G20 ra tuyên bố chung trong bối cảnh vẫn còn nhiều thách thức
Sau 2 ngày làm việc (30/11 và 1/12), lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu thế giới G20 đã nhất trí ra tuyên bố chung.Tuyên bố chung đã được các nhà lãnh đạo G20 ký ngày 1/12 ở Buenos Aires, thủ đô Argentina, kết thúc thượng đỉnh G20 lần đầu tiên được tổ chức tại Nam Mỹ.
Tuyên bố cho biết có 19 nền kinh tế thành viên (trừ Mỹ) tái khẳng định cam kết đối với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Tuyên bố cũng dẫn lại một báo cáo mới nhất của LHQ cảnh báo những tác hại của hiện tượng nóng lên toàn cầu sẽ trầm trọng hơn các dự báo trước kia. Đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc đầu tư vào các dự án chống lại các tác hại của biến đổi khí hậu.
Các bên ủng hộ hội nghị sắp tới của LHQ ở Ba Lan nhằm thống nhất cách thức hiện thực hóa những cam kết của Hiệp định Paris. Mỹ tiếp tục là nước duy nhất không ủng hộ thỏa thuận này sau khi rút khỏi vào năm 2017.
Về thương mại toàn cầu, các nhà lãnh đạo G20 thừa nhận thương mại quốc tế và đầu tư là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới, tạo việc làm và phát triển, đồng thời đánh giá vai trò quan trọng của sự đóng góp của hệ thống thương mại đa phương để thực hiện mục tiêu này.
Tuyên bố chung tại Buenos Aires khẳng định 20 nền kinh tế thành viên ủng hộ thương mại đa phương nhưng thừa nhận hệ thống hiện tại không hoạt động hiệu quả và cần điều chỉnh, thông qua “cải tổ thiết thực đối với WTO nhằm cải thiện các chức năng của tổ chức”.
Phát biểu trước báo giới quốc tế tối 1/12, Tổng thống nước chủ nhà Hội nghị G20 Mauricio Macri nói rằng việc các nước thành viên đạt được sự đồng thuận về việc cần thiết phải "hồi sinh thương mại quốc tế" và những lo ngại về hậu quả của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, việc G20 tại Argentina thông qua Tuyên bố chung chỉ mới là bước hòa hoãn tạm thời vì vẫn còn đó những thách thức không thể giải quyết một sớm, một chiều.
Cụ thể, để đạt được thỏa thuận không mang tính ràng buộc nói trên, các nhà ngoại giao đã phải đàm phán xuyên đêm nhằm tìm cách giải quyết bất đồng giữa các thành viên G20.
Trong đó đáng chú ý là cuộc gặp bên lề giữa Mỹ và Trung Quốc. Tại cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã nhất trí sẽ ngừng áp dụng các mức thuế mới "sau ngày 1/1/2019" để tiếp tục đàm phán giải quyết các bất đồng.
Bên cạnh đó, khi đàm phán về Tuyên bố chung, Trung Quốc phản đối đối thoại về thị trường thép toàn cầu; Nam Phi không đồng ý về ngôn ngữ sử dụng trong thương mại; Australia không chấp nhận một tuyên bố chung quá mềm mỏng về vấn đề nhập cư. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại văn kiện sẽ đẩy vấn đề biến đổi khí hậu đi quá xa…