Liên hợp quốc kêu gọi đẩy mạnh nỗ lực hướng tới một thế hệ không có AIDS

(Ảnh minh họa: dayoftheyear.com)

Trong báo cáo đưa ra ngày 29/11 với tên gọi “Trẻ em, HIV và AIDS: Thế giới vào năm 2030”, các xu hướng hiện tại chỉ ra rằng các trường hợp tử vong và nhiễm mới liên quan đến bệnh AIDS đang chậm lại, nhưng tốc độ giảm vẫn còn chậm, đặc biệt ở nhóm thanh thiếu niên. Trong đó, số ca tử vong liên quan đến AIDS được dự đoán sẽ giảm 57% ở trẻ em dưới 14 tuổi, trong khi mức giảm 35% được dự đoán ở nhóm từ 15 đến 19 tuổi.

Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore cho biết, hiện trên thế giới có khoảng 3 triệu người dưới 19 tuổi nhiễm HIV (chủ yếu ở Đông và Nam Phi). Theo xu hướng giảm, ước tính có 1,9 triệu trẻ em và thanh thiếu niên sẽ vẫn sống chung với HIV vào năm 2030, chủ yếu ở Đông và Nam Phi (1,1 triệu), tiếp theo là Tây và Trung Phi (571.000), và Mỹ Latin và Caribê (84.000).

Theo bà Henrietta Fore, số trường hợp lây nhiễm từ mẹ sang con đã giảm khoảng 40% trong 8 năm qua, nhưng trẻ em gái vẫn chiếm khoảng 2/3 tổng số ca nhiễm HIV ở trẻ vị thành niên.

UNICEF cho biết, hơn một nửa số trẻ em có nguy cơ tử vong vì bệnh AIDS là trẻ chưa đủ 5 tuổi. Khoảng 2 triệu ca nhiễm mới có thể được ngăn chặn vào năm 2030 nếu các mục tiêu toàn cầu được đáp ứng, đồng nghĩa với việc cung cấp khả năng tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV, xét nghiệm và chẩn đoán.

Báo cáo đã chỉ ra hai hạn chế lớn trong ứng phó với vấn đề HIV ở trẻ em, bao gồm: Sự tiến triển chậm chạp trong công tác phòng ngừa trong giới trẻ, và thất bại trong việc giải quyết các nguyên nhân chính của dịch bệnh; nhiều trẻ em và thanh thiếu niên bị nhiễm bệnh mà không hề hay biết, và thậm chí khi xét nghiệm HIV dương tính, họ hiếm khi tuân thủ việc điều trị thích hợp.

Để giải quyết những điều này, UNICEF đề xuất một số biện pháp để hướng tới mục tiêu về một thế hệ không có AIDS, bao gồm: Tăng cường các xét nghiệm tập trung vào gia đình để xác định những trẻ sống chung với HIV mà chưa được chẩn đoán; tăng cường công nghệ để cải thiện chẩn đoán sớm ở trẻ sơ sinh; sử dụng nhiều nền tảng kỹ thuật số để cải thiện kiến thức về HIV ở thanh thiếu niên; đẩy mạnh các dịch vụ thân thiện với trẻ vị thành niên,…

Bà Henrietta Fore nhấn mạnh: “Chúng ta không thể thắng cuộc chiến chống HIV nếu chúng ta không đẩy nhanh tiến độ trong việc ngăn chặn sự lây lan sang thế hệ tiếp theo”./.