Hội nghị trực tuyến toàn quốc về hội nhập quốc tế
Sáng 23/4 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Hội nhập quốc tế đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả, vì phát triển nhanh và bền vững.Tham dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ, đại diện các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề, đoàn thể, tổ chức quốc tế…
Tham dự hội nghị tại điểm cầu Lào Cai có các đồng chí: Nguyễn Văn Vịnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đặng Xuân Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo về Hội nhập quốc tế tỉnh.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hội nhập quốc tế là một chủ trương lớn, nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước và được cụ thể hóa phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của đất nước. Hội nhập quốc tế đã góp phần quan trọng vào thành tựu to lớn của hơn 30 năm đổi mới và ngày càng mở rộng trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế đến văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Quang cảnh hội nghị. |
Từ giai đoạn đầu hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta đã đạt nhiều thành tựu và tự tin tiến lên hội nhập quốc tế được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị (tháng 4/2013) với nội hàm chủ động hội nhập toàn diện trên 3 trụ cột: Chính trị - quốc phòng -an ninh, kinh tế, khoa học - giáo dục - văn hóa - xã hội. Đại hội XII (tháng 1/2016) đã xác định “triển khai mạnh mẽ định hướng chiến lược chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Lào Cai. |
Chính phủ đã cụ thể hóa chủ trương hội nhập quốc tế bằng nhiều nghị quyết, nhiều chỉ thị, quyết định và các văn bản có liên quan, đồng thời chỉ đạo quyết liệt, tổ chức triển khai mạnh mẽ, hiệu quả công tác hội nhập quốc tế, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia thời gian qua.
Theo Thủ tướng Chính phủ, hội nhập quốc tế đã góp phần quan trọng trong các thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm qua. Lớn nhất là chúng ta đã giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, xã hội, đồng thời chủ động hội nhập quốc tế, thu hút thêm nguồn lực bên ngoài cùng với nội lực trong nước tạo nên động lực phát triển quốc gia mạnh mẽ, đạt nhiều thành tựu to lớn. Chúng ta đã ký kết, kết thúc đàm phán nhiều Hiệp định FTA (với Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á - Âu, CPTPP, EVFTA...), mở ra không gian hợp tác rộng lớn cho nền kinh tế đang lớn mạnh trong thời gian tới. Chúng ta đã mở rộng quan hệ, nâng cấp quan hệ đối tác với nhiều quốc gia, tổ chức thành công các sự kiện tầm khu vực, toàn cầu như APEC 2017, WEF - ASEAN 2018, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 (tháng 2/2019)… là những minh chứng cho đường lối Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế, nâng cao vị thế quốc gia, thể hiện vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phân tích, dự báo tình hình quốc tế, trong nước, nhất là cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức từ nay đến năm 2020 và trong 5 năm, 10 năm tới, trong đó phải đặc biệt chú ý tới sự tiến bộ nhanh chóng của cách mạng công nghiệp 4.0.
Xác định rõ tầm nhìn, mục tiêu, định hướng chiến lược đối với công tác hội nhập, từ đó đề ra những nhiệm vụ, giải pháp, kế hoạch, chương trình hành động đối với từng lĩnh vực, đặc biệt là về các nội hàm cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể thúc đẩy hội nhập quốc tế chủ động, hiệu quả, bền vững, góp phần thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 và chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 -2030...
Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe Báo cáo tổng quan về hội nhập quốc tế của Việt Nam giai đoạn 2014 - 2019, trọng tâm hội nhập quốc tế đến năm 2021; Báo cáo kết quả hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng giai đoạn 2014 - 2019 và trọng tâm hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng đến năm 2021; Báo cáo kết quả hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2014 - 2019 và trọng tâm hội nhập kinh tế quốc tế đến năm 2021; Báo cáo kết quả hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, khoa học, giáo dục và các lĩnh vực khác giai đoạn 2014 - 2019 và trọng tâm hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, khoa học, giáo dục và các lĩnh vực khác đến năm 2021...
Lào Cai chủ động hội nhập quốc tế Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo về Hội nhập quốc tế tỉnh Lào Cai đã thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương, triển khai nhiều giải pháp về công tác hội nhập để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh như: Mở rộng Khu kinh tế cửa khẩu (KTCK) Lào Cai với diện tích gần 16.000 ha theo Quyết định số 40/2016/QÐ-TTg ngày 22/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Khu KTCK Lào Cai mở rộng là cơ sở quan trọng để tỉnh Lào Cai thu hút đầu tư hạ tầng tại khu kinh tế cửa khẩu và áp dụng các cơ chế chính sách ưu đãi của hoạt động thương mại biên giới tại Khu KTCK. Thực hiện tốt công tác đối ngoại, giao lưu, hợp tác toàn diện với chính quyền địa phương và nhân dân tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Mỗi năm, bình quân hai bên có hàng trăm đoàn đại biểu các cấp, các ngành, doanh nghiệp qua lại làm việc, trao đổi và ký kết hợp tác. Công tác phối hợp của các lực lượng bảo vệ biên giới, cửa khẩu hai bên được duy trì thường xuyên, góp phần tạo nên sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, cùng nhau xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Tỉnh Lào Cai đã phối hợp với tỉnh Vân Nam tổ chức tốt các hoạt động xúc tiến thương mại để phát huy hiệu quả vai trò "cầu nối" của Lào Cai trên tuyến hành lang kinh tế như: Hội chợ thương mại quốc tế Việt - Trung, thường xuyên tổ chức các hội nghị xúc tiến xuất - nhập khẩu nông, lâm, thủy hải sản với sự tham gia của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp của Việt Nam và Trung Quốc. |