Khám phá cung đường đá cổ

Giữa hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu có con đường đá cổ chạy xuyên qua rừng già được làm cách đây gần một thế kỷ. Con đường đá rộng chừng 3 m, từng là tuyến giao thông kết nối giao thương 2 tỉnh miền núi Tây Bắc.

Xin được bắt đầu chuyến khám phá con đường đá cổ bằng câu chuyện của một người bạn đam mê chinh phục những miền đất hoang sơ của Tây Bắc: “Ở tận cùng miền Tây Bắc của Tổ quốc, giữa hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu cùng chung ranh giới là đường phân định của một phần dãy Hoàng Liên Sơn hùng vỹ. Do những kiến tạo địa chất đặc biệt của thời kỳ tạo sơn mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vùng đất này những ngọn núi cao, hiểm trở bậc nhất Việt Nam như Fansipan, Pusilung, Putaleng, Bạch Mộc Lương Tử, Tả Liên San, Nhìu Cồ San...”.

Con đường đá cổ Pavi thường xuyên có người dân qua lại.

Thoáng qua địa lý đã thấy sự giao thương từ Hà Nội qua Lào Cai để đến Lai Châu trước đây khó khăn đến nhường nào. Từ thời nhà Nguyễn đã hình thành con đường Thiên Lý, nối liền Thăng Long tới Lai Châu qua đỉnh đèo Mây (Ô Qúy Hồ). Thời Pháp thuộc, con đường được nâng cấp, nhưng việc có một con đường mới phục vụ cho thông thương, nối liền Lai Châu - Lào Cai - Hà Nội là cần thiết. Trong bối cảnh những năm đầu thế kỷ trước, người Pháp chủ trương xây dựng và phát triển nhiều tuyến đường mới để thuận tiện cho việc thu gom tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản... Thống đốc Auguste Jean-Marie Pavie đã cho khảo sát và xây dựng một con đường từ Mường Hum - Sàng Ma Sáo - Chà Phà (Lào Cai) vượt đèo Gió (cao 2.091 m) thuộc dãy Nhìu Cồ San, sang Sàng Ma Pho - Chà Phà - Phong Thổ - Mường So (Lai Châu) dài 80 km. Năm 1927, con đường được xây dựng. Suốt dọc chiều dài tuyến đường được bố trí hệ thống đồn bốt nhằm đảm bảo an toàn cho con đường cũng như phục vụ tuần tra. Con đường được xây dựng hoàn toàn bằng đá, rộng 3 m, tương đối bằng phẳng, xuyên rừng, xuyên núi, thể hiện sự khoa học của những người thiết kế và sự công phu của những người thợ làm đường, để đến tận hôm nay (gần 100 năm sau), con đường vẫn còn gần như nguyên vẹn…

Câu chuyện về con đường đá cổ xuyên rừng nối liền Lào Cai và Lai Châu đã thôi thúc tôi xách ba lô lên và khám phá. Tôi chọn cách bắt đầu chuyến đi một mình và dự định đến thôn Nhìu Cồ San, xã Sàng Ma Sáo (Bát Xát) tìm người dân bản địa dẫn đường. Từ trung tâm xã Sàng Ma Sáo, đi thêm khoảng 8 km sẽ đến thôn Nhìu Cồ San - điểm bắt đầu của con đường đá cổ. Con đường nửa đất, nửa cấp phối lổn nhổn đá khiến tay tôi tê dại. Đồng hành với tôi trên con đường là hai cô bé người Mông, có lẽ do mới biết đi xe máy nên chốc chốc lại ngã liểng xiểng vì bánh xe chồm lên đá. Dù là ngày nắng, nhưng phải mất hơn một tiếng đồng hồ, tôi mới đến được Nhìu Cồ San. Gần trưa, thanh niên trong thôn đi nương hết, chỉ có người già và vài đứa trẻ ở nhà, kế hoạch tìm người dẫn đường của tôi thất bại.

Đứng ở thôn Nhìu Cồ San nhìn xa xa xuống phía dưới chân núi, tôi thấy có một ngôi nhà trơ tường đá, ngả màu rêu phong cổ kính. Người già trong thôn cho biết đó là “Chà Phà” - trạm dừng chân do người Pháp xây dựng, phía bên Lai Châu cũng có một “Chà Phà”. Xuất phát từ “Chà Phà” phía Lào Cai đến “Chà Phà” phía Lai Châu phải qua con đường đá cổ vừa hết một ngày. Theo chỉ dẫn của người dân, tôi bắt đầu chuyến khám phá con đường đá cổ.

Từ “Chà Phà”, tôi đi chừng 30 phút, qua “thảo nguyên” đầy nắng và gió là chạm chân tới những phiến đá lát đường. Vì gần khu dân cư, người dân và trâu, bò đi nhiều nên những phiến đá nhẵn lỳ, nhiều chỗ bật mất mặt đá. Đến suối, đường đá bị lũ cuốn trôi mất dấu. Đang loay hoay tìm đường đi tiếp, tôi gặp hai anh em người Mông tên là Tráng A Vả và Tráng A Vềnh ở thôn Khu Chu Phìn đi phát nương thảo quả về. Biết tôi muốn khám phá con đường đá cổ, Vả và Vềnh vui vẻ nhận lời dẫn tôi đi.

“Nghe nói con đường này được làm từ năm 1927, kết nối xã Sàng Ma Sáo (Bát Xát - Lào Cai) và Sin Suối Hồ (Phong Thổ - Lai Châu) với nhau. Cũng từ đó, người dân hai địa phương vẫn thường xuyên qua lại, nhiều người còn lấy vợ, lấy chồng nhờ con đường này đấy anh ạ!” - Tráng A Vả bắt đầu kể chuyện về con đường.

Qua suối là đến rừng, con đường đá bắt đầu mang màu cổ kính, mặt đường khá trơn bởi thảm rêu xanh phủ đầy đường đi. Con đường cứ thế trải dài, khá nguyên vẹn, chạy xuyên qua những nương thảo quả, những cánh rừng nguyên sinh đến tận thôn Sàng Ma Pho, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Có nhiều đoạn đường được làm rất rộng, những viên đá có kích thước tương đối đồng đều, nhiều đoạn hẹp, đá to, đá nhỏ lẫn lộn. Càng đi vào rừng, cảnh sắc càng đẹp, cái đẹp khó có thể diễn tả bằng lời hay một bức ảnh, mà chỉ có thể cảm nhận bằng tâm hồn của người yêu thiên nhiên.

Đi một đoạn, chừng bắt đầu thấm mệt, tôi và hai chàng trai người Mông dừng lại bên suối, Vả nhanh tay ngắt lá thảo quả cuốn lại thành “cốc” múc nước suối đưa tôi uống. Vả nói: “Nước suối trong rừng sạch lắm, chúng em vẫn thường xuyên uống, chẳng bao giờ bị đau bụng, toàn nước mạch được lọc qua đá núi và bộ rễ của cây rừng nguyên sinh”. Bỏ qua chút e dè, tôi uống một ngụm nước suối, thứ nước mát lạnh, ngai ngái mùi đất, mùi lá rừng thấm vào đầu lưỡi, ngấm vào cuống họng khiến người ít đi rừng như tôi bừng tỉnh.

Tôi chọn một phiến đá lớn như chiếc phản, hít một hơi căng tràn lồng ngực và ngả lưng, gối đầu lên chiếc ba lô mang theo. Nằm trên đá, xung quanh là núi rừng bao la phảng phất mùi hương thảo quả. Bên tai, tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim hót thánh thót, gió thổi rì rào; trước mặt là những đám mây trôi bảng lảng trên nền trời xanh ngắt… Phút chốc, tôi thấy tinh thần khoan khoái, thư thái lạ thường, đó là thành quả xứng đáng chỉ sau vài giờ leo bộ, cuộc sống nơi thành phố không thể có được. Quả thực, cảnh đẹp và không khí trong lành khiến người đến chỉ muốn ở lại, chẳng muốn về.

Dùng chân trên đường đá cổ Pavi.

Đi thêm chừng hơn một tiếng, chúng tôi đến được đỉnh đèo Gió, nơi có hai nấm mộ cỏ và phế tích của chiếc cổng phân chia ranh giới giữa tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Vả và Vềnh không ai bảo ai, một người lấy viên đá nhỏ, một người cầm nắm cỏ đặt lên ngôi mộ một cách thành kính, rồi vạch cỏ lấy ra tấm bê tông nhỏ có vài chữ khắc sâu vẫn còn rõ nét “…ELEGAT…”. Vềnh bảo: “Người già trong thôn thường kể, trước đây tại đỉnh đèo Gió có 2 chiếc cổng dựng bằng bê tông và đá, rộng bằng cả con đường, nhưng không biết vì lý do gì mà bị phá bỏ, nay chỉ còn mảnh bê tông có vài nét chữ này”.

Ở đỉnh đèo Gió, Vả và Vềnh còn kể cho tôi nhiều câu chuyện lưu truyền trong cộng đồng người dân vùng Sàng Ma Sáo và Sàng Ma Pho. “Hai ngôi mộ ở đỉnh đèo này là mộ cỏ, không phải mộ thật đâu. Vì người xưa khi leo đến chỗ này vừa gió rét, vừa đói, sợ bị chết đói, chết rét, mỗi người đi đường thường đắp lên một cục đá, nắm cỏ, dần thành hai ngôi mộ và cầu khấn cho mình đi qua đèo được bình an. Hai ngôi mộ ấy cứ to dần theo thời gian, vì ai đi qua cũng phải đắp cỏ hoặc đá. Nhiều người còn để đồng bạc trắng ở đấy và mong muốn được suôn sẻ khi qua con đường này” - Vả nói.

Vềnh tiếp: “Nghe người dân bản Sàng Ma Pho kể, ở gần cuối con đường phía Lai Châu có một cây cầu. Mới mươi năm gần đây thôi, có nhóm người, chắc là con cháu của lính Pháp xưa đến đập cái mố cầu lấy đi mấy chum bạc trắng. Chum cao bằng ngực người lớn còn in hình trong đất. Vì thế người ta mới lên đây đập tan cánh cổng để tìm của, vì tưởng người Pháp cũng chôn bạc trắng ở đây nữa”.

Rồi Vềnh và Vả thay nhau kể cho tôi nghe chuyện về những người Mông đầu tiên đến vùng đất này lập bản. Những câu chuyện lưu truyền trong dân gian nhuốm màu huyền tích về thác Tống Lan, Ong nghìn tuổi, Cối đá khổng lồ…

“Con đường dài gần trăm cây số mà giờ chỉ còn gần 20 cây số với phế tích Chà Phà và cổng chào nơi đỉnh đèo gió này. Thế có tiếc không!” - Vả tiếc rẻ.

Trời đã ngả về chiều, chúng tôi cùng nhau xuống núi trở về bản. Bên bếp lửa, Vềnh và Vả tâm sự rằng họ mong muốn con đường đá cổ Pavi sẽ được bảo tồn và trở thành tuyến du lịch để người dân các thôn sống gần con đường đá cổ phát triển kinh tế. Vềnh và Vả cũng muốn làm homestay để đón khách tới đây trải nghiệm văn hóa của người Mông Sàng Ma Sáo.

Chia tay bản, chia tay hai chàng trai dân tộc Mông, tôi trở về cùng những câu chuyện huyền bí về con đường đá cổ nhuốm màu thời gian mang vẻ đẹp mê hoặc. Nơi ấy vẫn còn đó những lời mời như thôi thúc những người ưa khám phá đến tham quan, trải nghiệm.

Theo Đức Phương/LCĐT

Tin Liên Quan

[Ảnh] Lễ hội hoa sen đá trong mùa săn mây đẹp nhất năm tại Sa Pa

Mở đầu cho chuỗi hoạt động kích cầu lớn nhất năm 2024 tại thị xã Sa Pa, ngày 29/10, Khu du lịch Sun World Fansipan Legend tổ chức Lễ hội Hoa sen đá với chủ đề “Chào ánh nắng, chào yêu thương”.

Hơn 100 doanh nghiệp du lịch Sa Pa chung tay kích cầu, ưu đãi đến 50%

Ngày 29/10, UBND thị xã Sa Pa, Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai phối hợp với Khu du lịch Sun World Fansipan Legend tổ chức chương trình kích cầu du lịch lớn nhất năm 2024 với chủ đề “Chạm Sa Pa – Chạm những tầng mây”.

Định hướng phát triển du lịch làng nghề

Nghề thủ công ở Lào Cai xuất hiện từ rất sớm. Làng người Mông thường có một, hai hộ làm nghề rèn đúc, sửa chữa nông cụ, chạm khắc bạc, làm đồ trang sức. Làng người Tày lưu giữ nghề trồng bông dệt vải, bán vải chàm, vải bông ở các chợ vùng cao...

[Ảnh] Bắc Hà mùa thu

Mùa thu, Bắc Hà đẹp mê mẩn với những ngọn núi bao phủ trong mây trắng bồng bềnh, đồi hoa tam giác mạch đang mùa bung nở, các thiếu nữ xúng xính váy áo xuống chợ phiên...

Lên Y Tý ngắm nhà Trình tường

Y Tý là một xã vùng cao của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai với thiên nhiên tươi đẹp, núi non hùng vĩ, không khí trong lành.

[Ảnh] Những điểm đến đẹp ở Sa Pa

Sa Pa đẹp nhất vào mùa nào? Thật khó để có thể tìm một câu trả lời tròn vẹn. Bởi người ta vẫn ví Sa Pa giống như một nàng công chúa, đẹp ở mọi góc cạnh, khuôn hình. Có người thích mùa xuân ngọt ngào; người thích mùa hạ rực rỡ; người thích mùa thu dịu dàng, lãng mạn; người lại thích mùa đông lạnh...