vụ công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn và chất ma túy; chủ động phối hợp với cơ quan báo chí để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm quy định pháp luật và ủng hộ lực lượng chức năng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Thủ tướng yêu cầu Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể và địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân chấp hành quy định pháp luật về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông, thực hiện thông điệp "Đã uống rượu bia - Không lái xe".
Để giảm thiểu được tai nạn giao thông cần có sự vào cuộc tích cực từ các cấp, các ngành và từ chính những người tham gia giao thông. Trong các biện pháp giảm thiểu tai nạn giao thông, biện pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho người dân được cho là quan trọng nhất. Bởi, khi người dân ý thức và tự giác chấp hành các qui định về đảm bảo an toàn giao thông, coi trọng sự an toàn của bản thân và những người xung quanh thì tai nạn giao thông cũng sẽ được kéo giảm một cách hiệu quả./.