Lào Cai đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư
Trong 9 năm trở lại đây, Lào Cai luôn nằm trong những tỉnh dẫn đầu về Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Lào Cai được đánh giá là một trong những tỉnh có môi trường đầu tư và kinh doanh cạnh tranh nhất và cũng là một trong những tỉnh thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư nhất ở Việt Nam.Với những tiềm năng và thế mạnh riêng có, Lào Cai kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến và công nghiệp phụ trợ, nhất là vào lĩnh vực khai thác và chế biến sâu khoảng 35 loại khoáng sản có trữ lượng lớn hàng đầu Việt Nam trong đó có sắt, đồng, Apatít. Lào Cai cũng kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đi cùng với xây dựng các nhà máy chế biến nông, lâm sản và dược liệu (dứa, chuối, mận, atiso…).
Trong lĩnh vực du lịch - dịch vụ, với nền văn hóa giàu bản sắc của 25 dân tộc, cùng với nhiều vùng khí hậu ôn đới, Lào Cai kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư vào Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát với những tour du lịch sinh thái có một không hai ở Việt Nam trên Vườn quốc gia Hoàng Liên – vườn di sản tự nhiên của ASEAN nơi có đỉnh Fansipan cao 3143 m, được coi là nóc nhà của Đông Dương.
Với một cửa khẩu quốc tế và một cửa khẩu quốc gia và nhiều lối mở, cửa khẩu phụ trên tuyến biên giới, Lào Cai đang tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu, trọng tâm là Khu thương mại, công nghiệp Kim Thành và Khu công nghiệp sạch Bắc Duyên Hải và Đông Phố mới trong khu kinh tế cửa khẩu. Đi cùng với các dự án xây dựng hệ thống logistic, ngân hàng phục vụ xuất, nhập khẩu hàng hóa qua biên giới.
Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, Lào Cai cũng đang ưu tiên thu hút đầu tư để xây dựng tuyến đường kết nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai đến Sa Pa, Quốc lộ 4E nối với Quốc lộ 70 đi Phú Thọ và Yên Bái, cùng tuyến Quốc lộ 279 nối Lào Cai với các tỉnh miền núi phía Bắc, tiếp đó là tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai và nghiên cứu xây dựng sân bay Lào Cai.
Để thu hút đầu tư, Lào Cai còn có một hệ thống chính sách riêng với nhiều ưu đãi mang tính cạnh tranh cao: Thời gian thuê đất bằng với thời gian của đời dự án, tối đa không quá 50 năm; Miễn tiền thuê đất 07 năm đối với các dự án đầu tư thông thường; Miễn tiền thuê đất 11 năm đối với các dự án đầu tư thuộc Danh mục lĩnh vực khuyến khích đầu tư; Miễn thuế TNDN 4 năm kể từ năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư; giảm 50% thuế TNDN trong 9 năm tiếp theo; Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư vào lĩnh vực được ưu đãi về thuế nhập khẩu,...
Tỉnh cũng cam kết với các nhà đầu tư: Cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không quá 03 ngày; thủ tục thuế, hải quan thuận lợi, nhanh chóng; cung cấp đủ lao động có chất lượng, phù hợp; đảm bảo cung cấp nước sạch, nước sản xuất cho doanh nghiệp; hệ thống điện cung cấp 24/24h cho doanh nghiệp; có cơ quan chuyên trách hỗ trợ Nhà đầu tư giải phóng mặt bằng; không có đình công và bãi công; đảm bảo an ninh trật tự trong và ngoài doanh nghiệp.
Giai đoạn 2017-2020, định hướng thu hút đầu tư của Lào Cai thể hiện trên 3 lĩnh vực trọng tâm:
Lĩnh vực công nghiệp – xây dựng cơ bản: Ưu tiên các dự án chế biến sâu khoáng sản; các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp phía Tây thành phố Lào Cai, Khu KTCK Lào Cai; các dự án hoạt động trên các ngành công nghiệp phụ trợ, vật liệu mới.
Lĩnh vực du lịch – dịch vụ: Ưu tiên thu hút các dự án phát triển du lịch tại địa phương có nhiều thế mạnh đặc thù, phát triển về du lịch tại các huyện Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát; các dự án phát triển dịch vụ tại Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, khu đô thị thành phố Lào Cai. Các dự án trung tâm thương mại, dịch vụ du lịch tại trung tâm các huyện, thành phố.
Lĩnh vực nông nghiệp: Khuyến khích các dự án nông nghiệp quy mô sản xuất lớn, công nghệ cao trong chuỗi sản xuất – cung ứng phân phối ổn định trên cơ sở đặc thù khí hậu của một số vùng của tỉnh Lào Cai như các dự án nuôi trồng thủy sản nước lạnh, khu chăn nuôi tập trung đại gia súc lớn.