Bát Xát nỗ lực phát triển nông nghiệp, nông thôn
Bát Xát là huyện có tiềm năng về phát triển nông – lâm nghiệp với các lợi thế về lao động, đất đai và khí hậu. Trong những năm qua, huyện đã có nhiều chủ trương, đề án, dự án đặc thù để hình thành các vùng sản xuất tập trung, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đặc biệt thu nhập đầu người đã đạt 31 triệu đồng/năm.Huyện Bát Xát đặc biệt quan tâm đến phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Với nhiều biện pháp được triển khai, huyện đã huy động các nguồn lực, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, khuyến khích và có cơ chế phối hợp để các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân, tạo nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. Tổng sản lượng lương thực năm 2017 đạt gần 44 nghìn tấn (tăng hơn 19% so với năm 2012); giá trị canh tác trên đơn vị diện tích đạt 61.36 triệu đồng, tăng 15,21 triệu đồng so với năm 2012. Bên cạnh đó, huyện đã đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp, phát triển sản xuất theo hướng tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa những giống cây trồng có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp trên thị trường, hỗ trợ nhân dân thực hiện các đề án, dự án phát triển cây trồng ứng dụng một phần công nghệ cao vào cây dược liệu. Năm 2017, huyện đã xây dựng Đề án phát triển cây dược liệu, phấn đấu đến năm 2020 phát triển 500 ha, ký hợp đồng liên kết với Công ty cổ phần Dược liệu Việt Nam đảm bảo bao tiêu sản phẩm cho nhân dân. Hiện nay, huyện đã có 345 ha cây dược liệu, với những cây chủ đạo như Xuyên khung, Chè dây, Đương quy, Sa nhân tím… Vùng cây ăn quả trên toàn huyện, đến tháng 8/2018 có 926,5 ha, diện tích lê Tai nung chiếm gần 216 ha, trong đó đã có 78 ha cho thu hoạch, sản lượng ước đạt 634 tấn, đem lại thu nhập ổn định người dân. Huyện đã hình thành vùng chè tại khu vực Mường Hum và A Mú Sung với diện tích 495 ha, sản lượng chè búp tươi bình quân hằng năm đạt trên 1.000 tấn (riêng năm 2017 đã đạt 1.420 tấn), giá thu mua chè búp tươi cho nhân dân ổn định từ 7 đến 9 nghìn đồng/kg, riêng giá chè Bát Tiên giá thu mua đạt từ 20 đến 25 nghìn đồng/kg.
Phát huy thế mạnh vùng, cây trồng vụ đông được tập trung sản xuất, huyện đã duy trì vùng chuyên canh rau an toàn với 85 ha, thu hút 6 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm, giá trị thu nhập đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm. Sản xuất ngô hàng hóa đạt gần 5.328 ha, tăng 1.161 ha so với năm 2012. Bên cạnh đó, tận dụng lợi thế khí hậu ôn đới vào mùa hè tại Y Tý, Pa Cheo, Nậm Pung, huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất rau trái vụ, có thu nhập cao cho người nông dân.
Chăn nuôi từng bước phát triển theo hướng tập trung, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đảm bảo vệ sinh môi trường, chủ động thực hiện các dự án giảm nghèo gắn với phát triển đàn đại gia súc theo hướng hàng hóa.
Kinh tế lâm nghiệp được coi trọng và phát triển theo hướng bền vững, nhiệm vụ phát triển rừng hằng năm đều hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đề ra, tập trung vào các cây trồng như quế, sơn trà, xoan… Tổng diện tích trồng rừng đạt 5.256ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt gần 55%, đã quy hoạch và xây dựng khu bảo tồn thiên nhiên hơn 18 nghìn ha, người dân có nguồn thu nhập ổn định từ rừng, bình quân đạt 45 triệu đồng/ha/năm.
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Bát Xát đã tập trung chỉ đạo đồng bộ các giải pháp, lựa chọn các mục tiêu mũi nhọn có khả năng thực hiện để tạo tiền đề xây dựng dựng nông thôn mới. Huy động mọi nguồn lực chung sức xây dựng nông thôn mới, đưa Quang Kim là xã đầu tiên của tỉnh được nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Phong trào làm đường giao thông nông thôn được nhân dân tích cực thực hiện, đã mở mới và nâng cấp nền đường được 89 km, đổ bê tông xi măng mặt đường gần 59 km, cấp phối trên 30km. Môi trường nông thôn được đảm bảo, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên. Dự kiến hết năm 2018, toàn huyện sẽ có 7 xã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, 13 thôn kiểu mẫu và 28 thôn nông thôn mới, hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII đề ra.
Với những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, huyện Bát Xát sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tập trung xây dựng vùng sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ nông sản, nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất, sớm hoàn thành mục tiêu đưa Bát Xát trở thành huyện phát triển của tỉnh Lào Cai./.