Khóa họp lớn nhất của LHQ về bình đẳng giới và quyền của phụ nữ
Nâng cao chất lượng các hoạt động an sinh xã hội, dịch vụ công và cơ sở hạ tầng để ngày càng tiến tới mục tiêu bình đẳng giới là chủ đề trọng tâm khóa họp thường kỳ thứ 63 của Ủy ban Địa vị phụ nữ Liên Hợp Quốc (CSW) vừa khai mạc sáng 11/3 tại trụ sở Liên Hợp Quốc (LHQ) tại New York.
Khóa họp này là sự kiện lớn nhất về chủ đề bình đẳng giới và quyền phụ nữ của LHQ được diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, xung đột và bất ổn gia tăng, và sự già hóa dân số cũng nhanh hơn đã ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực tiến tới bình đẳng giới của cả thế giới.
Khóa họp kéo dài 2 tuần có sự tham gia của hơn 100 bộ trưởng, một số phó thủ tướng và phó tổng thổng của các nước và đại diện nhiều tổ chức phi chính phủ cũng như các tổ chức của LHQ.
Đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung tham dự và sẽ phát biểu tại phiên thảo luận của khóa họp vào chiều ngày 12/3 vào về những thành tựu Việt Nam đã nỗ lực đạt được trong việc bảo đảm an sinh xã hội nhờ đã đưa vấn đề quan trọng này thành mục tiêu hàng đầu trong chiến lược phát triển quốc gia của Việt Nam.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng sẽ đóng góp ý kiến nhằm thúc đẩy sự công tác an sinh xã hội ngày để ngày càng trao quyền cho phụ nữ nhiều hơn cũng như góp phần thu hẹp khoảng cách mất bình đẳng giới.
Sự kiện này cũng là diễn đàn lớn nhất để các thành viên của LHQ và đại diện các tổ chức dân sự cũng như các tổ chức quốc tế tiếp tục cam kết thực hiện những giải pháp chính sách tốt hơn nữa trong thời gian tới.
Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, bà Phumzile Mlambo-Ngcuka, Giám đốc Tổ chức phụ nữ LHQ (UN Women) đồng thời là Phó Tổng Thư ký LHQ cho biết, hiện còn tới 740 triệu phụ nữ đang phải làm việc mà có rất ít hoặc thậm chí không có bảo hiểm xã hội và không được tiếp cận với các dịch vụ công cho thấy hiện vẫn còn một khoảng cách rất lớn trong công tác hỗ trợ phụ nữ.
Bà cũng cho biết có tới 131 triệu trẻ em gái trên thế giới không được đến trường. Tính trung bình trên toàn cầu, phụ nữ chỉ được hưởng 3/4 các quyền hợp pháp đàn ông được hưởng và hơn một tỷ phụ nữ không biết trông cậy vào đâu khi bị bạo hành hoặc bị kìm hãm tiếp cận giáo dục và việc làm- nói cách khác là bạo hành kinh tế. Mỗi ngày có gần 830 phụ nữ chết vì những nguyên nhân hoàn toàn có thể phòng tránh được liên quan đến mang thai và sinh nở và gần như tất cả họ đều ở các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, bà cũng đề cập một số điểm sáng trong công cuộc nỗ lực vì bình đẳng giới và quyền phụ nữ như trong vòng một thập kỷ vừa qua đã có 274 luật và quy định sửa đổi nhằm hỗ trợ bình đẳng giới đã được thông qua ở 131 nước. 80% phụ nữ ở các nước có thu nhập thấp và trung bình được dùng điện thoại di động và 48% phụ nữ tiếp cập internet trên điện thoại di động.
Theo bà Geraldine Byrne Nason, Đại sứ trưởng phái đoàn của Ireland lại LHQ, những vấn đề thảo luận trong khóa họp lần này có ý nghĩa rất lớn đối với cuộc sống hằng ngày của phụ nữ và việc đặt ra những tiêu chuẩn toàn cầu mới nhằm đạt được bình đẳng giới sẽ giúp phụ nữ phát huy được hết tiềm năng của họ.
Chỉ còn 11 năm nữa để cả thế giới chung tay nỗ lực tiến tới mục tiêu bình đẳng giới – một trong những Mục tiêu Phát triển bền vững đã được LHQ thông qua phải đạt được vào năm 2030. Nếu tốc độ thay đổi chậm chạp như hiện nay, LHQ tính toán rằng sẽ phải mất 108 năm nữa mới đạt được mục tiêu đã đề ra vào năm 2030.
Trong suốt thời gian 2 tuần diễn ra khóa họp, nhiều hoạt động có ý nghĩa sẽ được tổ chức như đối thoại giữa Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres với đại diện một số tổ chức dân sự về công tác bình đẳng giới hiện nay cũng như những công việc liên quan LHQ đã triển khai cho đến nay; cuộc gặp gỡ giữa những nhà hoạt động vì quyền phụ nữ với báo chí; các cuộc triển lãm ảnh; trao giải cho những phụ nữ đã đạt thành tích xuất sắc về thể thao cũng như cuộc đối thoại của thanh niên xung quanh chủ đề chính của khóa họp. /.