Cầu nối gắn kết đồng đội
Đất nước giành độc lập, non sông thống nhất đã hơn 40 năm, nhưng trong ký ức của những người lính từng tham gia chiến đấu tại các chiến trường về những năm tháng oanh liệt, về đồng đội chưa bao giờ nguôi ngoai. Nhiều tổ chức hội, ban liên lạc đã và đang trở thành cầu nối cho Bộ đội Cụ Hồ năm xưa “ôn cố tri tân”, quan tâm, hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống. Mỗi năm, cứ đến tháng 4 lịch sử, họ lại gặp nhau, hàn huyên những câu chuyện về một thời hào hùng.1. Ở tuổi 77 nhưng ông Ma Công Thắng, Trưởng Ban liên lạc Tiểu đoàn Hoàng Liên Sơn I và Hoàng Liên Sơn II vẫn khỏe mạnh với dáng đi nhanh nhẹn, giọng nói vang, trầm ấm như đang độ tuổi trung niên. Ông Thắng kể bằng giọng rất đỗi tự hào về thời trai trẻ của mình khi được in dấu chân ở nhiều nơi trên chiến trường nóng bỏng. Khi đất nước sạch bóng quân thù, ông trở về quê hương tiếp tục cống hiến cho quân đội. Năm 1988, trước khi nghỉ hưu theo chế độ, ông Thắng là Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Lào Cai.
Ông Thắng bảo, sở dĩ mình còn giữ được sức khỏe như hôm nay là nhờ thú vui điền viên và đặc biệt là tham gia các hoạt động với đồng đội, đồng chí. Con cái đều thành đạt, phương trưởng nên ông có thêm thời gian để chăm sóc ao cá, vườn cây và kiến thiết cảnh quan xung quanh ngôi biệt thự nhà vườn của mình tại tổ 3, phường Thống Nhất, thành phố Lào Cai. Trên khoảng sân rộng thênh thang, ông kê bộ bàn ghế được chế tác từ những gốc cây làm nơi sinh hoạt riêng cho mình và các đồng chí, đồng đội.
Các cựu chiến binh Tiểu đoàn Hoàng Liên Sơn II gặp gỡ vào dịp trước lễ kỷ niệm 30/4/2019. |
Trò chuyện với chúng tôi, ông Thắng nhớ như in các dữ kiện lịch sử, đó là vào tháng 7/1967, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, tỉnh Lào Cai đã thành lập tiểu đoàn mang tên Hoàng Liên Sơn với thành phần là cán bộ thuộc các đơn vị, ngành như lâm nghiệp, thương nghiệp, bưu điện, Mỏ Apatit, đoàn địa chất để chi viện cho chiến trường miền Nam. 1 năm sau đó, Tiểu đoàn Hoàng Liên Sơn II được thành lập với thành phần là con em các dân tộc Lào Cai tiếp tục chi viện quân số cho tiền tuyến, cụ thể là tỉnh Sông Bé (nay là Bình Dương và Bình Phước). Hơn 600 người con của Lào Cai thuộc biên chế 2 tiểu đoàn mang tên Hoàng Liên Sơn thì có hàng trăm người đã hy sinh trên chiến trường, nhiều người may mắn trở về giờ đây cũng không còn do tuổi cao, sức yếu, Ban liên lạc chỉ liên hệ được với 55 người.
2. “A lô! Mày lên chỗ tao đi, anh em đang đợi”. Thấy tôi ngỡ ngàng về cách xưng hộ như thế, ông Thắng bảo: “Cậu thông cảm, anh em chúng tớ xưng hô như thế nhiều chục năm rồi, từ hồi còn chung chiến hào, giờ gọi khác cũng khó”. Không phải chờ đợi lâu, gần chục cựu chiến binh trong trang phục truyền thống nhanh chóng có mặt tại sân nhà ông Thắng theo “lệnh tập hợp” của “chỉ huy”. Khi chúng tôi bày tỏ mong muốn được nghe những câu chuyện chiến trường nhân dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30 tháng 4), không ai bảo ai, các cựu chiến binh đều “xung phong” khiến không khí buổi gặp mặt thật rôm rả.
Giọng rưng rưng, ông Hoàng Văn Đông (sinh năm 1949) kể về một trận đánh đáng nhớ nhất tại địa đạo Củ Chi, khi bị địch phản công, tập kích, 12 trong tổng số 13 chiến sỹ thuộc biên chế trung đội đã hy sinh. Chỉ còn lại một mình dù bị thương nhưng sau khi địch rút lui, ông Đông vẫn cố gắng cắt tấm dù là chiến lợi phẩm để liệm 12 đồng đội và không quên buộc lên cổ mình một mảnh. Đến nay, ông vẫn giữ nguyên mảnh dù như một kỷ vật thiêng liêng nhất về chiến trường. Giờ đây, ở tuổi tròn “thất thập”, ông luôn căn dặn con cháu rằng khi mình về với tổ tiên phải được liệm bằng tấm dù để dễ dàng tìm đồng đội.
Đã qua hơn 50 năm nhưng ông Hoàng Văn Chài (sinh 1950) vẫn đau đáu mong có thông tin về người anh em kết nghĩa mang tên Nguyễn Thành Đô, quê ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Việc kết nghĩa của họ khá đặc biệt, diễn ra trong một trận pháo kích của địch. Cả hai cùng bị thương, ông Đô mất khá nhiều máu nên dù bị thương, ông Chài vẫn đề nghị được tiếp máu của mình cho đồng đội. Về sau biết được chuyện này, ông Đô xin kết nghĩa anh em với ông Chài, nhưng cũng từ đó tới nay, hai người thất lạc nhau.
Để không có thêm những giọt nước mắt lăn trên gò má nhăn nheo của người cựu binh già khi kể chuyện về nghĩa tình đồng đội, ông Hoàng Văn Quỵt (sinh năm 1938) tiếp lời bằng câu chuyện về những trận đánh khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và tại một vài nơi trên đất nước Campuchia. Cựu chiến binh đặc công Lương Văn Tiến (sinh năm 1940) tái hiện những trận tập kích ban đêm vào sân bay của địch và các bốt lớn tại vùng Đông Nam Bộ, còn cựu binh Trịnh Quang Thiện (sinh 1948) thì hào hứng kể về những lần vượt kênh Vĩnh Tế trong làn mưa đạn của quân thù để từ Campuchia trở về Việt Nam chiến đấu…
Câu chuyện của những người lính năm xưa với hình ảnh sinh động về cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc cứ dài mãi nếu không đến giờ đã hẹn cùng các cựu binh khác lên phường Duyên Hải (thành phố Lào Cai) thăm một đồng đội nay đã ở tuổi 91 - người ghi nhiều chiến công cho đơn vị Hoàng Liên Sơn II. Nhiều năm qua, cứ vào độ cuối tháng 4, những người cựu chiến binh lại tổ chức thăm hỏi đồng đội và những người thân của đồng đội đã tham gia chiến đấu, hy sinh giành độc lập về cho đất nước. Những việc làm đó mãi đong đầy tình cảm đồng chí, đồng đội.
Đồng đội chia sẻ vui buồn qua những lần gặp gỡ. |
3. Ở tuổi 71, cựu chiến binh Trần Trọng Dương với vai trò là Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam tỉnh Lào Cai (Hội truyền thống TS- ĐHCM)) vẫn tích cực tham gia các hoạt động tập hợp cựu chiến binh và bồi đắp nghĩa tình đồng đội. Nhờ sự hưởng ứng tích cực của các hội viên, sự vận động của ban chấp hành các cấp hội, đến nay, Hội truyền thống TS- ĐHCM tỉnh đã huy động được hơn 2 tỷ đồng để xây 50 ngôi nhà tình nghĩa cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn (trị giá mỗi căn nhà từ 30 đến 70 triệu đồng). Số tiền tuy không lớn nhưng mang nặng nghĩa tình đồng đội của những người lính Trường Sơn năm xưa.
Trong số hơn 8 nghìn cựu chiến binh trên địa bàn tỉnh hiện nay từng trực tiếp tham gia chiến đấu tại các chiến trường, có số đông góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang ngày 30/4/1975. Giờ đây, dù hòa vào cuộc sống đời thường nhưng ký ức về những năm tháng chiến đấu bên đồng đội luôn in đậm trong tâm khảm họ. Và 25 ban liên lạc của các sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn, các đơn vị, tổ chức hội (ngoài hội cựu chiến binh) luôn là cầu nối để những người lính năm xưa gắn kết, sẻ chia, gặp gỡ nhau vào mỗi dịp đất nước kỷ niệm chiến thắng.