Bảo Yên nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế
Phát huy tiềm năng, lợi thế để mở rộng diện tích sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị bền vững đang là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân huyện Bảo Yên.Nhiều năm nay, ngoài giờ dạy học tại Trường Tiểu học số 2 Điện Quan, anh Hà Văn Quang lại tranh thủ cùng vợ xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp và bước đầu mang lại hiệu quả. Anh Quang cho hay: Trước đây, khi chưa đầu tư mô hình kinh tế tổng hợp, cả gia đình với 4 miệng ăn chỉ trông chờ vào đồng lương của tôi. Từ khi mô hình đi vào hoạt động, gia đình tôi có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.
Với lợi thế diện tích đất đồi rộng hơn 8 ha, lại có nguồn nước dồi dào, anh Quang đã dùng 2 ha vào việc đào ao nuôi cá và ngan, 6 ha đất đồi được anh đầu tư trồng quế kết hợp nuôi gà thả đồi. Nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi nên mô hình kinh tế của anh cho thu nhập bình quân 100 triệu đồng/năm.
Anh Hà Văn Quang có nguồn thu nhập ổn định từ nuôi gà và thả cá. |
Mô hình kinh tế tổng hợp của anh Hà Văn Quang chỉ là 1 trong số hàng trăm mô hình kinh tế cho thu nhập ổn định ở huyện Bảo Yên. Thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp để nâng cao thu nhập cho người dân giai đoạn 2016 - 2020, huyện Bảo Yên đã chỉ đạo quyết liệt, trong đó triển khai “5 cây, 3 con”, chủ lực là cây quế, chè, hồng không hạt, sả, dâu tằm và con trâu, vịt bầu, gà đồi, góp phần từng bước hoàn thành “mỗi xã một sản phẩm” đặc trưng. Đến nay, trên địa bàn huyện đã trồng gần 18 nghìn ha quế, hơn 500 ha chè chất lượng cao, 90 ha hồng không hạt, 100 ha sả lấy tinh dầu, 100 ha dâu tằm. Về chăn nuôi, đàn trâu có hơn 20 nghìn con, vịt bầu hơn 85 nghìn con, gà đồi hơn 500 nghìn con. Các sản phẩm trên đều có nhà máy chế biến và hợp đồng liên kết tiêu thụ, thị trường ổn định.
Ông Hà Văn Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Yên cho biết, để duy trì trồng và liên kết tiêu thụ các sản phẩm đặc hữu của địa phương, huyện đã phối hợp với các công ty, doanh nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như Công ty Cổ phần Nông nghiệp quốc tế An Việt, Công ty TNHH Xuất - Nhập khẩu nông sản Sơn Hải, Công ty TNHH MTV Chè Đại Hưng, Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Minh Đức, Hợp tác xã Tiến Đạt, Công ty Giống cây trồng Bắc Ninh... đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân đầu tư, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất.
Trong các loại cây trồng, quế vẫn là cây cho giá trị kinh tế cao và được người dân ở hầu hết các địa phương trên địa bàn huyện đưa vào sản xuất với quy mô lớn. Trong gần 18 nghìn ha, đã có 3,5 nghìn ha quế hơn 8 tuổi đang cho tận thu sản phẩm, còn lại một phần diện tích quế dưới 8 tuổi được người dân tỉa cành, lá để bán cho nhà máy chiết xuất tinh dầu. Bên cạnh đó, các vùng sản xuất hàng hóa tiếp tục được đầu tư và nhân rộng như vùng sản xuất lúa chất lượng cao gần 2.000 ha; phát triển và cải tạo 126 ha cây ăn quả có múi, 90 ha cây hồng không hạt, 26 ha cây thanh long và một số loại cây trồng khác như na, chanh leo, đại táo, khoai môn…
Đến nay, huyện Bảo Yên đã xây dựng thành công 4 nhãn hiệu cho sản phẩm nông nghiệp gồm: Trâu Bảo Yên, mật ong Thanh Xuân, thịt trâu sấy Bảo Yên, khoai môn Bảo Yên. Huyện tiếp tục xây dựng nhãn hiệu một số sản phẩm như chè Bảo Yên, hồng không hạt Bảo Hà, măng hốc Bảo Yên, thanh long ruột đỏ Bảo Yên. Với việc nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế đã góp phần tạo ra các sản phẩm đặc hữu mang lại giá trị kinh tế cho người dân. Năm 2018, giá trị canh tác của huyện đạt hơn 64 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt hơn 25 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,3%...