Lào Cai chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Lào Cai đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, giúp người dân giải quyết việc làm, có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.Thực tế cho thấy, số lượng lao động nông thôn đã qua đào tạo của tỉnh ngày một tăng. Tính trong giai đoạn từ 2010 đến nay, đã có trên 16.400 lao động nông thôn được đào tạo nghề nông nghiệp. Chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề tăng lên rõ rệt. Lao động nông thôn sau đào tạo nghề đã vận dụng có hiệu quả kiến thức vào sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập. Các học viên đã biết lập kế hoạch sản xuất, nhiều lao động được nhận vào làm việc trong các doanh nghiệp hoặc tham gia thành viên hợp tác xã nông nghiệp, qua đó tạo ra thu nhập ổn định.
Đã xuất hiện nhiều mô hình đào tạo có hiệu quả cao như: Mô hình đào tạo nghề cho lao động trồng hoa lan tại xã Tả Phìn, huyện Sa Pa góp phần tạo thu nhập bình quân 700 triệu đến 1 tỷ đồng/hộ/năm; mô hình đào tạo nghề cho lao động nuôi trồng thủ sản tại xã Cốc San, huyện Bát Xát, góp phần tạo thu nhập từ 120 đến 150 triệu đồng/hộ/năm; mô hình đào tạo nghề trồng cây có múi cho người trồng quýt tại thị trấn Mường Khương góp phần tạo thu nhập 100 đến 120 triệu đồng/hộ/năm…
Mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong vùng sản xuất hang hóa có liên kết với doanh nghiệp cũng đã cho thấy hiệu quả đáng phấn khởi. Tiêu biểu là mô hình đào tạo nghề cho lao động trong vùng thu mua nguyên liệu chè của Công ty trách nhiệm hữu hạn Chè Đại Hưng tại huyện Bảo Yên; lao động trong vùng thu mua nguyên liệu dược liệu của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Traphaco Sa Pa, có cam kết thu mua nguyên liệu của doanh nghiệp…
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn đã giúp cho bà con được học nghề, được tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật, được hỗ trợ tạo việc làm để nâng cao chất lượng cuộc sống, xóa đói, giảm nghèo.
Phát huy kết quả đó, trong thời gian tới, Lào Cai tiếp tục thực hiện một số giải pháp trong việc xác định nhu cầu đào tạo, tăng cường công tác tuyên truyền, xây dựng kinh phí phù hợp và nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn, giúp người dân đảm bảo ổn định cuộc sống, tăng thu nhập và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai theo hướng bền vững./.