Lạc chốn “bồng lai tiên cảnh”
Cuối đông, đầu xuân, tiết trời bớt hanh khô, những đợt rét cũng thưa dần, thay vào đó là những cơn mưa phùn lất phất, đất trời như chuyển mình, cả núi rừng Bát Xát được bao phủ bởi màu xanh ngút ngàn. Đây cũng là thời điểm nhiều loài cây quý hiếm bung hoa khoe sắc, khiến Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát như chốn “bồng lai tiên cảnh”.“Hoa tuyết” khoe sắc giữa rừng xanh
Khi nhắc đến những khu rừng già nguyên sinh ở Dền Sáng, Y Tý, thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát thì nhiều du khách trong và ngoài nước đã biết. Đây không chỉ có những điểm, tuyến du lịch hấp dẫn, mà còn là một “bảo tàng sống”, với hệ động vật, thực vật phong phú, đa dạng. Một trong những loài thực vật cực kỳ quý hiếm mới được phát hiện tại đây là bạch trà.
Khách du lịch chinh phục đỉnh Ky Quan San. |
Nghe nói, mùa đông ở các xã vùng cao Bát Xát khắc nghiệt lắm, gió rét, thậm chí có những năm tuyết rơi trắng trời khiến nhiều loại cây sống ở trên vạt rừng, sườn núi héo úa, thậm chí chết khô. Thế nhưng, ở đó vẫn có một loài cây mang tên bạch trà vươn mình đâm chồi nảy lộc, nở hoa trắng muốt nổi bật giữa bạt ngàn rừng. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, tôi cùng anh Ngô Kiên Trung, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bát Xát quyết định ngược núi để được “mục sở thị” loài hoa có cái tên mỹ miều này trên đại ngàn Y Tý.
Quãng đường từ trung tâm huyện Bát Xát lên Y Tý khá hẹp và nhiều ổ gà, có những đoạn uốn lượn chạy quanh sườn núi nên việc đi lại khó khăn, mất rất nhiều thời gian. Sau hơn 2 giờ phi “ngựa sắt” cùng gần 1 giờ cuốc bộ và một chút may mắn, chúng tôi mới đến được gốc cây bạch trà đầu tiên. Theo người dân địa phương thì cây bạch trà này có tuổi đời hàng trăm năm, nhưng đường kính chỉ khoảng 15 cm, cao chừng 2,5 - 3 m. Anh Ly Giờ Sớ, xã Y Tý cho biết: “Tôi biết cây bạch trà này cách đây đã chục năm, nhưng dường như nó không to hơn trước là mấy. Cứ vào mùa đông, cây bạch trà này nở hoa rất đẹp, chúng tôi mỗi lần qua đây đều dừng chân để ngắm hoa. Năm nay chưa vào chính mùa nên cây này mới chỉ có lác đác vài bông hoa, vài tuần nữa các anh đến hoa sẽ nở nhiều hơn. Cây bạch trà này ở thấp, bên cạnh không có cây to nên hoa nở sớm”. Hoa bạch trà màu trắng sứ, chính vì thế mà một số người dân địa phương gọi là “hoa tuyết”. Hoa bạch trà lâu tàn, mùi hương thơm nhẹ nhưng rất quyến rũ. Theo chỉ dẫn của anh Sớ, chúng tôi mất thêm gần 1 giờ đi bộ, cuối cùng cũng đến được quần thể bạch trà trong rừng già Y Tý. Tận mắt được ngắm nhìn những bông hoa bạch trà cánh trắng mỏng manh đang đua nở, đung đưa theo gió lộng mây ngàn giữa đất trời Y Tý khiến chúng tôi ngất ngây…
Thông tre - khí tiết người quân tử
Thông tre là họ cây lá kim, chủ yếu tập trung ở khu vực núi đá, quang đãng, độ cao trên 1.000 mét của huyện Sa Pa và huyện Bát Xát. Cây thông tre không có hoa rực rỡ sắc màu, nhưng với đặc tính chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt, bất kể trong môi trường nào vẫn luôn hiên ngang, sừng sững giữa trời xanh. Chính vì thế mà ngày nay, cây thông tre có vẻ đẹp khó cưỡng với những người đam mê cây cảnh. Có thời điểm cây đẹp lên tới cả trăm triệu đồng, nên là “miếng bánh” ngon cho những kẻ hám lợi. Lực lượng kiểm lâm đã phải rất vất vả, thường xuyên cử cán bộ tuần tra ở khu vực có cây thông tre sinh trưởng. “Cây thông tre oai hùng, hiên ngang sống chung với thời tiết khắc nghiệt, dù bão táp phong ba vẫn kiên cường vượt qua, tượng trưng cho khí tiết của người quân tử, luôn mang những điều tốt đẹp cho đời. Ngoài ra, một đặc tính nữa của cây thông tre là dù môi trường sống cằn cỗi, thiếu dinh dưỡng, thiếu nước nhưng quanh năm lá vẫn xanh tốt. Vì vậy, cây thông tre được nhiều người săn lùng làm cây cảnh” - anh Nguyễn Trung Hậu, một người mê cây thông tre tâm sự.
Để “mục sở thị” cây thông tre, chúng tôi quyết định vào rừng già Dền Sáng, nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát. Trời mưa nhẹ nhưng cả đêm không ngớt khiến cho cây cỏ trong rừng ướt sũng, làm chuyến băng rừng tìm thông tre của chúng tôi gặp thêm đôi chút khó khăn. 6 giờ sáng chúng tôi xuất phát từ trung tâm xã Dền Sáng, hơn một giờ đồng hồ đi bộ băng rừng, mới đến được vị trí có độ cao khoảng 1.000 - 1.100 m so với mực nước biển, những cây thông tre đầu tiên hiện ra. Trong một cánh rừng với hàng trăm loài cây cỏ nhưng thông tre vẫn nổi bật nhất bởi chúng khác hoàn toàn với phần còn lại, tán lá xòe rộng, ken dày, thân cây khúc khuỷu như đã có tác động từ bàn tay con người. Lên tới độ cao gần 1.300 m, chúng tôi bắt gặp một cây thông tre rất lớn, cao hơn chục mét, đường kính thân cây trên 30 cm. Chỉ về phía cây thông tre cổ thụ, anh Nguyễn Hoàng Điểm, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Dền Sáng, Hạt Kiểm lâm Bát Xát giới thiệu: “Những cây thông tre như thế này có tuổi đời hàng trăm năm, trong rừng vẫn còn khá nhiều, giá trị kinh tế của nó rất lớn, nên chúng tôi phải có phương án bảo vệ nghiêm ngặt. Từ trước tới nay, mặc dù giá trị cây thông tre lớn, được nhiều người săn lùng, nhưng trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát không bị mất một cây nào”. Được bảo vệ nghiêm ngặt, cây thông tre vẫn đang tiếp tục sinh sôi, phát triển, góp phần làm đẹp hơn những cánh rừng già Bát Xát, là điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.
Đỗ quyên cổ thụ trên đỉnh Ky Quan San
Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát nằm hoàn toàn trong vành đai nhiệt đới, nhưng xa đường xích đạo, nên có chế độ khí hậu nhiệt đới gió mùa vùng núi, thời gian khô hanh rất ít. Đây là điều kiện lý tưởng cho những cây họ đỗ quyên sinh trưởng và phát triển. Cây đỗ quyên phân bổ ở nhiều địa phương trong tỉnh, nhưng tập trung nhiều nhất ở Sa Pa và Bát Xát. Hoa đỗ quyên trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát rất đẹp và đa dạng. Tuy nhiên, để tiếp cận được không hề dễ, cần phải có sức khỏe, ý chí, nghị lực để chinh phục đỉnh Ky Quan San. Tuyến leo núi Ky Quan San có tổng chiều dài 14 km, độ cao trên đỉnh núi là 3.046 m. Cung đường chinh phục đỉnh Ky Quan San rất gian nan, nhưng bù lại có vẻ đẹp vô cùng quyến rũ, huyền bí. Khi lên tới 1.800 - 2.400 m, khung cảnh hiện ra trước mắt chúng tôi là một bầu trời xanh cao lồng lộng, phía dưới là những sông mây trôi lững lờ, đẹp và gần hơn cả là từng hàng đỗ quyên cổ thụ, thân xù xì, nhiều vị trí được bao phủ bởi lớp cây tầm gửi. Mặc dù đang mùa đông, nhưng đã có nhiều cây đâm chồi, trổ hoa, hé nụ thật đẹp. “Không phải nói quá, nhưng đây thực sự là tiên cảnh dưới hạ giới. Nếu địa phương quy hoạch tua, tuyến, tổ chức cho du khách leo núi Ky Quan San một cách chuyên nghiệp, tôi tin đây sẽ là điểm đến hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế” - anh Nguyễn Khắc Thành, huyện Đông Anh (Hà Nội) cho hay.
Nhiều loài đỗ quyên cổ thụ trên Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát. |
Theo khảo sát của các chuyên gia, bước đầu đã thống kê được 940 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 550 chi và 156 họ thuộc 6 ngành thực vật, trong số này bước đầu xác định được 44 loài trong Sách đỏ Việt Nam, Sách đỏ Thế giới ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát. Để bảo vệ được những loài thực vật quý này, trong những năm qua, các cơ quan chức năng của huyện Bát Xát đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó quan trọng nhất là gắn lợi ích của người dân với rừng, lồng ghép tuyên truyền bảo vệ rừng trong những dịp lễ hội, trong các hoạt động vui chơi, giải trí...
Sau nhiều ngày được trải nghiệm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát, tôi và nhiều du khách nhận thấy đây không chỉ là một “kho” khổng lồ để duy trì, bảo tồn hệ động vật, thực vật phong phú, đa dạng của Việt Nam, thế giới, mà hệ động vật, thực vật đa dạng ở đây, tiêu biểu là bạch trà, thông tre hay đỗ quyên... còn góp phần níu chân du khách thập phương.